Yếu tố nào tác động tới báo cáo tài chính?
Báo cáo tài chính (BCTC) là sản phẩm của kế toán tài chính, là đầu ra của hệ thống thông tin kế toán.Việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến báo cáo tài chính là điều bắt buộc đối với người làm kế toán, thiết lập báo cáo tài chính…
Các yếu tố tác động cơ bản đến báo cáo tài chính
Thực tiễn cho thấy, có nhiều yếu tố tác động đến báo cáo tài chính, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện báo cáo tài chính có thể nhận thấy rõ nét nhất 05 yếu tố cơ bản là: Kinh tế, chính trị, pháp lý, văn hóa và toàn cầu hóa.
Sự phát triển của kế toán là một quá trình phụ thuộc vào và đan xen với phát triển kinh tế. Nói cách khác, môi trường kinh tế có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của kế toán. Các yếu tố đặc trưng của một nền kinh tế, như cơ chế quản lý, hình thức sở hữu chủ đạo, định hướng phát triển, đặc điểm sản xuất kinh doanh, quy mô, đặc điểm của thị trường hàng hoá…
Cùng với đó là hình thức kinh doanh chiếm ưu thế và phổ biến trong hoạt động của các doanh nghiệp, sẽ tác động đến các chính sách kế toán và đối tượng kế toán, nhằm làm tương thích với bản chất các quan hệ kinh tế, đáp ứng yêu cầu ghi nhận, xử lý và cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, nguồn cung ứng tài chính sẽ quyết định đối tượng chủ yếu sử dụng thông tin tài chính và do vậy, quyết định đặc điểm của thông tin tài chính được cung cấp.
Hệ thống chính trị xác định cơ chế kinh tế của một quốc gia, và vì vậy, xác định mô hình kế toán. Một hệ thống kế toán có ích cho nền kinh tế quản lý tập trung phải khác với hệ thống kế toán tối ưu cho một nền kinh tế thị trường. Nhân tố này còn được đề cập dạng các thể chế chính trị trong đó Nhà nước can thiệp nhiều hay ít vào nền kinh tế.
Hệ thống chính trị cũng phát triển ra bên ngoài và du nhập các chuẩn mực và thông lệ kế toán. Chẳng hạn như việc nước Đức đã sử dụng chính trị để ảnh hưởng đến kế toán tại Nhật Bản và Thụy Điển.
Môi trường pháp lý có tác động mạnh mẽ đến hệ thống kế toán và BCTC tại các quốc gia. Các nhân tố chủ yếu của môi trường pháp lý tác động đến hệ thống kế toán bao gồm: hệ thống pháp luật; vai trò của Nhà nước và tổ chức nghề nghiệp; và pháp luật về thuế.
Điển luật là hệ thống pháp luật có nền tảng từ hệ thống pháp luật của Pháp, Đức, hiện được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc điểm của nó là sử dụng luật thành văn, dưới dạng các văn bản quy phạm pháp luật. Trong lĩnh vực kế toán, việc soạn thảo và trình bày BCTC được quy định chi tiết trong các đạo luật, thường là Luật Công ty hay Luật Thương mại.
Hofstede (1984) đã đưa ra 5 yếu tố văn hóa quan trọng để giải thích sự tương đồng và khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia trên thế giới, bao gồm: chủ nghĩa cá nhân (Individualism - Idv); khoảng cách quyền lực (Power distance Pd); sự tránh né những vấn đề chưa rõ ràng (Uncertainty avoidance - Uav); nam tính (Masculinity - Mas) và định hướng dài hạn (Long-term orientation - Lto).
Trên cơ sở đó, Gray (1988) đã đưa ra bốn giá trị kế toán có liên quan đến năm yếu tố trên, bao gồm: phát triển nghề nghiệp và kiểm soát theo luật định; thống nhất và linh hoạt; thận trọng và lạc quan; bảo mật và công khai.
Quá trình hòa hợp khu vực và quốc tế trong những năm gần đây cũng có những tác động đáng kể đến hệ thống kế toán và BCTC của các quốc gia. Kết quả của tiến trình toàn cầu hóa là sự gia tăng tính phụ thuộc của các quốc gia trong các luồng đầu tư và thương mại quốc tế, các quyết định về phân bổ nguồn lực, giá cả, các giao dịch quốc tế.
Quá trình toàn cầu đã dẫn đến nhu cầu phải có một tiêu chuẩn thống nhất trình bày và công bố thông tin về BCTC. Kết quả tất yếu của yêu cầu này là quá trình hòa hợp và hội tụ kế toán giữa các quốc gia trên thế giới.
Một số nhận xét
Kế toán và sự phát triển của hệ thống kế toán và BCTC không tách rời mà phản ánh và tác động của môi trường kinh tế, chính trị, pháp lý và văn hóa tại mỗi quốc gia và khu chịu vực. Các nhân tố này không độc lập mà có mối quan hệ với nhau khá chặt chẽ. Chẳng hạn, các quốc gia theo điển chế luật phần lớn có thị trường vốn không mạnh và kế toán có mối quan hệ với thuế, các giá trị kế toán thiên về hướng thận trọng, bảo mật, thống nhất và tuân thủ. Ngược lại, các quốc gia theo hướng thông luật có nguồn cung cấp vốn chủ yếu từ thị trường vốn, không có quan hệ chặt chẽ giữa kế toán và thuế, các giá trị kế toán thiên về hướng minh bạch, linh hoạt và phát triển nghề nghiệp.
Quá trình hòa nhập khu vực và quốc tế tuy không phải là nhân tố trực tiếp song nó là yếu tố gián tiếp có tác động quan trọng đến hệ thống kế toán và BCTC tại nhiều quốc gia.
Việc xác định các nhân tố, phạm vi ảnh hưởng và khả năng tác động của nó đến hệ thống kế toán và BCTC cần được xem xét trong những điều kiện cụ thể của quá trình phát triển hệ thống kế toán tại từng quốc gia.
Bởi lẽ, bản thân các nhân tố này thường xuyên thay đổi, có mối quan hệ đan xen với nhau và với nhiều nhân tố khác. Với sự đa dạng trong mô hình phát triển của các quốc gia, ngày càng có thêm nhiều nhân tố được nhận diện và phân tích.