Vì sao ISO 14000: 2004 được nhiều doanh nghiệp lựa chọn?

Nga Phạm

Tăng 15% năng suất sau áp dụng, ISO 14000 là chứng nhận phổ biến thứ hai đối với doanh nghiệp thuộc hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO liên quan đến quản lý môi trường. Tiêu chuẩn này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu sự lãng phí và sử dụng nhiên liệu hiệu quả mà còn góp phần cắt giảm chi phí vận hành, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về môi trường.

ISO 14000 là bộ các tiêu chuẩn liên quan đến quản lý môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu sự lãng phí.
ISO 14000 là bộ các tiêu chuẩn liên quan đến quản lý môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu sự lãng phí.

Tăng 15% năng suất sau một năm áp dụng

Với đặc thù là doanh nghiệp phát triển đa dạng và chuyên sâu về các dòng sản phẩm cơ khí ống gió, miệng gió, máng cáp, tủ điện cho điều hòa không khí và máy làm mát di động, máy làm mát nhà xưởng…, từ nhiều năm nay Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Đại Việt đã áp dụng hệ thống ISO 14000 vào sản xuất nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường.

Theo đó, cùng với việc tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ, công nhân, Ban lãnh đạo công ty còn thiết lập và ban hành các chính sách bảo vệ môi trường dựa trên Tiêu chuẩn ISO 14001:2004. Thông qua đó, ban lãnh đạo mong muốn toàn thể cán bộ, công nhân viên đề cao ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Kết quả áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14000:2004 tại Công ty bước đầu cơ bản tạo ra phương pháp làm việc khoa học, nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên về bảo vệ môi trường, chủ động thực hiện các yêu cầu pháp luật.

Mặt khác, theo các tiêu chuẩn của ISO 14000:2014, để đảm bảo rác thải và chất thải rắn không gây hại đến môi trường, Công ty đã đưa ra các quy định phân loại rác thải tại nguồn, đồng thời kí hợp đồng dịch vụ với đơn vị có chức năng để xử lý triệt để tất cả chất thải và rác thải phát sinh theo quy trình.

Các hoạt động sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ được cho là ảnh hưởng đến môi trường đã được các phòng ban và bộ phận phân tích đầu vào trong quá trình và đầu ra của các hoạt động, dịch vụ đó. Qua đó, các khía cạnh môi trường có ý nghĩa và không có ý nghĩa đã được nhận diện, công ty kịp thời đưa ra các biện pháp kiểm soát đối với toàn bộ hoạt động tại các bộ phận, phòng ban.

Theo chia sẻ từ thực tế của các doanh nghiệp, việc áp dụng ISO 14000:2014 đã giúp tăng năng suất lên tới 15%. Chính vì vậy, đến nay đã có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất liên quan đến lĩnh vực môi trường như điện, nhựa… áp dụng vào sản xuất.

Thực tiễn tại Công ty Cổ phần Đông Bình (Bắc Ninh) cũng cho thấy, khi áp dụng tích hợp hệ thống quản lý cùng các công cụ cải tiến doanh nghiệp đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí, đặc biệt sự vận hành doanh nghiệp trơn tru đã giúp năng suất tăng lên đáng kể. Đại diện Công ty cho biết, ngay từ khi mới thành lập, Đông Bình đã áp dụng hệ thống quản lý về môi trường ISO 14000 nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Đặc biệt, Đông Bình đã tích hợp hai hệ thống ISO 9000 và ISO14000 tạo ra một hệ thống gọn nhẹ, giảm chi phí hơn rất nhiều. Đông Bình là doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc và vải không dệt, do đó việc áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và các công cụ cải tiến năng suất là một trong những yêu cầu gần như là bắt buộc để vươn ra thị trường khác.

Khi áp dụng tích hợp hệ thống quản lý cùng các công cụ cải tiến thì tỷ lệ sai hỏng sau khi áp dụng cải tiến giảm 12%; năng suất tăng 15%, đặc biệt, môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng thoáng mát và được rất nhiều khách hàng tin tưởng, đặt hàng.

Doanh nghiệp chú trọng bảo vệ môi trường

Được biết,  ISO 14000 là một hệ thống tiêu chuẩn giúp giảm thiểu chất thải trong sản xuất bằng cách quản lý và kiểm soát toàn bộ hệ thống; tái sử dụng, tái chế chất thải. Đồng thời, giúp doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm và quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên thông qua việc ngăn ngừa tình trạng lãng phí nguyên vật liệu; tái sử dụng những phế phẩm của công đoạn trước; sử dụng hóa chất thay thế ít độc hại. Áp dụng ISO 14000 giúp doanh nghiệp tránh  bị động thường xuyên do những vấn đề về môi trường, đảm bảo an toàn cho nhà xưởng, qua đó góp phần bảo đảm sức khỏe cho người lao động và cuối cùng là đảm bảo bài toán chi phí được giảm xuống.

Theo Bộ Công Thương, cả nước có khoảng 85.000 doanh nghiệp, trong đó 14.500 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, hoá chất, thép, điện tử, năng lượng, cơ khí, nhựa, thực phẩm… Các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, gồm hai chứng nhận chính là ISO 9001 - hệ thống quản lý chất lượng và ISO 14000 - hệ thống quản lý môi trường.

Trong đó, ISO 14000 mang đến bộ các tiêu chuẩn liên quan đến quản lý môi trường, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu sự lãng phí, sử dụng nhiên liệu hiệu quả, cắt giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp, tuân thủ theo đúng pháp luật, chính sách môi trường. ISO 14000 được nhiều doanh nghiệp áp dụng, trong đó 19% doanh nghiệp cơ khí, 15% doanh nghiệp nhựa, 12% doanh nghiệp điện tử...