Vốn vay ưu đãi cần được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả
(Tài chính) Tính đến thời điểm kiểm toán 31/12/2011, về cơ bản các dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra theo tiến độ phê duyệt, cụ thể: Dự án phát triển giáo dục trung học cơ sở II (THCS II) có 26/46 chỉ tiêu đạt từ 100% trở lên, trong đó có một số chỉ tiêu đạt cao như: số lượng sổ tay được in vượt 285%, số giáo viên bộ môn được bồi dưỡng đạt 293%...; Dự án phát triển giáo dục đại học II có 15/28 chỉ tiêu đạt từ 100% trở lên, số lượng bài báo đăng trong nước đạt 163%, số bài báo quốc tế đạt 211%, số phòng LAB (phòng chức năng) được nâng cấp đạt 100%...
Giai đoạn 2009-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai thực hiện 24 dự án sử dụng vốn ODA, trong đó 13 dự án viện trợ không hoàn lại, 7 dự án vay vốn ưu đãi và 4 dự án vay hỗn hợp. Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt có tổng mức đầu tư là 1,16 tỷ USD, trong đó vốn vay là 820,9 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại là 139,5 triệu USD, vốn đối ứng là 199,2 triệu USD.
Mục tiêu chính của các dự án giai đoạn này nhằm hỗ trợ ngành GD-ĐT tăng cường cơ sở vật chất trường học để từng bước nâng cao điều kiện giảng dạy, học tập; bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để nâng cao năng lực giảng dạy và tiếp cận với các phương pháp giáo dục mới; hỗ trợ học sinh tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, nhất là đối với học sinh các dân tộc thiểu số, vùng miền núi và vùng có nhiều khó khăn.
Kết quả kiểm toán 5/24 dự án sử dụng nguồn vốn này cho thấy các dự án ODA đã thu hút được nguồn vốn nước ngoài để đầu tư cho các vùng khó khăn, các vùng trọng điểm để phát triển giáo dục và nguồn nhân lực cho đất nước, góp phần cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy, tạo điều kiện giúp đỡ các em học sinh vùng khó khăn đến trường, đồng thời thay đổi cách nhận thức và phương pháp cho cán bộ quản lý dự án.
Tính đến thời điểm kiểm toán 31/12/2011, về cơ bản các dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra theo tiến độ phê duyệt, cụ thể: Dự án phát triển giáo dục trung học cơ sở II (THCS II) có 26/46 chỉ tiêu đạt từ 100% trở lên, trong đó có một số chỉ tiêu đạt cao như: số lượng sổ tay được in vượt 285%, số giáo viên bộ môn được bồi dưỡng đạt 293%...; Dự án phát triển giáo dục đại học II có 15/28 chỉ tiêu đạt từ 100% trở lên, số lượng bài báo đăng trong nước đạt 163%, số bài báo quốc tế đạt 211%, số phòng LAB (phòng chức năng) được nâng cấp đạt 100%...
Lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình
Theo báo cáo kiểm toán, bên cạnh nguồn vốn chi sự nghiệp, giai đoạn 2009-2011, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình của các dự án sử dụng vốn ODA của Bộ GD-ĐT đã được giải ngân là gần 1.900 tỷ đồng. Qua kiểm toán cho thấy, về cơ bản công tác đầu tư xây dựng công trình đã chấp hành đúng các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, dự toán các công trình xây dựng cũng như trong đấu thầu vẫn còn tình trạng lãng phí vốn đầu tư.
Cụ thể, do công tác khảo sát thiếu chính xác nên 2 công trình thuộc Dự án THCS vùng khó khăn nhất xây dựng xong nhưng không có nước để sử dụng. Tại Dự án Phát triển giáo viên Trung học phổ thông và Trung cấp chuyên nghiệp (THPT&TCCN), do thiết kế chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế nên một số phòng khi đưa vào sử dụng đã phải thay đổi công năng so với thiết kế ban đầu. Thậm chí, quá trình thẩm tra, phê duyệt một số dự án đã không phát hiện ra những sai sót trong xây dựng dự toán như thiếu hạng mục, sai khối lượng vật liệu...
Bên cạnh đó, trong khi mục tiêu chung là xây dựng trường cho những vùng khó khăn nhất chưa đạt được thì tại một số công trình lại sử dụng phần lớn kinh phí cho các hạng mục không thật cần thiết.
Trong đấu thầu, kết quả kiểm toán cho thấy hầu hết các gói thầu xây lắp được đấu thầu rộng rãi nhưng chỉ có từ 3 đến 4 nhà thầu tham gia, tỷ lệ giảm thầu thấp, nhiều công trình có tỷ lệ giảm dưới 0,1%. Bên cạnh đó, các gói thầu tư vấn chỉ định thầu hầu hết đều có giá trị theo định mức đơn giá Nhà nước quy định mà chưa có quá trình thương thảo hợp đồng để tiết kiệm chi phí.
Liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình, kết quả kiểm tra thực địa đã phát hiện một số công trình mới được đưa vào sử dụng nhưng có hạng mục bị hỏng, xuống cấp. Cụ thể, tại Dự án THCS vùng khó khăn nhất, nhà vệ sinh chưa sử dụng đã lún nền; sắt gia công làm bếp nấu ăn cho học sinh bị phá dỡ; tường phòng học bị bong tróc, lan can bị nứt; nhà nội trú vôi ve bị ố vàng, cửa phòng bong tróc, nứt nhiều chỗ…
Nhiều dự án thực hiện chậm tiến độ
Mặc dù đạt được những mục tiêu cơ bản, song kết quả kiểm toán cũng chỉ ra rằng, tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA của Bộ GD-ĐT chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. Qua kiểm toán 5 dự án cho thấy, có đến 3 dự án do công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án thiếu chính xác, chưa tính toán kỹ thời gian thực hiện các nội dung công việc nên trong quá trình thực hiện phải kéo dài. Cụ thể là Dự án THCS II, Dự án phát triển giáo viên Trung học phổ thông và Trung cấp chuyên nghiệp phải kéo dài 1 năm; Dự án Việt - Nhật, tại thời điểm kiểm toán cũng đang tiến hành làm thủ tục kéo dài thêm 2 năm.
Cũng tại dự án này, Chương trình khoa học công nghệ thông tin kiểu mẫu được phê duyệt kinh phí rất lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng theo các tiêu chuẩn của Nhật Bản nhưng không phù hợp với điều kiện Việt Nam dẫn đến tỷ lệ vốn vay giải ngân cho đến thời điểm kiểm toán chỉ đạt 12,3%. Đặc biệt trong công tác xây dựng trường học của dự án này, theo kế hoạch tiến độ phải kết thúc năm 2008 nhưng thực tế đến năm 2009 mới kết thúc; phần cung cấp thiết bị trường học của dự án cũng còn nhiều gói thầu thực hiện chưa đảm bảo thời gian theo cam kết trong hợp đồng.
Tình trạng chậm tiến độ thực hiện hợp đồng cung cấp thiết bị cũng xảy ra đối với một số gói thầu thuộc Dự án phát triển giáo viên Trung học phổ thông và Trung cấp chuyên nghiệp, Dự án phát triển giáo dục đại học II.
Đối với công tác thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thuộc các dự án, kết quả kiểm toán cũng cho thấy tình trạng hồ sơ mời thầu của một số gói thầu thực hiện không đúng thời hạn, phải gia hạn hợp đồng nhiều lần, thậm chí có những gói thầu kéo dài hơn 3 năm chưa thanh quyết toán. Tiến độ thực hiện nhiều đề tài của các dự án chậm so với kế hoạch được duyệt.
Điển hình như Dự án phát triển giáo dục đại học II kết thúc vào tháng 6/2012 song thực tế tại thời điểm kiểm toán (tháng 5/2012) số đề tài nghiên cứu được nghiệm thu đạt tỷ lệ rất thấp (Đại học Vinh 1/4 đề tài, Đại học Giao thông vận tải 5/17 đề tài, Đại học Y Hà Nội chưa có đề tài nào được nghiệm thu). Việc thực hiện nội dung các dự án không đảm bảo mục tiêu, tiến độ đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.
Trang bị thiết bị giáo dục: nơi thừa, nơi thiếu
Công tác quản lý, sử dụng tài sản là một trong những vấn đề nổi cộm đáng chú ý trong kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn ODA của Bộ GD-ĐT. Kết quả kiểm toán cho thấy, công tác quản lý tài sản còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả sử dụng tài sản, trang thiết bị được đầu tư bằng nguồn vốn chưa cao. Cụ thể, các Ban quản lý dự án chưa xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng tài sản của dự án, một số đơn vị chưa có sổ theo dõi tài sản, tài sản không được dán tem nhãn đầy đủ của dự án, chưa có sổ theo dõi và ghi chép việc học tập, thực hành, thí nghiệm tại các trường…
Nhiều thiết bị, tài sản được trang bị không đồng bộ, thừa so với nhu cầu hoặc không sử dụng đúng mục đích (Dự án Phát triển giáo viên THPT&TCCN đầu tư máy vi tính cho các trường nhưng phải để lưu kho thời gian dài do tiến độ xây dựng phòng để lắp đặt chậm triển khai; Dự án THCS vùng khó khăn nhất cấp thừa bàn ghế và giường giáo viên, máy photocopy cho mượn…).
Trong khi đó, tại một số công trình được đưa vào sử dụng nhưng việc cung cấp thiết bị lại chưa kịp thời (trường THCS Eale - Đắk Lắk bàn giao từ tháng 7/2011 đến tháng 3/2012 vẫn chưa nhận được thiết bị). Đặc biệt, một số công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, bàn giao cho đơn vị để làm cơ sở ghi tăng tài sản theo quy định; một số thiết bị trong thời gian bảo hành đã bị hỏng cũng chưa được xử lý kịp thời…
Kiến nghị thực hiện của Kiểm toán Nhà nước
Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ GD-ĐT chấn chỉnh công tác quản lý, chỉ đạo chương trình, dự án; đặc biệt là cần nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả thực hiện. Bên cạnh việc xử lý về tài chính, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị đối với Bộ GD-ĐT nhiều nội dung nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tăng cường tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và thực hiện dự án.
Theo đó, Bộ GD-ĐT cần tập trung chỉ đạo các Ban quản lý dự án và các đơn vị được kiểm toán điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo kết quả và kiến nghị kiểm toán; chấn chỉnh công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện dự án và quản lý tài chính, kế toán, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án cũng như lập, phân bổ dự toán đảm bảo sát với thực tế thực hiện, giao, điều chỉnh dự toán phải kịp thời; chỉ đạo Ban quản lý dự án các cấp kiểm tra, rà soát và xử lý các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản...