TS. Nguyễn Anh Phong, Đại học Kinh tế - Luật:
Việc sửa đổi, bổ sung các Luật thuế là cần thiết
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Tài chính, TS. Nguyễn Anh Phong - Chuyên gia kinh tế từ Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu các cơ quan lập pháp có nghiên cứu toàn diện, có khâu chuẩn bị kỹ càng thì việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung và ban hành 5 Luật thuế là cần thiết và nhất là khâu chuẩn bị các văn bản dưới luật, làm sao khi ban hành Luật và các văn bản dưới luật phải kịp thời và đồng bộ.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về thời điểm và sự cần thiết của sửa đổi 5 luật thuế?
TS. Nguyễn Anh Phong |
TS. Nguyễn Anh Phong: Luật Thuế Thuế Thu nhập cá nhân ban hành năm 2007, sửa đổi năm 2012; Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp ban hành năm 2008 và sửa đổi năm 2013; Luật Thuế Giá trị gia tăng ban hành năm 2008 sửa đổi năm 2016; Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt ban hành năm 2013 và sửa đổi năm 2016; và Luật Thuế tài nguyên ban hành năm 2009.
Nhìn chung, đến nay các Luật thuế ban hành đã cũ, chưa phù hợp với tình hình thực tế trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế như hiện nay.
Có nhiều vấn đề thực tiễn đã thay đổi khiến cơ quan quản lý thuế còn "lúng túng" trong xử lý, ví dụ như vấn đề thu thuế đối với hình thức kinh doanh online, kinh doanh Grap hay Uber... Do vậy, nếu các cơ quan lập pháp có nghiên cứu toàn diện, có khâu chuẩn bị kỹ càng thì việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung và ban hành các Luật thuế nêu trên là cần thiết và nhất là khâu chuẩn bị các văn bản dưới luật, làm sao khi ban hành Luật và các văn bản dưới luật phải kịp thời và đồng bộ.
Ông nhìn nhận như thế nào về những tác động đối với khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khi được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống mức thấp hơn, thưa ông?
Việc giảm thuế suất thuế Thu nhập Doanh nghiệp nhìn chung sẽ khuyến khích đầu tư và góp phần cho tăng trưởng sản xuất kinh doanh, tạo làn sóng mới kích thích tinh thần khởi nghiệp trong nước, bởi lẽ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hầu như là các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, nhìn trên phương diện tổng thể đảm bảo tính hiệu quả và công bằng, theo tôi, việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp cần xây dựng theo hướng đánh thuế lũy tiến theo thu nhập tính thuế, việc này giống như đánh thuế thu nhập cá nhân.
Hiện nay, đang có nhiều ý kiến trái chiều về những đề xuất sửa đổi liên quan đến luật thuế giá trị gia tăng. Ông có ý kiến gì về tính phù hợp của đề xuất này, thưa ông?
Hiện thuế suất thuế giá trị gia tăng có 3 mức: 0%, 5% và 10%, thuế suất 0% thì ít có tranh cãi, trong khi hai mức thuế suất còn lại là 5% và 10% trong thực tế khi áp dụng có nhiều tranh cãi và bất cập trong cách tính toán.
Theo xu hướng các nước, chúng ta chỉ nên xây dựng 2 mức thuế suất là 0% áp dụng cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu và một mức còn lại (10% chẳng hạn). Việc tăng thuế suất từ 10% lên mức cao hơn 12% như đề xuất trước tiên cần xem xét và nghiên cứu tác động từng phần và tác động tổng thể của thuế như thế nào, từ đó mới có cái nhìn tổng quát và có cơ sở khoa học khi đưa ra các mức thuế suất khác, tránh tác động tiêu cực và gia tăng gánh nặng thuế.
Ngoài ra, cũng nên nghiên cứu lại phương pháp tính thuế giá trị gia tăng như hiện nay, bởi dễ dẫn đến gian lận, thất thoát thuế vì xét cho cùng bản chất của thuế giá trị gia tăng là thuế tiêu dùng, người tiêu dùng cuối cùng là người chịu thuế, việc đánh thuế qua nhiều khâu về ưu điểm là không đánh trùng, nhưng qua nhiều khâu dẫn đến tăng chi phí quản lý và dễ gian lận nếu khó kiểm soát.
Xin cảm ơn ông!