Vay tín chấp nông nghiệp - Diện mạo mới cho doanh nghiệp

PV.

(Tài chính) Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Thay vì chăm chăm kiểm soát tài sản khi cho vay, các ngân hàng nên tăng cường kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có dự án khả thi, hiệu quả, quản lý tốt dòng tiền thì ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn. Cho vay tín chấp là một chủ trương hợp lý mà nhiều tổ chức tín dụng cần phải chủ động lên phương án triển khai’’. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là cần có những giải pháp để ngân hàng và doanh nghiệp “ngồi” được với nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hạn chế rủi ro cho vay tín chấp

TS. Nguyễn Danh Lương khuyến nghị, để chính sách cho vay tín chấp cho khu vực nông nghiệp – nông thôn mang tính lâu dài và hiệu quả, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần xem xét để đưa bảo hiểm nông nghiệp đi vào cuộc sống một cách rộng rãi, giúp nông dân yên tâm vay vốn sản xuất - kinh doanh và tạo điều kiện để các TCTD thúc đẩy hoạt động tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Phó Tổng giám đốc Vietinbank Nguyễn Văn Du đề xuất, Chính phủ cần có các giải pháp ưu tiên nguồn vốn phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, dành nguồn vốn tài trợ ủy thác nước ngoài, ODA để ủy thác qua NHTM.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, cho vay tín chấp trong khu vực nông nghiệp - nông thôn có nhiều rào cản, nhưng không phải là không thực hiện được. Để giảm thiểu các rủi ro, cần xem xét một số biện pháp hỗ trợ riêng đối với người vay vốn và cả TCTD như xây dựng Quỹ Bảo lãnh vốn nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất đối với các TCTD tham gia cho vay trong lĩnh vực đầy rủi ro này.

“Chính phủ cần ban hành chính sách đồng bộ, tạo điều kiện tốt nhất cho hệ thống ngân hàng, nông dân và DN chế biến, tiêu thụ sản phẩm tham gia trong chuỗi sản xuất”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh. 

Vay tín chấp - Diện mạo mới cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước sẽ chú trọng và ưu tiên các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và xuất khẩu. Sẵn sàng cung ứng vốn, nhưng đồng vốn cho vay ra sẽ gắn liền với việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất và phương thức sản xuất trong nông nghiệp, nhằm gia tăng chuỗi giá trị của sản phẩm.

Chỉ sau khoảng 5 tháng triển khai chương trình cấp tín dụng giữa các ngân hàng thương mại với các dự án trong chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp - đợt 3, hiện đã có 27 doanh nghiệp với 30 dự án tại 22 tỉnh, thành phố được tham gia chương trình với tổng vốn cam kết từ các ngân hàng lên tới hơn 4.600 tỷ đồng. Đây cũng là một thay đổi lớn của các doanh nghiệp so với những năm trước.

Bởi lẽ, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp không có tài sản để thế chấp vay vốn, nhất là bất động sản. Như tại Công ty Thành Tín, Giám đốc Trần Thị Thanh Nga cho biết, có bao nhiêu tài sản có thể thế chấp thì đã thế chấp hết rồi nhưng vẫn không đủ vốn để c để mở rộng sản xuất và xuất khẩu với cam kết mở rộng bao tiêu lúa gạo cho nông dân. Giờ, công ty chỉ còn biết “nhờ” các ngân hàng mở rộng cho vay tín chấp mà thôi.

Trước ý kiến này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói, ông rất ấn tượng khi đi thăm cơ sở của Công ty Thành Tín, về quy mô và quy trình sản xuất, hiệu quả kinh doanh được đánh giá cao, đặc biệt là quy trình khép kín từ đầu vào, sản xuất đến xuất khẩu - mô hình được chọn thí điểm cho vay trong chương trình nói trên.

“Nhu cầu vốn của doanh nghiệp lớn, nhất là về tín chấp. Nếu mô hình tốt, hiệu quả thì ngân hàng mạnh dạn xem xét cho vay. Tất nhiên là phải kiểm soát tốt dòng tiền, thay vì cứ chăm chăm vào kiểm soát tài sản. Kiểm soát dòng tiền để làm sao doanh nghiệp sử dụng đúng đồng vốn như cam kết với ngân hàng. Chỉ sợ là sau khi cho vay lại dùng vào việc khác không hiệu quả”, Thống đốc nói.

Tuy nhiên, tín chấp thì chỉ dựa trên chữ tín của doanh nghiệp. Cho nên, một lần nữa người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đề nghị chính quyền các địa phương cũng phối hợp, tham gia giám sát và hỗ trợ cả ngân hàng và doanh nghiệp. Cơ chế giám sát này nhằm để cùng hạn chế rủi ro pháp lý hay việc hình sự hóa các rủi ro nếu có sau đó.