Xác định thuế thu nhập cá nhân tại các doanh nghiệp: Một số vấn đề đặt ra

Nguyễn Thảo Vân, Nguyễn Mỹ Linh - Đại học Lao động - Xã hội

Thực tế trong các đợt quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại doanh nghiệp cho thấy, việc xác định thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân và áp biểu thuế đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và kinh doanh thường khiến nhiều doanh nghiệp thắc mắc. Bài viết làm rõ những vấn đề trên, trao đổi cách giải quyết một số tình huống thực tế phát sinh nhằm giúp doanh nghiệp áp dụng đúng cho các kỳ quyết toán sắp tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một số vấn đề liên quan đến thuế thu nhập cá nhân

Hiện nay, các quy định liên quan đến thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Theo quy định của Luật thuế TNCN, thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động gồm: Tiền lương, tiền công, tiền thưởng và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền; Tiền phụ cấp, trợ cấp, tiền thù lao, tiền tham gia vào các tổ chức, các khoản lợi ích bằng tiền và không bằng tiền khác, trừ các khoản thu nhập được miễn thuế TNCN theo quy định tại khoản 2 điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

Trong khi đó, thu nhập từ kinh doanh là khoản thu nhập có được từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật, thu nhập từ hành nghề độc lập của cá nhân có chứng chỉ hành nghề, thu nhập từ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối, đánh bắt thủy sản...

Về thu nhập tính thuế TNCN, theo quy định của pháp luật, thu nhập tính thuế được tính bằng thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ (gia cảnh, bảo hiểm bắt buộc, đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện, từ thiện, nhân đạo, khuyến học). Biểu thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương và thu nhập từ kinh doanh, hiện nay được quy định như sau:

- Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công: Được áp dụng biểu lũy tiến từng phần (7 bậc đối với cá nhân cư trú) và thuế suất toàn phần (1 mức đối với cá nhân không cư trú) tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

- Đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh: Hiện nay, có các mức thuế suất như sau: 0,5% đối với kinh doanh các lĩnh vực cung cấp, phân phối hàng hóa; 1% đối với hoạt động khác; 1,5% đối với sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu; 2% đối với sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu và 5% đối với dịch vụ cho thuê tài sản.

Thực tế quyết toán thuế tại doanh nghiệp

Từ thực tế quyết toán thuế trong thời gian qua, bài viết đưa ra hai trường hợp tiêu biểu dưới đây nhằm giúp DN có kinh nghiệm trong việc thực hiện quyết toán thuế TNCN cho các lần sau:

Thứ nhất, khấu trừ thuế đối với hợp đồng dân sự. Trong quá trình quyết toán thuế phát sinh trường hợp: Một DN có ký hợp đồng công tác viên với các cá nhân, trong đó các công tác viên được hưởng hoa hồng dựa trên doanh số (Doanh số x Tỷ lệ của công ty quy định) và hợp đồng có thời hạn 12 tháng. Công ty sẽ thanh toán hoa hồng ngay sau khi cộng tác viên có hợp đồng doanh thu được ký kết với khách hàng. Vì vậy, một tháng cộng tác viên sẽ được nhận hoa hồng làm nhiều đợt, và mỗi đợt công ty thanh toán tiền hoa hồng cho cộng tác viên sẽ khấu trừ ngay 10% thuế TNCN (không phân biệt thu nhập trên 2 triệu đồng hay dưới 2 triệu đồng). Toàn bộ số tiền thuế TNCN của cộng tác viên đã được nộp đầy đủ cho cơ quan thuế theo từng quý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc DN này khấu trừ ngay 10% thuế TNCN của cộng tác viên như vậy có đúng quy định pháp luật không? Trường hợp khấu trừ thừa của cộng tác viên, DN này sẽ phải xử lý như thế nào để hoàn lại tiền thuế cho cộng tác viên?

Đối với trường hợp này, nếu hợp đồng cộng tác viên của DN ký với các cộng tác viên để chi trả tiền hoa hồng (phí dịch vụ thuê ngoài) thì đây không phải là quan hệ lao động nên không thuộc điều chỉnh của Bộ luật Lao động 2012. Hợp đồng cộng tác viên này là hợp đồng dịch vụ giữa DN với các cộng tác viên bên ngoài (không phải là người lao động của công ty) nên đây là quan hệ dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự 2015. DN ký hợp đồng dịch vụ môi giới nêu trên có thời hạn 12 tháng không phải là hợp đồng lao động trên 3 tháng thì không phải tính thuế TNCN theo Biểu thuế lũy tiến từng phần mà DN phải khấu trừ 10% tiền hoa hồng nếu mỗi lần chi trả cho người giới thiệu từ 2 triệu đồng trở lên (dưới 2 triệu đồng/1 lần chi trả công ty không được khấu trừ 10%).

Trường hợp DN đã khấu trừ 10% đối với thu nhập của các cộng tác viên (kể cả mỗi lần chi trả từ 2 triệu đồng hay dưới 2 triệu đồng) để nộp đầy đủ vào NSNN thì sẽ là khấu trừ thừa thuế TNCN của các cộng tác viên. Do vậy, theo từng lần hay cuối năm DN phải tổng hợp toàn bộ số tiền chi trả cho từng cộng tác viên và số thuế TNCN đã khấu trừ trong năm để lập Biên lai thuế mẫu CTT 50 rồi gửi cho các cộng tác viên đó về tự quyết toán thuế TNCN.

Trường hợp khi quyết toán thuế TNCN cuối năm các cộng tác viên tổng hợp thu nhập ở DN giảm trừ gia cảnh và nơi khác mà tính ra số thuế TNCN nộp thừa thì cá nhân đó có quyền xin hoàn thuế TNCN theo qui định, còn DN đã nộp số thuế TNCN thừa của các cộng tác viên vào NSNN rồi thì vẫn giữ nguyên. Nếu các cộng tác viên khiếu nại DN thực hiện bị khấu trừ sai qui định thì DN làm “Tờ khai bổ sung thuế TNCN” tháng/năm để kê khai, quyết toán theo số đúng, còn số nộp thừa trừ vào các tháng sau thì DN xử lý như sau: Nếu các Biên lai thuế đã lập sai thì thu hồi lại để lập lại Biên lai khấu trừ đúng cho các cộng tác viên về tự quyết toán thuế TNCN (số khấu trừ thừa thuế TNCN thì DN lấy từ quỹ của mình để chi trả cho cộng tác viên). Nếu chưa lập Biên lai thuế từng lần chi hoa hồng khấu trừ 10% của cộng tác viên thì cuối năm lập theo số tạm khấu trừ đúng với mỗi lần chi trả từ 2 triệu đồng trở lên, số thuế khấu trừ thừa của các cộng tác viên thì DN trả lại cộng tác viên và số thuế TNCN nộp thừa sẽ phải quyết toán với Nhà nước là DN nộp thừa bù trừ vào số thuế TNCN phải nộp kỳ sau.

Thứ hai, cung cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN. Trong thực tế đợt quyết toán vừa qua cũng phát sinh trường hợp như sau: Tháng 04/2015, DN chia lợi nhuận cho hai thành viên công ty là giám đốc và phó giám đốc. DN đã khấu trừ thuế TNCN trước khi trả lợi nhuận cho các cổ đông và số tiền thuế TNCN này công ty đã nộp cho cơ quan thuế trong tháng 04/2015. Vấn đề đặt ra là DN có phải cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN cho 2 thành viên này không? Khi quyết toán thuế TNCN cho giám đốc, kế toán DN này có phải gộp khoản lợi nhuận giám đốc nhận được đó cùng với lương giám đốc làm tại công ty, và khoản thù lao giám đốc làm thêm tại một công ty khác không?

Theo các chuyên gia thuế, vấn đề nêu trên là vướng mắc được các DN nêu ra trong các kỳ quyết toán thuế. Chia sẻ về vấn đề này, các chuyên gia thuế lý giải, DN chia lợi tức cho hai thành viên công ty là giám đốc và phó giám đốc đó là thu nhập từ hoạt động đầu tư vốn được áp thuế suất toàn phần sẽ phải kê khai, nộp thuế TNCN 5% trên lợi tức được chia mà không phải quyết toán cuối năm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính. DN không phải cấp Biên lai khấu trừ thuế TNCN mẫu CTT 50 đối với khoản thu nhập này.

Đối với khoản thu nhập giám đốc làm thêm tại một công ty khác mà khoản thu nhập này là thu nhập vãng lai, công ty đó đã khấu trừ 10% và tính bình quân thu nhập vãng lai này không vượt quá 10 triệu đồng/1 tháng thì khoản thu nhập này cá nhân không cần quyết toán, cá nhân làm Giấy ủy quyền quyết toán thuế TNCN theo mẫu 02/UQ-QT TT 92/2015/TT-BTC cho công ty thứ nhất là công ty giảm trừ gia cảnh quyết toán thay hoặc cá nhân có thể tổng hợp thu nhập từ 2 công ty (có Biên lai 2 công ty xuất cho cá nhân) để cuối năm quyết toán thuế TNCN (nếu phải nộp thuế TNCN và ngược lại không phải làm quyết toán thuế TNCN). Trường hợp công ty thứ 2 ký hợp đồng lao động với giám đốc trên 3 tháng (không vi phạm pháp Luật DN về việc làm cùng lúc 2 công ty) thì công ty thứ hai cũng được áp biểu lũy tiến từng phần và cuối năm hai công ty lập biên lai thuế TNCN tổng hợp thu nhập chịu thuế và tiền thuế TNCN đã khấu trừ trong năm để cuối năm giám đốc tự đi quyết toán thuế TNCN.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Nghị định 65/2013/NĐ-CP, Nghị định 30/2012/NĐ-CP;

2. Một số thông tư của Bộ Tài chính: Thông tư 111/2013/TT-BTC, Thông tư 92/2015/TT-BTC.