Xác định giá đất đảm bảo tính khả thi, sát với giá thị trường
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) khẳng định, nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho rằng, việc xác định giá đất phải đảm bảo tính khả thi có thể thực hiện được trong thực tiễn, sát với giá thị trường, để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước...
Phóng viên: Xin ông cho biết, việc lấy ý kiến các quy định về tài chính đất đai do Bộ Tài chính chủ trì lần này sẽ tập trung vào các nội dung trọng tâm nào?
Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh: Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia về các quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội nghị này, Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia về các nhóm vấn đề: Tài chính đất đai; Các nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công để đảm bảo sự liên thông Luật Quản lý tài sản công và các vấn đề khác không điều chỉnh trực tiếp.
Đáng chú ý, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra quy định về tài chính đất đai như: Các khoản thu tài chính đối với đất đai; Điều tiết các khoản thu từ đất đai giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; Quỹ Phát triển sử dụng đất; Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; Căn cứ xác định quyền sử dụng đất, tiền thuê đất và nhiều nội dung liên quan khác.
Các nội dung tại dự thảo Luật được tổng kết, đánh giá từ thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013, cũng như cập nhật kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này.
Về cơ bản, theo đánh giá của các bộ, ngành địa phương, các quy định trong dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cập nhật được các vấn đề để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay.
Tuy nhiên, chính sách tài chính đất đai cần có tính cụ thể, tính khả thi, do vậy, các đại biểu, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); cũng như để Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật có cơ sở xây dựng đảm bảo tính khả thi.
Qua rà soát, đa phần các ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tập trung chủ yếu về: Các khoản thu, nghĩa vụ tài chính đối với đất đai được xác định thế nào; Xác định giá đất đảm bảo tính khả thi có thể thực hiện được trong thực tiễn, đồng thời sát với giá thị trường, để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Phóng viên: Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các khoản thu tài chính từ đất đai được quy định rõ ràng, cụ thể hơn ở những điểm nào, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh: Hiện nay, trong Luật Đất đai quy định 8 khoản thu tài chính đối với đất đai. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật, chúng tôi nhận thấy còn thiếu một số khoản thu như: Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Cách thiết kế các khoản thu trong dự thảo Luật còn có một số điểm chưa thống nhất giữa các khoản thu (có khoản thu thể hiện rõ mục đích, đối tượng, nhưng có khoản thu chỉ nêu tên các khoản thu). Nội dung này cần phải có cách thể hiện thống nhất để dễ thực hiện.
Các trường hợp sử dụng đất hỗn hợp, đa mục đích, chúng ta sẽ thực hiện các khoản nghĩa vụ tài chính như thế nào? Trong dự thảo Luật mới quy định nộp tiền sử dụng đất, song mục đích sử dụng có nhiều mục đích khác nhau và nó thuộc hình thức giao đất, thuê đất khác nhau.
Phóng viên: Hiện nay, thời điểm tính giá đất, tiền thu thuế sử dụng đất quy định là 6 tháng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh: Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, trong quyết định giao đất, cho thuê đất và quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, đấu thầu phải xác định được giá đất trong các quyết định đó.
Quy định này là cần thiết để đảm bảo việc huy động kịp thời nhất các khoản thu từ đất đai vào ngân sách nhà nước. Để làm được việc đó cần rất nhiều điều kiện khác nhau, đặc biệt là quy hoạch chi tiết của các lô, thửa đất mà chúng ta sẽ dự kiến giao.
Bên cạnh đó, theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảng giá đất sẽ xây dựng, công bố hàng năm và không còn khung giá đất theo nghị quyết của Trung ương.
Các địa phương cũng kiến nghị, nên quy định cụ thể căn cứ xác định giá, phương pháp xác định giá và đặc biệt là thu thập, xử lý thông tin giá thị trường để phục vụ cho việc định giá được chuẩn xác.
Phóng viên: Một số ý kiến của các địa phương đề xuất cơ quan nào chịu trách nhiệm xác định bảng giá đất, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh: Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan tài nguyên và môi trường sẽ chịu trách nhiệm xây dựng bảng giá đất, còn cơ quan tài chính thẩm định bảng giá đất đó.
Tuy nhiên, có ý kiến trong dự thảo Luật, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương phải có ý kiến về kết quả tư vấn, thẩm định giá của các tư vấn.
Hội đồng thẩm định giá cần quy định cụ thể trách nhiệm thẩm định về phương pháp, cách xác định giá. Tư vấn xác định giá phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, khách quan về kết quả thẩm định giá, các thông tin làm cơ sở định giá đất.
Liên quan tới định giá đất, về nguyên tắc chủ sở hữu tài sản sẽ phải quyết định giá đối với tải sản của mình khi mà cho thuê, chuyển nhượng, bán. Đất đai của nước ta thuộc quyền sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.
Do đó, Nhà nước sẽ quyết định giá đất đó khi giao cho thuê đối với đất. Còn các hội đồng tư vấn độc lập (nếu có) cũng chỉ là cơ quan giúp cho Nhà nước quyết định giá đó sao cho phù hợp với thực tiễn.
Phóng viên: Thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Điều 127 quy định thế nào, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh: Hiện nay, thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm mà Nhà nước giao đất, cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích quyền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, việc quyết định giá đó trong thời hạn 6 tháng là hợp lý, bởi vì hiện nay, giá trị của các chứng thư thẩm định giá có thời hạn 6 tháng. Do vậy, việc xác định trước thời điểm giao đất, cho thuê đất trong thời hạn 6 tháng thì giá trị của chứng thư vẫn còn hiệu lực.
Tất nhiên, vấn đề quyết định giá trong thời hạn 6 tháng cần bàn thảo, xin ý kiến thêm của các cơ quan, đơn vị, địa phương để làm sao quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!