Xây dựng hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý Quỹ ngân sách nhà nước của Kho bạc Nhà nước
Quản lý nền tài chính quốc gia nói chung, quản lý ngân sách nhà nước nói riêng là những lĩnh vực đang được Quốc hội các nước, trong đó có Việt Nam dành sự quan tâm. Những điều kiện mới của thời kỳ hội nhập sâu rộng đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục tìm tòi, hoàn thiện cơ chế quản lý, nhất là về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách nhà nước. Để đáp ứng các mục tiêu của cải cách hệ thống quản lý ngân sách nhà nước, việc xây dựng một hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý quỹ ngân sách nhà nước là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tình hình quản lý quỹ ngân sách nhà nước của Kho bạc Nhà nước hiện nay
Công tác tổ chức quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) của Kho bạc Nhà nước (KBNN) Việt Nam được tiến hành sau khi ngân sách được Quốc hội phê chuẩn và năm ngân sách bắt đầu (năm ngân sách ở nước ta bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 hàng năm). Theo đó, KBNN có nhiệm vụ tổ chức thu NSNN và bố trí cấp phát kinh phí của NSNN cho các nhu cầu đã được Quốc hội phê chuẩn (kể cả tạm ứng, tạm cấp cho các nhu cầu chi đầu năm chưa được Quốc hội phê chuẩn).
Tính đến năm 2015, KBNN Việt Nam đã có 63 KBNN tỉnh, thành phố và hơn 700 đơn vị KBNN cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, với hơn 14 nghìn cán bộ công chức, đáp ứng được yêu cầu quản lý hoạt động quỹ NSNN thông qua hoạt động giao dịch của trên 150.000 đơn vị và gần 200.000 tài khoản giao dịch với KBNN trên cả nước.
Mối quan hệ giữa khối lượng thu - chi NSNN theo thời gian có ý nghĩa rất lớn trong tổ chức quản lý quỹ NSNN. Chính vì vậy, trong điều kiện ngân sách bền vững, việc xây dựng một khoản dự phòng ngân sách hay ngân sách dài hạn sẽ góp phần làm giảm ảnh hưởng yếu tố thời gian.
Tuy nhiên, hiện NSNN Việt Nam vẫn còn tình trạng lúc cần chi cho các nhu cầu lớn thì chưa có nguồn thu đáp ứng, lúc đã giải quyết bằng các biện pháp tài khóa khác, bằng chính sách tiền tệ thì nguồn thu lại tập trung nhiều. Do đó, khi đặt vấn đề tổ chức quản lý quỹ NSNN, cần phải đảm bảo sự kết hợp giữa kế hoạch và tổ chức thực hiện của các cơ quan tham gia quản lý ngân sách (thuế, hải quan, tài chính).
Trong thời gian qua, mới chỉ có một số chỉ tiêu mang tính chất thống kê được thể hiện qua các báo cáo của KBNN các cấp. Một số chỉ tiêu thống kê đã được vận dụng nhằm đánh giá hoạt động quản lý quỹ NSNN của KBNN được thể hiện thông qua hệ thống báo cáo. Các chỉ tiêu mà KBNN đã xây dựng và áp dụng trong đánh giá hoạt động quản lý quỹ NSNN về cơ bản đã bao quát được những nội dung chủ yếu, phản ánh được kết quả về mặt lượng của những hoạt động quản lý quỹ NSNN của KBNN Việt Nam cũng như cung cấp các thông tin về thực trạng vận hành của quỹ NSNN cho hoạt động quản lý NSNN của tất cả các chủ thể thuộc Nhà nước và phục vụ cho việc công khai các dữ liệu về NSNN. Việc tổ chức các chỉ tiêu đánh giá hoạt động quản lý quỹ NSNN trong thiết kế các báo cáo về cơ bản bảo đảm tính hợp lý, logic...
Yêu cầu xây dựng một hệ thống các tiêu chí bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ và tính hệ thống đối với việc đánh giá hoạt động quản lý quỹ NSNN của KBNN đang được đặt ra. Hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu đánh giá từng đơn vị KBNN, làm cơ sở so sánh thành tích, chỉ đạo điều hành liên quan đến hoạt động quản lý quỹ NSNN. Chẳng hạn, chỉ tiêu tổng số thu phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài KBNN như: đặc điểm các nguồn thu trên địa bàn; quy mô nguồn thu trên địa bàn..
Cụ thể, một số KBNN có số thu lớn về dầu thô, xuất nhập khẩu hải quan..., thông thường số tiền trên một món thu rất lớn, hàng trăm tỷ như KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu, KBNN TP. Hồ Chí Minh, nhưng cũng có KBNN thu nhiều món nhưng số tiền thể hiện rất nhỏ. Ví dụ như KBNN huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) thu bình quân 1 món là 125.000 đồng, thu cả năm 2013 đạt 162,1 tỷ đồng nhưng vẫn phải đảm bảo theo dõi, hạch toán, báo cáo như KBNN Vũng Tàu. Nếu chỉ căn cứ vào tổng số thu thì khó có thể so sánh thành tích, hiệu năng hoạt động từ đó sẽ gây khó khăn cho việc đánh giá, chỉ đạo, điều hành. Tương tự, chi NSNN qua KBNN thường phụ thuộc nhiều yếu tố nên không thể chỉ đơn thuần dựa vào chỉ tiêu số lượng chi thực hiện.
Hiện nay, KBNN cũng chưa hệ thống được danh mục hệ thống chỉ tiêu và báo cáo nói chung, thống kê nói riêng của KBNN, vì vậy chưa thể bao quát được bức tranh tổng thể về hệ thống báo cáo của KBNN để từ đó đưa ra các định hướng, nghiên cứu, tận dụng, khai thác, chiết xuất giữa các mẫu báo cáo hoặc có thể nghiên cứu, kiến nghị đưa ra một báo cáo chung có thể cung cấp được cho tất cả các đơn vị yêu cầu nhận báo cáo quản lý quỹ NSNN. Hệ thống tiêu chí đánh giá hoạt động quản lý quỹ ngân sách của KBNN chưa được tổ chức thống nhất và thường xuyên, vì vậy, hoạt động báo cáo thông qua chỉ tiêu thống nhất hiện nay của KBNN mang tính cục bộ, không thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Số liệu khảo sát năm 2014 cho thấy, trung bình trong một năm các đơn vị KBNN cấp tỉnh, thành phố thực hiện khoảng hơn 140 các loại mẫu biểu báo cáo theo định kỳ (huy động vốn, thanh toán vốn, thu chi NSNN, tổ chức cán bộ…), gửi KBNN Trung ương và các bộ ngành, cơ quan liên quan. Riêng KBNN Trung ương thực hiện khoảng 90 các loại mẫu biểu báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác theo định kỳ và nhiều các loại mẫu báo cáo đột xuất khác. Tuy nhiên, có nhiều loại mẫu báo cáo có tính trùng lắp về nội dung nhưng chưa có hướng khai thác, chiết xuất giữa các mẫu biểu báo cáo.
Đề xuất xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý quỹ ngân sách giai đoạn hiện nay
Căn cứ Quyết định 138/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020; Quyết định 3873/QĐ-BTC ngày 12/12/2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục các đề án và cơ chế chính sách thực hiện phát triển KBNN đến năm 2020; Quyết định 1188/QĐ-BTC phê duyệt đề án Tổng kế toán nhà nước, KBNN đang tích cực, chủ động, hoàn thành đúng tiến độ danh mục các đề án, cơ chế chính sách trong khuôn khổ thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.
Theo đó, KBNN cần xây dựng, hoàn thành và tổ chức thực hiện nghiên cứu các cơ chế, chính sách bao phủ toàn bộ các chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động của hệ thống KBNN đáp ứng định hướng phát triển của ngành Tài chính. Việc xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý quỹ NSNN của KBNN phải đảm bảo đáp ứng các nguyên tắc, yêu cầu, đó là:
- Đảm bảo tính chuẩn xác và tính khoa học, các tiêu chí phải được xây dựng một cách có cơ sở khoa học; bảo đảm logic nội tại; bảo đảm sự rõ ràng, mạch lạc của các tiêu chí.
- Đảm bảo tính toàn diện và tính hệ thống, tiêu chí phải bao quát toàn bộ các nội dung của hoạt động quản lý Quỹ NSNN cũng như phải phản ánh toàn bộ các phương diện từ kết quả về khối lượng, quy mô, đến chất lượng, hiệu suất và hiệu quả; Vừa phải phục vụ cho hoạt động quản lý Quỹ NSNN của các chủ thể bên ngoài, vừa phục vụ việc quản lý nội bộ KBNN; Vừa có những tiêu chí định lượng, vừa có những tiêu chí định tính.
- Đảm bảo tính thực tiễn, tiêu chí phải phù hợp với thực tiễn có tính đặc thù của hoạt động quản lý quỹ NSNN của KBNN Việt Nam. Điều này cũng đòi hỏi tính khả thi trong vận dụng và điều quan trọng nhất là khả năng thực hiện đo lường của từng tiêu chí, khả năng thu thập dữ liệu.
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích cơ sở lý luận, thực tiễn; Đánh giá thực trạng công tác đánh giá hoạt động quản lý quỹ NSNN của KBNN thời gian qua, bài viết đề xuất xây dựng hệ tiêu chí mới, đánh giá hoạt động quản lý quỹ NSNN của KBNN trong giai đoạn hiện nay (2011-2020), theo 3 nhóm tiêu chí cơ bản: (1) Nhóm các tiêu chí đánh giá hoạt động quản lý thu NSNN của KBNN; (2) Nhóm các tiêu chí đánh giá hoạt động chi trả và kiểm soát chi NSNN của KBNN; (3) Nhóm các tiêu chí đánh giá một số hoạt động khác liên quan đến hoạt động quản lý quỹ NSNN của KBNN. Kết quả tóm tắt được trình bày bao gồm:
Thứ nhất, bổ sung một số tiêu chí nhằm đánh giá toàn diện và chính xác hơn kết quả thu NSNN của từng đơn vị KBNN nhằm làm cơ sở cho việc quản trị nội bộ KBNN:
- Tổng số thu NSNN (từng kỳ và lũy kế) và phân tổ theo các tiêu thức: theo cấp ngân sách được hưởng; theo lĩnh vực; theo ngành; theo nội dung; Theo mục lục ngân sách.
- Số điểm thu NSNN.
- Số món thu NSNN (từng kỳ và lũy kế).
- Tỷ lệ hoàn thành dự toán thu NSNN theo từng kỳ.
- Tỷ lệ hoàn thành dự toán thu NSNN lũy kế.
- Số thu NSNN bình quân trên một cán bộ công chức, viên chức KBNN (từng kỳ và lũy kế).
- Số món thu bình quân trên một cán bộ công chức, viên chức KBNN (từng kỳ và lũy kế).
- Số thu NSNN bình quân trên một nghìn/triệu đồng tiền lương.
- Số món thu bình quân trên một nghìn/triệu đồng tiền lương.
- Tiêu chí đánh giá về chất lượng dịch vụ hành chính công: Thái độ của cán bộ công chức, viên chức KBNN trong giao dịch; Phong cách phục vụ của cán bộ công chức, viên chức KBNN trong giao dịch; Kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ công chức, viên chức trong giao dịch; Mức độ đơn giản hay phức tạp của thủ tục; Mức độ thuận tiện trong giao dịch; Cơ sở vật chất, tiện nghi giao dịch.
Thứ hai, bổ sung một số tiêu chí nhằm đánh giá toàn diện và chính xác hơn hoạt động chi trả NSNN của từng đơn vị KBNN:
- Đối với chi thường xuyên gồm có: Số món chi thường xuyên đã thực hiện; Tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ chi theo dự toán chi thường xuyên NSNN; Doanh số chi thường xuyên NSNN bình quân trên một cán bộ công chức, viên chức KBNN (từng kỳ và lũy kế); Số món chi thường xuyên bình quân trên một cán bộ công chức, viên chức KBNN (từng kỳ và lũy kế); Doanh số chi thường xuyên NSNN bình quân trên một nghìn/triệu đồng tiền lương; Số món chi bình quân trên một nghìn/triệu đồng tiền lương; Tỷ lệ số khoản chi được kiểm soát so với tổng số khoản chi NSNN (từng kỳ và lũy kế); Tỷ lệ số hồ sơ chưa chấp hành đúng qui định (từng kỳ và lũy kế đến thời điểm báo cáo); Số lượng hồ sơ KBNN giải quyết trước hạn, đúng hạn, quá hạn; Tổng số món và tổng số tiền KBNN từ chối cấp phát, thanh toán qua kiểm soát chi; Tỷ lệ số món và số tiền KBNN từ chối cấp phát, thanh toán qua kiểm soát chi; Số dư tạm ứng chi thường xuyên so với tổng chi thường xuyên bình quân; Kết quả kiểm toán chi thường xuyên NSNN của Kiểm toán Nhà nước tại đơn vị sử dụng ngân sách.
- Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, bao gồm: Tỷ lệ số hồ sơ dự án chưa chấp hành đúng quy định (từng kỳ và lũy kế đến thời điểm báo cáo); Số lượng hồ sơ KBNN giải quyết trước hạn, đúng hạn, quá hạn; Tổng số dự án và tổng số tiền KBNN từ chối thanh toán qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) và chương trình mục tiêu; Tỷ lệ số dự án và số tiền KBNN từ chối thanh toán qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư XDCB và chương trình mục tiêu (so với tổng số dự án trong nhiệm vụ kế hoạch và tổng số giá trị thanh toán kế hoạch); Kết quả kiểm toán chi vốn đầu tư XDCB và chương trình mục tiêu; Tỷ lệ dự án được thanh toán bị kiểm toán kết luận vi phạm/tổng số dự án được kiểm toán; Tỷ lệ số tiền được thanh toán bị kiểm toán kết luận vi phạm/tổng số tiền chi vốn đầu tư XDCB được kiểm toán.
Thứ ba, tiêu chí đánh giá về chất lượng dịch vụ hành chính công trong hoạt động quản lý chi NSNN gồm: Thái độ của cán bộ công chức, viên chức KBNN trong giao dịch với đơn vị sử dụng NSNN; Phong cách phục vụ của cán bộ công chức, viên chức KBNN trong giao dịch với đơn vị sử dụng NSNN; Kỹ năng xử lý nghiệp vụ của cán bộ công chức, viên chức KBNN trong giao dịch với đơn vị sử dụng NSNN; Cán bộ công chức, viên chức KBNN trả lời thoả đáng những thắc mắc của đơn vị sử dụng NSNN; Đại diện giao dịch của đơn vị sử dụng ngân sách được cán bộ công chức, viên chức hướng dẫn thủ tục đầy đủ, dễ hiểu; KBNN phục vụ công bằng với tất cả các đối tác giao dịch; Đơn vị sử dụng NSNN luôn nhận được các thông tin kịp thời từ KBNN về các vấn đề mới phát sinh; KBNN giải quyết những khiếu nại nhanh chóng, chính xác; Mức độ thuận tiện trong giao dịch; Cơ sở vật chất, tiện nghi giao dịch.
Hệ tiêu chí mà bài viết đề xuất là các tiêu chí dạng khung, bao quát các hoạt động nghiệp vụ quản lý quỹ NSNN của KBNN, trong đó có các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định hiệu quả hoạt động quản lý quỹ NSNN của từng cấp KBNN. Tuy nhiên, để có thể sử dụng hệ tiêu chí này vào thực tế thì cần phải tiếp tục hoàn thiện các chỉ tiêu cụ thể của từng nhóm tiêu chí. Để xây dựng các chỉ tiêu cụ thể cần phải có những kết quả điều tra, khảo sát chuyên đề, phương pháp, công thức và cách thức ứng dụng công nghệ thông tin. Do vậy, cần có những nghiên cứu tiếp theo để có được hệ tiêu chí cụ thể, hoàn thiện hơn áp dụng vào thực tế đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Đình Ánh, Chính sách tài khóa và vấn đề nợ công của Việt Nam giai đoạn 2006-2010 “Khi rồng muốn thức dậy”, NXB Lao động Xã hội (2011);
2.Vân Hà, Thời báo Tài chính Việt Nam, số 27, ngày 03/03/2014, KBNN chú trọng nguồn nhân lực cho nhiệm vụ mới);
3.PGS., TS. Hoàng thị Thúy Nguyệt - Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán số tháng 3/2013- “ Cải thiện độ tin cậy của ngân sách qua khâu lập dự toán”;
4. Economics of Development 6Th Edition- Kinh tế học phát triển(1992), tái bản lần thứ 6(2006) của Dwight H.Perkins, Steven Radelet, David Llindancer, NXB WW Norton & company NewYork- London.