Về giải ngân vốn đầu tư công thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016-2020, kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần. Sau 2/3 chặng đường giai đoạn 1 (2021-2025), công tác giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách trung ương của Chương trình đã đạt được một số kết quả khả quan. Thông qua đánh giá thực trạng giải ngân đầu tư công của Chương trình, chỉ ra các hạn chế và nguyên nhân hạn chế, bài viết đưa ra các đề xuất nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân trong thời gian tới.
Giới thiệu
Nước ta có 53 DTTS với 14.119.256 người tương đương với 3.350.756 hộ (chiếm 14,7% dân số cả nước), cư trú ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm ¾ diện tích cả nước [5]. Trong khi đó, đây là các vùng giữ vị trí chiến lược quan trọng của đất nước không chỉ về kinh tế mà đặc biệt là về quốc phòng, an ninh. Mặc dù, những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các vùng này đã được chú trọng quan tâm đầu tư, tuy nhiên đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao nhất cả nước, kinh tế - xã hội chậm phát triển, việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản vẫn ở mức rất thấp, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển vẫn có nhiều yếu kém.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, Chính phủ hoàn thiện Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình) Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020. Sau đó, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Giai đoạn I của Chương trình còn 2 năm nữa là kết thúc, vì thế việc nhìn lại thực trạng giải ngân của Chương trình thời gian qua, để thấy được các hạn chế, rào cản để đề ra các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân thời gian tới, nhằm hoàn thành các mục tiêu đặt ra là cần thiết.
Nội dung chính của chương trình
Chương trình được triển khai trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu (ATK) thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đối tượng của Chương trình gồm: Xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; Hộ gia đình, cá nhân người DTTS; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Tổng mức vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 137.664,959 tỷ đồng, gồm: Nguồn ngân sách trung ương: 104.954,011 tỷ đồng (Trong đó: Vốn đầu tư công: 50.000 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp: 54.324,848 tỷ đồng; Đối với số vốn còn lại (629,163 tỷ đồng): Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí trong quá trình thực hiện Chương trình); Vốn ngân sách địa phương: 10.016,721 tỷ đồng; Vốn vay tín dụng chính sách: 19.727,020 tỷ đồng; Vốn huy động hợp pháp khác: 2.967,207 tỷ đồng.
Như vậy, vốn đầu tư công để thực hiện Chương trình là 50.629,163 tỷ đồng, trong đó, 50.000 tỷ đồng đã được bố trí theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và được phân bổ cụ thể cho các dự án: Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vốn đầu tư công: 4.565,965 tỷ đồng; Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, vốn đầu tư công: 5.471,9 tỷ đồng; Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, vốn đầu tư: 735 tỷ đồng; Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc, số vốn đầu tư công vốn đầu tư: 28.039,702 tỷ đồng; Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, tập trung vào đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS với số vốn đầu tư 6.372,233 tỷ đồng; Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, vốn đầu tư: 1.828,9 tỷ đồng; Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, vốn đầu tư: 455,433 tỷ đồng; Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, vốn đầu tư: 1.966,409 tỷ đồng; Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình, vốn đầu tư: 1.193,621 tỷ đồng;
Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công thuộc Chương trình
Về công tác triển khai
Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 về phê duyệt Chương trình giai đoạn 1 từ năm 2021-2025. Để triển khai Dự án, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ đã ban hành tổng cộng 61 văn bản, các địa phương ban hành 42 văn bản để quy định và hướng dẫn việc thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình.
Kết quả giải ngân
Tính đến thời điểm ngày 30/6/2023, vốn đầu tư đầu tư công thuộc Chương trình giải ngân được 5.638,831 tỷ đồng, đạt 22%. Mặc dù, đến giữa năm 2022, công tác phân bổ và giao vốn mới hoàn thành nhưng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình, dù tỷ lệ này còn thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước.
Với việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nêu trên và việc huy động, giải ngân các nguồn vốn khác đã giúp cho Chương trình hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao ở một chỉ tiêu, như: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân đạt 3,4% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao), trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao, như: Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Lào Cai, Khánh Hòa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La…; Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm cứng hóa; Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Tỷ lệ lao động trong độ tuổi học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến trường, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông; Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng. Việc hoàn thành sớm một số chỉ như trên sẽ vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, vừa giúp cho địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn. Trong đó, dự kiến một số chỉ tiêu sớm về đích so với mục tiêu kế hoạch như: Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; Tỷ lệ trường, lớp học, trạm y tế được xây dựng kiên cố; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; Tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đòi phát thanh…
Tồn tại, hạn chế và nguyên ngân
Mặc dù, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thuộc Chương trình đã được các cấp, các ngành hết sức chú trọng nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp, chưa tương xứng với sự cần thiết và tính cấp bách của Chương trình, chưa phát huy được ý nghĩa của Chương trình đối với đồng bào DTTS và miền núi. Hạn chế này do một số nguyên nhân như sau:
- Đây là Chương trình mới, đối tượng và địa bàn thực hiện đều đặc biệt khó khăn, chưa có sự kế thừa về kinh nghiệm triển khai; cơ quan chủ Chương trình lần đầu tiên được giao nhiệm vụ quản lý.
- Để triển khai thực hiện Chương trình, các bộ, cơ quan trung ương phải ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn, với số lượng văn bản lớn. Trong đó, nhiều văn bản chậm so với kế hoạch. Một số văn bản được ban hành đúng tiến độ nhưng chưa đảm bảo được tính đồng bộ, chưa đủ rõ ràng, chưa sát với thực tế nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Do đó, ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công của Chương trình.
- Bên cạnh việc tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công, cơ quan chủ Chương trình còn phải tham mưu, ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn riêng cho Chương trình nên đã ảnh hưởng đến thời gian phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm. Ngoài ra, việc phê duyệt quyết định đầu tư các dự án thuộc Chương trình bị chậm nên ảnh hưởng rất lớn đến việc phân bổ vốn đầu tư công hàng năm. Từ đó, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân.
- Việc lập và giao kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 và hàng năm vẫn quy định UBND cấp tỉnh phải trình HĐND cấp tỉnh danh mục chi tiết công trình. Thực tế, danh mục các dự án thuộc Chương trình đa số là các dự án nhỏ, quy mô không phức tạp, nhưng số lượng rất lớn, trong khi các công trình ở cấp xã dễ có sự thay đổi phát sinh việc điều chỉnh, bổ sung danh mục. Do đó, việc quy định phải trình HĐND tỉnh dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, giảm sự linh động trong khâu triển khai thực hiện.
- Một số nguyên tắc, cơ chế quy định áp dụng cho Chương trình: tăng cường lồng ghép nguồn lực, lồng ghép vốn, đẩy mạnh phân cấp phân quyền… chủ yếu mới triển khai ở góc độ chủ trương, khuyến khích hoặc nguyên tắc, thiếu tính đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan do vậy ảnh hưởng đến việc triển khai các nội dung, dự án thuộc Chương trình trong đó có việc sử dụng vốn đầu tư công.
- Một số đối tượng, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và mục tiêu chính của Chương trình, nhưng lại hoạt động ở địa bàn không thuộc phạm vi của Chương trình. Do vậy, các cơ quan rất lúng túng trong khâu triển khai, dẫn đến việc không thể giải ngân được vốn đã bố trí.
- Địa bàn triển khai các dự án thuộc Chương trình đều nằm ở khu vực đặc biệt khó khăn nên việc tiến độ thực hiện các dự án cũng bị ảnh hưởng làm chậm giải ngân vốn.
- Dự án được chuẩn bị từ năm 2019 và được quyết định đầu tư vào năm 2021. Thời gian chuẩn bị dự án rất dài. Sau khi dự án được phê duyệt, thì giá nguyên vật liệu biến động tương đối lớn. Do vậy, cơ quan chuẩn bị đã không lường trước được các biến động bất thường trong thời gian chuẩn bị, nên ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phê duyệt các dự án thuộc Chương trình.
- Công tác huy động nguồn vốn khác, trong đó có nguồn vốn ODA để tăng cường nguồn lực thực hiện các mục tiêu của Chương trình chưa được thúc đẩy một cách có hiệu quả.
Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thuộc Chương trình
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thuộc Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số kiến nghị:
Đối với Quốc hội
- Tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện những khó khăn vướng mắc trong khâu triển khai để có hướng chỉ đạo tháo gỡ, thúc đẩy giải ngân vốn Chương trình, trong đó có vốn đầu tư công.
- Xem xét việc điều chỉnh Chương trình theo hướng chỉ rõ những đối tượng không thuộc địa bàn thực hiện Chương trình, nhưng tham gia vào việc phục vụ các mục tiêu chính của Chương trình, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập, để các cơ quan chủ quản yên tâm về mặt pháp lý khi triển khai, tránh các cách hiểu khác nhau khi thanh tra, kiểm tra.
Đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ
- Chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét việc điều chỉnh đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình.
- Chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương tập trung nhân lực tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, ưu tiêu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư thuộc Chương trình nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu cơ bản của Chương trình.
- Cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với vốn đầu tư công năm 2023 của Chương trình sang năm 2024 để đảm bảo tập trung nguồn lực phục vụ đầu tư, triển khai thực hiện Chương trình tại các địa phương sau khi các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ trì các dự án, tiểu dự án, các nội dung thuộc Chương trình
Khẩn trương, quyết liệt hoàn thành các văn bản hướng dẫn còn thiếu; rà soát các văn bản bất cập, chồng chéo để sửa đổi, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện làm cơ sở pháp lý triển khai Chương trình, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư.
Chủ động tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực tế thi công các công trình, dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình nhằm sớm giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã được trí cho Chương trình, mang lại hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2019), Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
2. Quốc hội (2019), Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về việc phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
3. Quốc hội (2020), Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
4. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025.
5. Ủy ban Dân tộc (2023), Báo cáo đề dẫn, ngày 30/8/2023 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
6. Ủy ban Dân tộc (2023), Tờ trình số 1770/TTr-UBDT, ngày 03/10/2023 và Báo cáo số 2352/BC-UBDT, ngày 15/12/2023 về Đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.