Vì sao hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan?
Các thủ đoạn gian lận trong kinh doanh mỹ phẩm đang ngày càng tinh vi, từ nhái mẫu mã, nhái mã vạch – barcode, QRcode để kiểm tra hàng, đến dùng tên gọi mập mờ, thậm chí hàng giả còn có cả tem dán chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), tem chính hãng khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, 10 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện, xử lý hơn 181.000 vụ việc vi phạm (tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2016); thu ngân sách nhà nước đạt gần 19.000 tỷ đồng; khởi tố trên 1.600 vụ vi phạm, hơn 2.000 đối tượng. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Vừa có thương hiệu đã bị làm nhái
Chị Bùi Thị Thu Hà – Tổng Giám đốc công ty TNHH Sản xuất thương mại mỹ phẩm thiên nhiên Mộc Hà Natural Care, cho biết: “Doanh nghiệp đang rất vất vả, tốn nhiều công sức và tiền bạc để nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm, bỏ tiền đầu tư nhà xưởng, nguyên liệu, thiết kế mẫu mã, bao bì… và xin chứng nhận từ cơ quan chức năng. Đặc biệt, việc đưa sản phẩm ra thị trường và cạnh tranh được với hàng nghìn thương hiệu khác còn khó khăn hơn gấp bội. Tuy nhiên, một số dòng sản phẩm vừa bán chạy thì đã có nguy cơ bị làm nhái, lừa người tiêu dùng”.
Theo chị Hà, các thủ đoạn làm giả, nhái trong kinh doanh mỹ phẩm có thể kể đến như nhái mẫu mã, thậm chí nhái cả mã vạch – barcode và QRcode để kiểm tra hàng; hoặc nhái bằng cách dùng tên gọi gần giống với hàng chính hãng; thậm chí_mỹ phẩm giả còn có cả tem dán chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), tem chính hãng khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt…
Bên cạnh đó, việc sản xuất được chia thành nhiều công đoạn, ở nhiều nơi khác nhau như: In vỏ bao bì, nhãn mác, pha trộn, đóng gói, thay nhãn mác mới… Các sản phẩm này được rao bán công khai trên các website, tuồn qua kênh tiểu thương và bán với giá thấp hơn hẳn.
“Chúng tôi luôn ủng hộ và phối hợp cùng với các cơ quan chức năng bắt giữ, triệt phá các đường dây làm hàng giả, hàng nhái, và bản thân công ty cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong sản xuất. Nhưng nhiều khi doanh nghiệp bị xâm phạm chỉ biết “kêu trời”, vì rất khó xử lý triệt để. Không phải người tiêu dùng nào cũng đủ thông minh để phân biệt thật – giả. Khi đó, tác hại về sức khỏe là khó tránh khỏi”, chị Hà chia sẻ.
Hay như trường hợp của anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa, đại diện nhãn hiệu PHINN Café, đang phải “cầu cứu” nhiều nơi, thậm chí cả trên mạng xã hội vì nhãn hiệu sản phẩm đã đăng ký sở hữu trí tuệ của anh đang có dấu hiệu bị xâm phạm.
“Làm doanh nghiệp, lo bảo vệ mình đã khó thì còn thời gian, tâm sức đâu mà phát triển kinh doanh”, anh Nghĩa than thở tại một hội thảo về chống hàng giả mới đây.
Với siêu lợi nhuận mang lại, nhiều chuyên gia về luật cho rằng mức xử phạt chưa tương xứng nên khó có thể ngăn được tình trạng này. Hơn nữa, các quy định xử lý còn nhiều chồng chéo, nhiều điểm chưa rõ ràng. Một hành vi vi phạm có thể xử lý ở nhiều mức phạt khác nhau quy định trong các văn bản khác nhau nên khi áp dụng, cơ quan xử lý rất lúng túng.
Đơn cử như theo Điều 199, Luật Sở hữu trí tuệ: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”.
Quy định tại Điều 200 của Luật này cũng nêu rõ việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của tòa án; việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan thanh tra, công an, quản lý thị trường, hải quan và UBND các cấp.
Trong khi đó, lực lượng chủ yếu thực thi nhiệm vụ kiểm soát chống hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ lại là lực lượng quản lý thị trường, nên hình thức xử lý hầu hết mới dừng lại ở xử phạt hành chính. Hơn nữa, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả theo Nghị định số 08/2013/NĐ-CP chưa đủ sức răn đe, khiến quá trình thực thi rất khó khăn
Tại hội thảo “Tăng cường công tác phòng, chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp” diễn ra mới đây, ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, cho rằng muốn xử lý được những cơ sở làm hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Người tiêu dùng cũng cần lên tiếng mạnh mẽ để các ngành chức năng vào cuộc.
“Hiện nay, chỉ cần thương hiệu nào có tên tuổi thì ngay sau đó có hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Điều này ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm chính hiệu”, ông Khuê nói.