Xác định lộ trình chuyển đổi số lĩnh vực kế toán ở Việt Nam

Lê Hoàng Phúc - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Những ảnh hưởng của chuyển đổi số đối với lĩnh vực kế toán, ở những góc nhìn khác nhau, là khá đa dạng. Bối cảnh, thực trạng và yêu cầu của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán ở Việt Nam hiện nay vừa tạo ra những cơ hội lớn, vừa đặt quá trình này trước những khó khăn phải từng bước vượt qua. Lộ trình, cùng với những nội dung công việc chủ yếu cho từng chủ thể được đề cập trong bài viết góp phần định hướng quá trình chuyển đổi số trong kế toán ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giới thiệu

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó không loại trừ lĩnh vực kế toán. Ở Việt Nam, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định một trong các mục tiêu cơ bản là phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, trong đó bao gồm các mục tiêu về hạ tầng mạng băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động, và an toàn, an ninh mạng…

Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 nhấn mạnh quan điểm về “sự phù hợp với quá trình chuyển đổi số” của hệ thống chính sách thúc đẩy hoạt động kế toán - kiểm toán. Bài viết mô tả và phân tích một số đặc điểm về bối cảnh, thực trạng và yêu cầu của quá trình chuyển đổi số trong kế toán ở Việt Nam, từ đó đưa ra định hướng lộ trình phát triển quá trình này, trong ngắn hạn và dài hạn.

Khái quát về chuyển đổi số trong kế toán

Có khá nhiều quan niệm về chuyển đổi số (digital transformation). Một cách chung nhất, chuyển đổi số là quá trình thay đổi về cách thức tổ chức, quản lý và phương thức hoạt động dựa trên công nghệ số, nhằm đạt được hiệu quả cao hơn. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình chuyển đổi về cơ cấu, tổ chức, phương thức hoạt động của doanh nghiệp, từ mô hình truyền thống sang mô hình áp dụng các công nghệ số.

Chuyển đổi số trong kế toán là việc ứng dụng các công nghệ số vào các quá trình thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp kịp thời thông tin kế toán thích hợp, trung thực và hữu ích cho người sử dụng, trong điều kiện tiết kiệm nhân lực, thời gian, chi phí. Đó là quá trình thay đổi việc tổ chức và thực hiện công tác kế toán, dựa trên ứng dụng internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain…

Những ảnh hưởng của chuyển đổi số đối với kế toán, ở những góc nhìn khác nhau, là khá đa dạng. Các nhà nghiên cứu đã dự báo, trong tương lai, máy móc sẽ thay thế khoảng 40% công việc của kế toán (Berikol và Killi, 2021). Chuyển đổi số trong kế toán làm thay đổi, từ quy trình, phương pháp kế toán, hạ tầng kỹ thuật cho công tác kế toán, các yêu cầu về kiến thức kỹ năng của người làm kế toán, nội dung, phương pháp đào tạo kế toán…, cho đến các chức năng, nhiệm vụ của kế toán. Với việc ứng dụng công nghệ số ngày càng đa dạng và hiệu quả vào công tác kế toán, việc xử lý các nghiệp vụ kế toán bằng các phần mềm trở nên nhanh chóng, chi tiết, dễ truy vết, dễ kiểm chứng. Những ứng dụng của dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo giúp thông tin kế toán, đặc biệt là các thông tin kế toán quản trị, trở nên liên tục, đa dạng, nhiều chiều, có sẵn mọi lúc, mọi nơi, là cơ sở cho việc khẳng định ngày càng rõ nét chức năng tư vấn của kế toán.

Từ nội dung, đặc điểm và ảnh hưởng của chuyển đối số đối với kế toán, có thể nhận ra các đặc điểm chính về điều kiện, cơ hội và thách thức đối với quá trình này.

Về điều kiện, để phục vụ chuyển đổi số trong kế toán, bên cạnh các vấn đề về nhận thức, chiến lược, hành lang pháp lý, cần phải có một hạ tầng công nghệ thông tin đủ mạnh và các ứng dụng, các phần mềm kế toán đa năng, tích hợp… để thực hiện thuận lợi, an toàn các công nghệ số trong kế toán. Song song đó, là yêu cầu về một đội ngũ làm công tác kế toán có kiến thức, kỹ năng, không chỉ về ứng dụng công nghệ số trong kế toán, mà còn kiến thức, kỹ năng về chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS), về thống kê, phân tích dữ liệu và tư duy, tư vấn dựa trên dữ liệu.

Về cơ hội, trong bối cảnh hiện nay, với ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cơ hội dễ nhận ra cho quá trình chuyển đổi số trong kế toán là xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Quá trình này tạo ra động lực và các điều kiện căn bản cho quá trình chuyển đổi số trong kế toán.

Bên cạnh đó, quá trình hòa hợp quốc tế về kế toán hiện đang diễn ra ngày càng sâu và rộng. Đến nay, đã có hơn 133 quốc gia trên thế giới thực hiện việc yêu cầu (bắt buộc) hoặc cho phép (không bắt buộc) các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán của họ sử dụng các chuẩn mực kế toán như IAS/IFRS (Deloitte, 2022). Quá trình này đã tạo ra những yêu cầu và các điều kiện thúc đẩy việc hình thành một chuẩn mực, đặc biệt về tính hữu ích, đối với thông tin kế toán được công bố và sử dụng ở tất cả các quốc gia, là một cơ hội quan trọng song hành cùng quá trình chuyển đổi số trong kế toán.

Cùng với cơ hội, quá trình chuyển đổi số trong kế toán cũng đối mặt với không ít thách thức, như: vấn đề về nhận thức (ngại thay đổi); những rủi ro về an toàn thông tin kế toán trên môi trường mạng; một số ràng buộc về pháp lý đối với lĩnh vực kế toán, tài chính…, trong đó, thách thức cơ bản nhất là thiếu một nguồn nhân lực đáp ứng quá trình chuyển đổi số trong kế toán. Một đội ngũ kế toán chuyên nghiệp có kiến thức và kỹ năng về IAS/IFRS, thành thạo các công nghệ số áp dụng trong kế toán, có kỹ năng về thống kê, phân tích dữ liệu, là điều không dễ dàng có được trong một sớm một chiều, ngay cả ở một quốc gia phát triển về kế toán.

Bối cảnh và đặc điểm quá trình chuyển đổi số trong kế toán ở Việt Nam

Ở Việt Nam, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (được phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg) xác định: một trong các mục tiêu cơ bản là phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, trong đó bao gồm các mục tiêu về hạ tầng mạng băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động, và an toàn, an ninh mạng…

Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh: (1) Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; (2) Người dân là trung tâm của chuyển đổi số; (3) Thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; (4) Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá; (5) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt, mọi thiết bị, phần mềm, hệ thống thông tin, đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế.

Liên quan đến chuyển đổi số trong kế toán ở Việt Nam, Chiến lược Kế toán - kiểm toán đến năm 2030 (được phê duyệt theo Quyết định số 633/QĐ-TTg) nhấn mạnh quan điểm về “sự phù hợp với quá trình chuyển đổi số” của hệ thống chính sách thúc đẩy hoạt động kế toán - kiểm toán. Chiến lược cũng xác định, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán là một trong các mục tiêu quan trọng, bao gồm việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị.

Về phát triển nguồn nhân lực, cần phải đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, “bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán, gắn liền với quy trình số hóa và chuyển đổi số…”. Song song đó, Đề án Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam (được phê duyệt theo Quyết định số 345/QĐ-BTC) cũng đã xác định các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực kế toán đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về kế toán…

Có thể thấy, hành lang chính sách cho chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong kế toán ở Việt Nam đã được hình thành, với các quan điểm, mục tiêu và giải pháp khá đồng bộ.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, vấn đề nhận thức về chuyển đổi số trong kế toán, các hoạt động ứng dụng công nghệ số trong tổ chức và thực hiện công tác kế toán, sự điều chỉnh về nội dung và phương pháp đào tạo kế toán nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong kế toán ở Việt Nam đã và đang diễn ra, với những kết quả đạt được nhất định. Quá trình này cũng đang đối mặt với những thách thức cần phải từng bước vượt qua.

Về sự hiểu biết của người làm kế toán đối với các công nghệ áp dụng trong kế toán, một kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, phần lớn người làm kế toán có biết đến phần mềm kế toán (mức độ 4/5 theo thang đo Likert). Các ứng dụng trên nền tảng Blockchain, hệ thống ERP có được biết đến nhưng ở mức độ thấp hơn (mức độ 3/5), tức là có một bộ phận không nhỏ chưa được biết đến các công nghệ này.

Các công nghệ hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) đám mây, công cụ tự động hóa quy trình bằng máy tính, phần mềm IDV, công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính thì phần lớn người làm kế toán chưa biết đến (Nguyễn Phước Bảo Ấn và cộng sự, 2021). Nghiên cứu trên cũng cho thấy, tỷ lệ các đơn vị sử dụng ứng dụng và vận hành thành thạo phần mềm kế toán chiếm khoảng 58%. Tỷ lệ này là 26,8% đối với các phần mềm E-Invoice, Misa meInvoice, và chỉ khoảng 10,5% đối với hệ thống ERP và phần mềm kế toán đám mây…

Nhìn chung, các công nghệ được ứng dụng nhiều trong công việc kế toán ở Việt Nam đến nay chủ yếu bao gồm: phần mềm kế toán; chữ ký số và ứng dụng nộp báo cáo trực tuyến; hóa đơn điện tử; thanh toán trực tuyến và; lưu trữ số liệu kế toán trực tuyến (Ngô Thị Thu Hằng, 2021).

Đối với đào tạo nguồn nhân lực kế toán, hiện Việt Nam có khoảng 300 cơ sở đào tạo kế toán. Nội dung các chương trình đào tạo nhìn chung đã được cập nhật, thay đổi nhất định để đáp ứng điều kiện chuyển đổi số, các chương trình đào tạo đều có thiết kế nhóm môn học liên quan đền hệ thống thông tin kế toán, kế toán máy, phần mềm kế toán. Gần đây, một số trường đại học lớn và uy tín của Việt Nam đã có hoạt động tích cực trong việc đổi mới đào tạo nhân lực kế toán-kiểm toán hướng chuẩn quốc tế. Ngoài các chương trình đào tạo theo chuẩn chung, một số cơ sở đào tạo đã và đang triển khai nhiều chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết với trường đại học nước ngoài, tổ chức nghề nghiệp ACCA, ICAEW… (Ngô Thị Thu Hồng, 2021).

Tuy nhiên, theo một kết quả nghiên cứu gần đây, các học phần kế toán trong đào tạo kế toán liên quan việc ghi chép và xử lý các hoạt động kinh tế chiếm đến 50%, các hoạt động kiểm soát và lập báo cáo tài chính (30%), hoạt động phân tích và dự báo chưa được chú trọng nhiều (20%). Việc thực hiện các học phần này chủ yếu là được thực hành trên phần mềm đóng gói để ghi lại các giao dịch kinh tế phát sinh (Lê Ngọc Anh, 2021).

Như vậy, bối cảnh, thực trạng và yêu cầu của quá trình chuyển đổi số trong kế toán ở Việt Nam hiện nay vừa tạo ra những cơ hội lớn, vừa đặt quá trình này trước những khó khăn phải từng bước vượt qua. Tín hiệu khả quan là sự quan tâm của các chủ thể, đặc biệt là các doanh nghiệp, trong việc sử dụng công nghệ vào công tác kế toán. Tín hiệu khá lo ngại cần phải quan tâm là phần lớn người làm kế toán chưa biết đến các công nghệ mới áp dụng trong kế toán; nội dung và phương pháp đào tạo kế toán tuy đã có sự thay đổi nhất định nhưng phần lớn xoay quanh “kế toán máy” và “phần mềm kế toán”, chưa chú trọng đến những công nghệ mới áp dụng trong kế toán, cũng như kiến thức và kỹ năng phân tích dữ liệu kế toán.

Xác định lộ trình cho quá trình chuyển đổi số trong kế toán ở Việt Nam

Từ một số đặc điểm về bối cảnh, yêu cầu, cơ hội, thách thức, định hướng phát triển chuyển đổi số trong kế toán ở Việt Nam cần bao gồm: Xác định một lộ trình với các mục tiêu chính cho từng giai đoạn; Đề xuất nội dung công việc chủ yếu theo lộ trình dự kiến cho từng chủ thể tham gia vào quá trình này, bao gồm: cơ quan chức năng; các đơn vị, doanh nghiệp; các cơ sở đào tạo kế toán; người làm kế toán; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ kế toán.

Về lộ trình chuyển đổi số trong kế toán ở Việt Nam, căn cứ vào Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030, cũng như bối cảnh, yêu cầu của chuyển đổi số trong kế toán Việt Nam, bài viết đề xuất một lộ trình 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2025): Đây là giai đoạn chuẩn bị và xây dựng các điều kiện nền tảng của quá trình chuyển đổi số trong kế toán ở Việt Nam, bao gồm: việc thống nhất cao trong nhận thức; điều chỉnh căn bản chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy kế toán đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; doanh nghiệp ứng dụng phần mềm kế toán và các công nghệ cơ bản trong kế toán; tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp dịch vụ về công nghệ kế toán.

Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến 2030): Đây là giai đoạn đẩy mạnh các kết quả đã đạt được của giai đoạn 1, đồng thời tiếp tục triển khai các công nghệ mới, bao gồm: triển khai có hiệu quả các nội dung đào tạo về ERP, an toàn thông tin, phân tích dữ liệu kế toán; đa dạng hóa các chương trình đào tạo kế toán tích hợp công nghệ theo chuẩn quốc tế; các công ty dịch vụ công nghệ hoàn thiện và triển khai ERP II có tích hợp IDV; ngày càng nhiều doanh nghiệp ứng dụng có hiệu quả các công nghệ mới (như ERP trên nền điện toán đám mây…).

Giai đoạn 3 (từ sau năm 2030): Tiếp tục triển khai có hiệu quả các kết quả của giai đoạn 2; đồng thời bắt đầu đào tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kế toán; triển khai các chương trình đào tạo tích hợp công nghệ kế toán; các doanh nghiệp áp dụng phổ biến các công nghệ về xử lý giọng nói tự nhiên, các công cụ tự động hóa quy trình bằng robot, mạng neuron nhân tạo hỗ trợ xử lý, phân tích dữ liệu…

Để thực hiện thành công chuyển đổi số trong kế toán, đòi hỏi từng chủ thể liên quan tham gia tích cực vào lộ trình này, bao gồm: các cơ quan chức năng; các đơn vị, doanh nghiệp; các cơ sở đào tạo kế toán; người làm kế toán; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ kế toán.

Các cơ quan chức năng: Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan cần tham mưu để tiếp tục ban hành các văn bản pháp quy về chuyển đổi số trong kế toán. Bên cạnh các văn bản tạo hành lang pháp lý cũng như tạo điều kiện cho chuyển đổi số, cần xem xét nghiên cứu ban hành văn bản pháp quy và tổ chức thực hiện việc kết nối, dùng chung dữ liệu báo cáo kế toán giữa các cơ quan (ứng dụng XBRL).

Các đơn vị, doanh nghiệp: Để triển áp dụng công nghệ số hiệu quả trong công tác kế toán, các đơn vị, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và hiểu biết của nhà quản lý về công nghệ số áp dụng trong quản lý nói chung và trong kế toán nói riêng; đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ làm công tác kế toán tài chính trong đơn vị; và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho quá trình chuyển đổi số trong kế toán ở đơn vị, doanh nghiệp mình.

Trước mắt, cần triển khai ứng dụng ngay các công nghệ đơn giản, như: phần mềm kế toán, chữ ký số và ứng dụng nộp báo cáo trực tuyến; hóa đơn điện tử; thanh toán trực tuyến và; lưu trữ số liệu kế toán trực tuyến.

Tiếp theo, từng bước áp dụng các công nghệ mới, như: phần mềm điện toán đám mây, ERP cơ bản.

Các công nghệ hiện đại khác sẽ từng bước được triền khai sau đó, bao gồm: ERP II để mở rộng phạm vi tích hợp dữ liệu ra ngoài đơn vị; các công nghệ về xử lý giọng nói tự nhiên, các công cụ tự động hóa quy trình bằng robot, mạng neuron nhân tạo hỗ trợ xử lý, phân tích dữ liệu…

Các cơ sở đào tạo kế toán, người làm kế toán: Các cơ sở đào tạo kế toán, đặc biệt là các trường đại học, các học viện cần điều chỉnh, thay đổi mạnh mẽ mục tiêu và nội dung chương trình đào tạo theo hướng: tăng cường nội dung đào tạo về ứng dụng ERP, ứng dụng các công cụ tự động hóa quy trình kế toán, an toàn thông tin, phân tích dữ liệu kế toán…

Bên cạnh đó, các trường đại học cũng cần từng bước xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tích hợp công nghệ kế toán (liên ngành), các chương trình đào tạo kế toán tích hợp công nghệ theo chuẩn quốc tế.

Về phía người làm kế toán nói chung, ngoài việc được đào tạo bài bản và chính quy theo các chương trình đào tạo dài hạn, cần thường xuyên tự cập nhật, trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng dụng các công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ kế toán, hoặc thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ kế toán: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ kế toán cần triển khai nghiên cứu tư vấn, cung dịch vụ công nghệ về kế toán theo lộ trình 3 giai đoạn, phù hợp với mức độ áp dụng công nghệ vào công tác kế toán của các đơn vị và doanh nghiệp.

Do các công nghệ ứng dụng vào công tác kế toán khá đa dạng, nên để nâng cao uy tín và cung cấp dịch vụ, giải pháp có chất lượng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ kế toán nên có chiến lược đầu tư phát triển chuyên sâu một hoặc một số mảng giải pháp công nghệ ưu tiên, có thế mạnh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 749/QĐ-TTg, (2020), Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
  2. Quyết định số 633/QĐ-TTg, (2022), Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030;
  3. Bộ Tài chính, (2020), Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam;
  4. Đỗ Ngọc Trâm, (2021), Công nghệ số và yêu cầu đối với đào tạo nhân lực kế toán Việt Nam, VCAA 2021, p.411-424;
  5. Lê Ngọc Anh. (2021). Chuyển đổi số và những định hướng phát triển hoạt động đào tạo kế toán tại các trường đại học của Việt Nam. https://tapchicongthuong.vn;
  6. Ngô Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Hải Yến, Nguyễn Thị Tuyết Minh, (2021). Chuyển đổi số và xu hướng thay đổi trong công tác hợp tác xã tại Việt Nam, VCAA 2021, p.499-509;
  7. Nguyễn Hữu Mạnh, Vương Thị Hương Giang, Nguyễn Thành Cường, (2021). Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức đặt ra cho lĩnh vực kế toán-kiểm toán tại Việt Nam, VCAA 2021, p.128-135;
  8. Nguyễn Phước Bảo Ấn, Trần Anh Hoa, Phạm Trà Lam (2021). Định hướng phát triển chuyển đổi số, Book Chapter, p.1157-1200;
  9. Berikol & Killi (2021). The Effects of Digital Transformation Process on Accounting Profession and Accounting Education, Chapter 13, p.219-231
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2023