Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU: Cơ hội và những thách thức đặt ra
Trong các thị trường nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam thì châu Âu được đánh giá là một trong những thị trường rộng lớn, tiềm năng nhưng cũng rất khó tính. Việc xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường này trong những năm gần đây đã có những bước tiến mạnh mẽ, song vẫn chưa tương xứng với sự phát triển của ngành Dệt may Việt Nam và thị trường đầy tiềm năng này.
Cơ hội hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do
Sau khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán và được ký kết, dư luận thường nhắc đến ngành Dệt may, một ngành được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định FTA, nhất là từ Hiệp định TPP, FTA Việt Nam - EU.
Cam kết Hiệp định TPP nhất trí xóa bỏ thuế quan với hàng dệt may Việt Nam, một số mặt hàng nhạy cảm sẽ xóa theo lộ trình. Điều kiện để được hưởng mức thuế suất 0% là đáp ứng các quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi tại nước xuất khẩu hoặc được tính toán cộng gộp từ nội khối, đối với Hiệp định FTA Việt Nam - EU thì lại quy định xuất xứ từ vải.
Với thuế suất đang áp dụng cho hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ từ 17-18%, vào EU từ 8-12% thì khi các Hiệp định TPP, FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi rất lớn. Bởi vì nhiều nước thành viên TPP, EU đang là các đối tác nhập khẩu hàng dệt may chủ yếu của Việt Nam như: Mỹ (chiếm 40%), EU (13,7%), Nhật Bản (10,6%)…
Tuy nhiên, đi liền với những cơ hội trên, dệt may Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức. Bất cập lớn nhất của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng chính là khâu cung cấp nguyên, phụ liệu đầu vào, hiện chỉ đáp ứng được chưa tới 1% nhu cầu về bông, 30% nhu cầu xơ. Sản lượng sợi đạt trên 1 triệu tấn/năm, trong đó gần 70% xuất khẩu. Sợi sử dụng trong nước chủ yếu nhập khẩu (tương đương lượng sợi xuất khẩu, nhưng chất lượng cao hơn) từ Trung Quốc 43%, Hàn Quốc 20%, Đài Loan 15%, các nước TPP chỉ 9,7%.
Khâu dệt vải tạo ra khoảng 1,5 tỷ mét vải/năm (chiếm 18% nhu cầu). Trong khi đó, nhập khẩu vải tới 6,7 tỷ mét, chiếm trên 80% nhu cầu, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, các nước TPP chỉ chiếm 5,3%.
Thế mạnh của dệt may Việt Nam là ở công đoạn may. Tuy nhiên, phương thức gia công xuất khẩu là chủ yếu, chiếm 70%; phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm theo khách hàng chỉ định hoặc tự khai thác (FOB I và FOB II) chỉ ở khoảng 20%; phương thức sản phẩm bao gồm cả thiết kế (ODM) là 9% và phương thức sản xuất và tiếp thị bán hàng trực tiếp tại các trung tâm thương mại nước ngoài (OBM) chỉ vỏn vẹn 1%. Vì thế, hiệu quả thấp và giá trị tăng thêm của hàng dệt may xuất khẩu chỉ chiếm trên 50%.
Như vậy, may xuất khẩu lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu, mà chủ yếu không phải từ các nước thành viên Hiệp định TPP và Hiệp định Việt Nam - EU.
Phương thức giúp dệt may Việt Nam chủ động thâm nhập thị trường EU
Để dệt may Việt Nam có thể đứng vững và phát triển trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là tại thị trường EU, chúng ta cần sớm có một hệ thống giải pháp đồng bộ và nhất quán cho lĩnh vực dệt may.
Thứ nhất, doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam cần lựa chọn phương thức thích hợp để chủ động thâm nhập vào các kênh phân phối của thị trường EU. Cụ thể:
(i) Thiết lập mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với các trung tâm phân phối, các siêu thị lớn trong thị trường EU thông qua các thương vụ Việt Nam tại EU, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, các đại sứ quán của các nước EU tại Việt Nam để xuất khẩu trực tiếp, giảm thiểu tình trạng xuất khẩu qua trung gian.
(ii) Tổ chức liên doanh dưới các hình thức như sử dụng giấy phép, nhãn hiệu hàng hoá của các nhãn hiệu nổi tiếng. Theo hình thức này các nhà xuất khẩu Việt Nam nên áp dụng chiêu thức mua nhãn hiệu hàng hoá của các nhà sản xuất nổi tiếng châu Âu để gắn vào sản phẩm của mình rồi mới tung vào thị trường EU. Sau một thời gian khi người tiêu dùng EU đã quen thì bắt đầu tiến hành gắn nhãn hiệu của nhà sản xuất Việt Nam bên cạnh nhãn hiệu nhà sản xuất châu Âu. Khi nhu cầu của người tiêu dùng đối với loại sản phẩm có gắn hai nhãn hiệu bắt đầu có dấu hiệu tăng nhanh thì các nhà sản xuất Việt Nam có thể bóc bỏ nhãn hiệu của nhà sản xuất châu Âu. Các DN có tiềm lực kinh tế Việt Nam có thể liên doanh liên kết, để trở thành công ty con của các công ty xuyên quốc gia có thương hiệu nổi tiếng của EU.
Bên cạnh việc xuất khẩu trực tiếp hay hình thức liên doanh xuất khẩu để thâm nhập thị trường EU, các DN dệt may Việt Nam cũng cần nghiên cứu tăng cường thâm nhập bằng hình thức đầu tư trực tiếp nhằm giảm bới các rào cản phi thuế quan.
(iii) Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu hàng may mặc Việt Nam trên thị trường EU thông qua việc tích cực chủ động tham gia các gian hàng, hội chợ, triển lãm tại nước ngoài, xây dựng các gian trưng bày trên thị trường nước ngoài…
Thứ hai, cần nâng cao chất lượng hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu.
DN dệt may Việt Nam cần tiến hành kiểm tra chặt chẽ chất lượng nguyên phụ liệu, tạo bạn hàng cung cấp nguyên phụ liệu ổn định, bảo quản tốt nguyên phụ liệu tránh xuống phẩm cấp. Bên cạnh đó, cần tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của bên đặt hàng về nguyên phụ liệu, công nghệ cũng như quy trình sản xuất.
Nâng cao chất lượng hàng dệt may Việt Nam bằng việc đổi mới quy trình, đạt được những chứng chỉ về quản lý chất lượng ISO 9000, chứng chỉ về môi trường ISO 14000… Những DN chưa đạt các chứng chỉ trên cần cố gắng hơn nữa để có được. Bởi vì, người tiêu dùng EU rất quan tâm và quen sử dụng những hàng hoá có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cho nên, hàng dệt may của các DN có được các tiêu chuẩn trên sẽ dễ dàng thâm nhập và được thị trường khó tính EU chấp nhận.
Ngoài những tiêu chuẩn mang tính chất quốc tế, DN dệt may Việt Nam cũng cần đáp ứng được cả với những tiêu chuẩn riêng có của EU như: Tiêu chuẩn về nhãn hiệu hàng may mặc dựa vào tiêu chuẩn ISO 3758, tiêu chuẩn về giặt dựa vào ISO 3759, 5077 và 6330; độ hút ẩm dựa vào tiêu chuẩn của Đức DIN 5411, giặt dựa vào tiêu chuẩn ISO 3175, đánh giá mức độ vải bị xù sợi dựa vào tiêu chuẩn của Anh BS 5811… Đây là những tiêu chuẩn mà khách hàng thị trường EU rất quan tâm, các DN dệt may Việt Nam cần hết sức chú ý để có thể đáp ứng tốt những yêu cầu này.
Đối với các DN có điều kiện về tài chính có thể nghiên cứu và thực hiện thêm các tiêu chuẩn về nhãn hiệu sinh thái đối với sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường EU.
Thứ ba, liên kết với các DN trong nước sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may sang EU.
Các DN dệt may Việt Nam cần liên kết với nhau trong quá trình kinh doanh, sản xuất cũng như xuất khẩu hàng dệt may. Việt Nam đã thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thành lập Tổng công ty dệt may Việt Nam và sau nữa là Tập đoàn dệt may Việt Nam. Các DN vừa và nhỏ cần liên kết lại với nhau nhằm giảm bớt sức ép cạnh tranh nội bộ giữa các ngành và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh những giải pháp kể trên, DN cần chú trọng khâu tổ chức sản xuất, tìm mọi cách tiết giảm chi phí sản xuất, nghiên cứu áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, phần mềm quản lý để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Tận dụng cơ hội thu hút đơn hàng, duy trì và khai thác hiệu quả các khách hàng truyền thống và phát triển thêm được khách hàng mới, góp phần ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động. Chú trọng đến việc xây dựng liên kết chiến lược với các khách hàng là những nhà bán lẻ, nhập khẩu lớn trên thế giới, tham gia vào các chuỗi liên kết của họ nhằm ổn định đơn hàng, khách hàng, tiếp cận kinh nghiệm quản lý, kinh doanh của họ…
Tài liệu tham khảo:
1. Niên giám thống kê hải quan về hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam;
2. Báo cáo ngành Dệt may Việt Nam.