Xu hướng USD tăng giá rất rõ rệt
(Tài chính) TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng USD lên giá là một xu hướng rõ rệt, do kinh tế Mỹ tăng trưởng, dòng vốn vào Mỹ nhiều hơn, càng làm tăng giá USD. Đồng thời, vốn bị rút khỏi thị trường mới nổi.
“Tỷ giá USD/VND chịu tác động của nhiều yếu tố, diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ trong nước và quốc tế. Bởi vậy, sau khi điều chỉnh 1% tỷ giá vừa qua, việc có tiếp tục điều chỉnh hay không trong năm 2015 (và nếu có) thì điều chỉnh vào thời điểm nào và với mức độ bao nhiêu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần theo dõi sát diễn biến tình hình và cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới quyết định chứ không điều chỉnh theo một quy luật thời gian nào”, ông Thành bình luận.
Ngân hàng giảm giá mua USD
Với mức “rơi” dần đều, hiện giá USD tại các NHTM đã giảm từ 120 - 150 đồng/1 USD so với mức đỉnh thiết lập ngay sau quyết định nâng trần tỷ giá của NHNN hôm 7/1.
Lúc 14h40 ngày 13/1, theo biểu giá do Vietcombank niêm yết, giá USD giao dịch ở mức 21.320 đồng (mua vào) - 21.380 đồng (bán ra), giảm 30 đồng chiều mua vào nhưng giữ nguyên giá chiều bán ra so với phiên mở cửa sáng qua. Và so với mức đỉnh thiết lập ngay sau quyết định nâng trần tỷ giá của NHNN hôm 7/1, giá USD tại đây đã giảm từ 120 - 150 đồng/1 USD.
Tại VietinBank, giá USD được ngân hàng niêm yết giao dịch ở mức 21.315 - 21.375 đồng, chiều mua vào giảm 10 đồng còn chiều bán ra giữ nguyên giá sáng qua.
Một số nhà băng giữ nguyên giá USD so với phiên giao dịch sáng nhưng giảm từ 10 - 15 đồng so với ngày 12/1. Điển hình như tại DongABank, giá USD được ngân hàng này giảm 10 đồng mua vào, 15 đồng bán ra, giao dịch ở mức 21.310 - 21.370 đồng/USD.
Tỷ giá tại Eximbank duy trì ở 21.300 - 21.370 đồng/USD; BIDV giao dịch ở mức 21.320 - 21.380 đồng; ACB giảm 5 đồng cả mua vào, bán ra xuống 21.295 - 21.365 đồng/USD.
Trong khi đó, theo niêm yết trên trang web của NHNN, ngày 13/1, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giao dịch ở mức trần 21.458 VND/USD. Và kể từ sáng 12/1, Sở Giao dịch NHNN chính thức trở lại yết giá giao dịch USD, với vai trò là người mua bán sau cùng.
Mức giá mua vào USD được ấn định ở 21.350 đồng, giá bán ra là 21.600 đồng. Như vậy, sau gần 1 tuần thực hiện điều chỉnh (7/1), thị trường đã tương đối ổn định và cân bằng, đó là lý do khiến NHNN đưa ra một tham chiếu cần thiết cho thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Thành, áp lực tăng tỷ giá là có do các định chế tài chính gần đây đánh giá rủi ro tài chính của Việt Nam là không cao do lượng vốn không lớn. Nhưng trên thực tế năm 2013, sau đợt phá giá tiền đồng, các nhà đầu tư lập tức rút vốn trái phiếu khoảng 200 triệu USD, làm thị trường chao đảo trong vài ngày.
“Trên thị trường tài chính, nếu chỉ đưa con số tài chính thì có thể khiến mọi người an tâm. Nhưng về bản chất, thị trường cực kỳ mong manh và nhạy cảm với các tin đồn. Khi đó, lòng tin lấn át những con số, tạo nên một làn sóng hoảng loạn, khiến thị trường chứng khoán, ngoại hối sây sẩm”, ông Thành phân tích.
Có dùng hết quota 2%
Về vấn đề này, ông Thành cho rằng chính sách giữ tỷ giá VND/USD danh nghĩa tương đối ổn định, (phá giá không quá 2%/năm) nhằm chống lạm phát và cùng với chính sách lãi suất (lãi suất VND cao hơn nhiều lãi suất USD) để hạn chế đô la hóa (sự dịch chuyển từ VND sang USD). Chính sách này cũng góp phần tạo môi trường vĩ mô ổn định để doanh nghiệp tính toán tốt hơn trong làm ăn.
“Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể có mặt hạn chế như khó đủ độ linh hoạt cho chính sách tiền tệ và có tác động tích cực đến XK. Xét tổng thể, NHNN có thể thực hiện được cam kết như 3 năm vừa qua (2012 - 2014). Một là dự trữ ngoại tệ đã tăng đáng kể, có con số cho rằng đạt khoảng 37 - 38 tỷ USD”, ông Thành phân tích.
Dù vậy, việc phá giá 1% đầu năm là giải pháp được cho là hợp lý trong bối cảnh đồng USD đang lên giá. “Nó vừa giảm bớt một phần áp lực lên VND, song vẫn có dư địa ít nhiều để điều chỉnh nếu cần thiết”, ông Thành bình luận.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng mặc dù trong năm 2015, tỷ giá có áp lực khi thị trường thế giới USD tăng giá, FED dừng gói QE và có thể tăng lãi suất trong năm, nhưng với Việt Nam cũng có một số yếu tố thuận lợi.
Cụ thể, năm 2015, áp lực về nhập siêu không quá lớn bởi XK được dự báo tiếp tục tăng cao; NK có thể tăng lên nhưng với dự kiến tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 30 - 32% GDP, tín dụng được kiểm soát trong khoảng 13 - 15% dẫn đến NK cũng sẽ không tăng mạnh như những năm trước đây (trước đây tín dụng tăng bình quân trên 30%/năm; tổng đầu tư toàn xã hội chiếm trên 40% GDP).
“Cho dù có nhập siêu thì với nguồn kiều hối hàng năm khá dồi dào, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp tiếp tục vào Việt Nam khi kinh tế vĩ mô dần ổn định, Chính phủ quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, dự báo năm 2015, cán cân thanh toán của Việt Nam tiếp tục thặng dư. Như vậy, có cơ sở để NHNN ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá”, bà Hồng phân tích.
Theo bà Hồng, năm 2015, để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ, chính sách để điều tiết cả thị trường nội tệ và ngoại tệ, các giải pháp thực hiện theo hướng nâng cao vị thế của đồng Việt Nam…