Vì sao phân khúc bất động sản cư trú hấp dẫn nhà đầu tư?
Với mức sống tăng lên, cơ cấu độ tuổi ngày càng đa dạng, quan niệm về chỗ ở thay đổi...đang tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư bất động sản, nhất là phân khúc bất động sản cư trú.
Đại diện Tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL) - chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản chuyên nghiệp cho biết, độ tuổi sống khác nhau đang tạo ra cơ hội đầu tư trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, phân khúc bất động sản cư trú đang là món hời mới cho các nhà đầu tư. Họ đang rất quan tâm đến việc rót vốn vào tài sản cư trú - một nhóm các sản phẩm bất động sản (BĐS) mới nổi trong phân khúc nhà ở. Phân khúc này gồm các loại tài sản phục vụ cho nhu cầu ở tùy theo từng giai đoạn tuổi: Ký túc xá, co-living (chia sẻ không gian sống), chung cư, viện chăm sóc người cao tuổi.
Giám đốc bộ phận đầu tư thay thế, thị trường vốn tại châu Á - Thái Bình Dương JLL Rohit Hemnani - cho biết, khối lượng vốn đầu tư đổ vào tài sản cư trú tại châu Á - Thái Bình Dương tăng lên chóng mặt là nhờ vào nhu cầu nhà ở bình dân mạnh mẽ, đây được xem một phương án gỡ rối. Song song đó, nhà đầu tư cũng không ngừng tìm kiếm các món đầu tư lâu dài, lợi nhuận cao và danh mục đầu tư đa dạng nên họ sẽ đặt cược vào tài sản cư trú.
Cũng theo JLL với hơn 34 triệu sinh viên đại học trên cả nước, nhu cầu về ký túc xá sinh viên ở Mumbai luôn nóng. Ấn Độ chưa thực sự khai thác phân khúc này và cần thêm vốn để có thể phát triển, dự kiến thị trường này sẽ mang lại lợi nhuận từ 10 - 12%.
Ngoài ra, việc người cao tuổi đến sống trong các trung tâm chăm sóc dưỡng lão phổ biến ở Úc hơn so với các quốc gia châu Á khác. Do dân số ở đây có tuổi thọ cao hơn và số lượng hộ gia đình cao tuổi độc thân cũng nhiều hơn, nhu cầu về phân khúc này sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu phát triển. Sydney là một thị trường tăng trưởng với ước tính lợi nhuận từ 6 - 8% .
Đặc biệt, co-living đã đạt được thành công nhất định ở Singapore, Hồng Kông và đang phát triển nhanh chóng ở Úc. Ở Tokyo và Việt Nam, mô hình này vẫn còn tương đối ít được khai thác. Mật độ dân đô thị đông đúc sẽ thúc đẩy nhu cầu chia sẻ không gian sống để giảm thiểu chi phí, lợi nhuận ước tính từ 4 - 5%.
Tổng giám đốc JLL Việt Nam Stepen Wyatt - cho rằng, Việt Nam hội tụ những yếu tố mấu chốt cho sự phát triển của phân khúc cư trú như: tốc độ tăng trưởng đô thị cao, sự phổ biến rộng rãi của Internet và tỷ lệ dân số già được dự báo sẽ tăng mạnh trong 10 năm tới. Phân khúc bất động sản thay thế mang lại lợi nhuận cao hơn bất động sản truyền thống. Không chỉ là con gà đẻ trứng vàng, loại tài sản này còn mang lại tính ổn định lâu dài cho nhà đầu tư.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) - cho biết, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của loại hình văn phòng chia sẻ (co-working) giờ đây, các nhà sáng lập startup còn có thể sống cùng khi khởi nghiệp với một loại hình mới có tên gọi Co-living. Xu hướng này đã lan đến Đông Nam Á với điểm khởi đầu là Singapore.
Mô hình này cũng giống như Co-working, Co-living có rất nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam. Đây là nhu cầu của xã hội, bởi vì người thuê được giá rẻ, trong khi đó người chủ sở hữu xoay vòng công suất cho thuê cao. Tuy nhiên Việt Nam phải điều chỉnh luật cho phù hợp với loại hình cư trú chung này.
Mặt khác, tại Việt Nam thế hệ trẻ cũng có lối sống hiện đại và nhu cầu cao về nhà ở, nhưng để phát triển Co-living tại Việt Nam thì phải cần nhiều thời gian và thách thức. Chia sẻ không gian sống tại Việt Nam không còn mấy xa lạ đó chính là ở ghép giữa các bạn trẻ với nhau hay còn gọi là thuê nhà trọ.
“Trong 2- 3 năm tới mô hình nay sẽ bùng nổ mạnh, chính vì lẽ đó nên các nhà chính sách cũng như các nhà chiến lược cùng với doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược phát triển để đón bắt xu thế mô hình Co-living mang lại” - ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Dự báo tại Việt Nam Co-living cũng là một xu hướng mới trong thời gian tới tuy nhiên sự phát triển của nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các chủ đầu tư cần phải nghiên cứu xem nhu cầu đó tại Việt Nam có cao không vì sống chung đòi hỏi một ý thức cao của người ở...