Ngành Hải quan tập trung chuyển đổi số 3 lĩnh vực trọng tâm

Trần Huyền

Để xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh, công tác chuyển đổi số của ngành Hải quan trong thời gian tới sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực lớn gồm: Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số; Chuyển đổi số trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; Chuyển đổi số trong quản trị hành chính nội ngành.

Ngành Hải quan đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử. Ảnh: internet
Ngành Hải quan đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử. Ảnh: internet

Xây dựng hải quan số, hải quan thông minh

Hiện nay, thế giới đã có sự thay đổi nhanh chóng ở kỷ nguyên số với sự phát triển như vũ bão của Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; đặc biệt là sự phát triển chưa từng có của công nghệ số. Theo đó, chuyển đổi số đã trở thành một xu thế tất yếu không thể đảo ngược.

Trong bối cảnh trên, Hải quan các nước đều tập trung thực hiện chuyển đổi số với trọng tâm là xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh; ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data); Chuỗi khối (Blockchain); Kết nối Internet vạn vật (IoT)...

Hải quan Việt Nam cũng không nằm ngoài sự vận động chung đó. Việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan là một cuộc cách mạng làm thay đổi cách thức, phương pháp làm việc của cơ quan hải quan trong bối cảnh mới.

Chia sẻ tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2023 đầu tháng 11 vừa qua, ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của Hải quan Việt Nam đó là: Tập trung nguồn lực hoàn thành xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh.

Cụ thể hóa Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để cụ thể hóa các mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành Hải quan số; đến năm 2030 hoàn thành Hải quan thông minh.

Trong đó, ngành Hải quan đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (đến năm 2030 phấn đấu chỉ tiêu đạt 100%); 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau...

Tập trung chuyển đổi số 3 lĩnh vực lớn

Theo Cục trưởng Lê Đức Thành, công tác chuyển đổi số của ngành Hải quan trong thời gian tới sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực lớn gồm: Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số; Chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; Chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị hành chính nội ngành.

Theo đó, một trong những giải pháp chuyển đổi số quan trọng nhất mà ngành Hải quan đang tập trung triển khai hiện nay là chuyển đổi số trong lĩnh vực nghiệp vụ hải quan với nội dung cốt lõi là thực hiện tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan và xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số.

Cục trưởng Lê Đức Thành thông tin, trước mắt, từ nay đến năm 2025, Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan. Hệ thống này có khả năng mở rộng và tích hợp với các hệ thống công nghệ thông tin hiện tại và các hệ thống công nghệ thông tin trong tương lai trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 hướng tới quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối trong quá trình thông quan; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin nêu trên, hiện nay, Tổng cục Hải quan đã huy động nguồn lực toàn Ngành với gần 200 cán bộ, công chức là chuyên gia thuộc các lĩnh vực trong toàn Ngành để thực hiện rà soát, tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ, xây dựng yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và các thủ tục cần thiết khác.

Đối với chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai các thủ tục hành chính trên cơ chế này. Đồng thời, xây dựng và triển khai Đề án xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng xử lý tập trung, đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các bên liên quan...

Hệ thống một cửa quốc gia và ASEAN cũng sẽ được Tổng cục Hải quan nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối, trao đổi thông tin với hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới theo quy định tại các Hiệp định thương mại tự do và các Hiệp định mà Việt Nam ký kết theo đúng lộ trình, bao gồm: Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc, NewZealand,...

Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan cũng cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan còn tập trung thực hiện đổi số trong quản lý nội ngành, trong đó tập trung xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin quản lý nội bộ ngành Hải quan hiện đại, tự động hóa các hoạt động quản lý. Đồng thời, phát triển dữ liệu số hải quan bảo đảm cung cấp cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước khác, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao...

 

Công tác chuyển đổi số của ngành Hải quan trong thời gian tới sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực lớn gồm: Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số; Chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; Chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị hành chính nội ngành.