Chính sách về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Nhật Bản:

Vì sự phát triển bền vững

Theo daibieunhandan.vn

Nhật Bản được đánh giá là quốc gia hàng đầu về thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trong đó điểm nổi bật nhất là tính tự nguyện. Điều này có được là nhờ nhận thức từ Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân về vai trò, sự cần thiết và lợi ích của trách nhiệm đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Từ thế kỷ XVIII, giới thương nhân Nhật Bản đã có triết lý kinh doanh Sampo Yoshi: “Tốt cho người bán, cho người mua và cho xã hội”, đề ra yêu cầu phải có ý thức quan tâm tới người dân. Vào giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa thế kỷ XIX, yêu cầu phục vụ cộng đồng đã được đặt ra cho các doanh nghiệp ở một số địa phương. Sau Thế chiến II, giới kinh doanh bắt đầu tiếp cận với những quan điểm hiện đại về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp từ Mỹ.

Tuy vậy, phải tới thập kỷ 1990, thuật ngữ, nội hàm và cách thức thực hiện trách nhiệm xã hội mới được các doanh nghiệp Nhật Bản và các bên có lợi ích liên quan tiếp cận đầy đủ và có hệ thống. Từ đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Sau hơn 20 năm, Nhật Bản được đánh giá là quốc gia hàng đầu về thực hiện trách nhiệm này, với đông đảo doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về trách nhiệm xã hội và công bố báo cáo hàng năm về phát triển bền vững.

Khuôn khổ pháp lý để doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện trách nhiệm xã hội cơ bản gồm: Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế; định hướng chuẩn mực hành vi từ các tổ chức dân sự, tổ chức hiệp hội và một phần từ một số cơ quan Nhà nước. Bên cạnh các tiêu chuẩn quốc tế, đất nước mặt trời mọc cũng có hệ thống các tiêu chuẩn theo ngành, lĩnh vực do các hiệp hội, tổ chức đại diện ngành hàng, tổ chức dân sự trong nước, các định chế phi Chính phủ khác đề ra.

Khu vực tư nhân là lực lượng chính thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Hoạt động này ít bị dẫn dắt bởi chính sách Nhà nước. Vì vậy, không có các quy định pháp luật bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện, mà chỉ có một số chính sách hỗ trợ thực hiện như: Khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp trong thực hiện trách nhiệm xã hội; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến khi xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 26000, Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)…; hỗ trợ doanh nghiệp gắn các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, chẳng hạn khuyến khích các hoạt động kinh doanh phục vụ cộng đồng, khuyến khích xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giao lưu quốc tế về thực hiện trách nhiệm xã hội…

Đối với các cơ quan Chính phủ, Nhật Bản quy định các bộ có liên quan thực hiện nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội; hợp tác, huy động các bên liên quan trong xây dựng chính sách. Một trong những kinh nghiệm hay của Nhật Bản là tổ chức các hội thảo bàn tròn nhằm huy động các bên có liên quan trong xây dựng chính sách về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhằm đạt sự đồng thuận và nâng cao hiệu quả thực hiện.

Trong các tổ chức dân sự nổi lên vai trò của một số tổ chức như Diễn đàn Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Nhật Bản (CSR Forum Japan), Liên đoàn kinh doanh Nhật Bản (Keidanren)… có chức năng huy động sức mạnh của doanh nghiệp, người dân và cộng đồng nhằm hỗ trợ cho những hoạt động kinh doanh có đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững - tự lực - tự cường của nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ngày nay, trách nhiệm xã hội ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp đạt kết quả và hiệu quả kinh tế cao thường nằm trong nhóm các doanh nghiệp Nhật Bản được đánh giá tốt về trách nhiệm xã hội, trước hết là các tập đoàn hàng đầu như Toyota, Honda, Hitachi, Sony…