4 tháng đầu năm, ngành Thuế thu đạt 46,3% dự toán
Nhờ triển khai các giải pháp quản lý điều hành quyết liệt, linh hoạt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan Thuế quản lý đạt 544.215 tỷ đồng, bằng 46,3% dự toán.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế cho thấy, số thu NSNN do cơ quan Thuế quản lý trong tháng 4 đã đạt con số khích lệ với khoảng 136.000 tỷ đồng, đạt 113,6% so với dự toán và bằng 113,6% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 4 tháng, tổng thu ngân sách đạt 544.215 tỷ đồng, bằng 46,3 % dự toán. Trong đó thu từ dầu thô ước đạt 24.096 tỷ đồng, bằng 85,4% so với dự toán.
Tổng cục Thuế cho biết, để đạt được số thu trên, thực hiện Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, Quyết định số 2047/QĐ-TTg ngày 03/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán NSNN năm 2022, các quyết định của Bộ Tài chính về giao dự toán thu, chi NSNN năm 2022 và Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2022 của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã triển khai đồng loạt các giải pháp điều hành linh hoạt, quyết liệt.
Cụ thể, ngay từ cuối năm 2021, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 5093A/TCT-DT ngày 24/12/2021 về việc triển khai dự toán thu ngân sách năm 2022. Tại Công văn, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện dự toán thu NSNN.
Ngay trong những ngày đầu năm 2022, toàn ngành Thuế đã phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao. Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan Thuế các cấp rà soát lại toàn bộ các nguồn thu trên địa bàn để đăng ký mức phấn đấu tăng thu năm 2022 so với số dự toán đã được Chính phủ, HĐND, UBND giao, đảm bảo hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-CP.
Cơ quan Thuế các cấp đã tăng cường công tác quản lý hóa đơn bán hàng, đẩy mạnh hiện đại hóa, điện tử hóa ở tất cả các khâu quản lý thuế. Tiếp nối triển khai thành công hóa đơn điện tử (HĐĐT) giai đoạn 1 ngày 24/02/2022 tại 6 địa phương, ngày 21/04/2022 tiếp tục triển khai giai đoạn 2 đồng loạt tại 57 địa phương trên toàn quốc theo Quyết định số 206/QĐ -BTC đảm bảo hoàn thành triển khai thực hiện HĐĐT toàn quốc từ ngày 01/07/2022, góp phần xây dựng dữ liệu hóa đơn, dữ liệu người nộp thuế để áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu lớn, phục vụ cho công tác quản lý thuế chặt chẽ.
Đối với công tác triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho NNT, ngành Thuế đã mở rộng ứng dụng eTax trên nền tảng Web sang ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax - Mobile) cho NNT là cá nhân, hộ kinh doanh. Việc triển khai ứng dụng eTax - Mobile cho doanh nghiệp, ngành Thuế đã tạo thuận lợi và đảm bảo an toàn, bảo mật khi tra cứu các thông tin về nghĩa vụ thuế, thông tin đăng ký về mã số thuế cá nhân, nhận thông báo thuế, nộp thuế điện tử thông qua liên kết với tài khoản ngân hàng và sử dụng các tiện ích khác... góp phần thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã triển khai Cổng Thông tin điện tử dành riêng cho các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện quyền kê khai, nộp thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Cổng Thông tin điện tử dành riêng cho các nhà cung cấp nước ngoài được đánh giá đã mang lại tiện ích tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế là nhà cung cấp nước ngoài ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều có thể đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế Việt Nam thông qua cổng TTĐT này.
Trong 4 tháng vừa qua, cơ quan Thuế cũng tập trung triển khai tiếp nhận thông tin số định danh cá nhân phục vụ rà soát, chuẩn hóa thông tin người nộp thuế trên hệ thống quản lý cơ quan thuế. Cơ quan thuế tiếp nhận thông tin, sử dụng làm mã số thuế cá nhân, mã số người phụ thuộc và cập nhật, quản lý tình trạng hoạt động của người nộp thuế, chống thất thu NSNN...
Về công tác hoàn thuế, toàn Ngành tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp công tác quản lý thu, tập trung kiểm tra, rà soát toàn bộ số DN đăng ký kinh doanh để xác định chính xác, số DN tạm nghỉ kinh doanh, số DN báo ngừng hoạt động; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo hoàn thuế đúng quy định của pháp luật.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 1633/QĐ-TCT ngày 17/11/2021 giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2022 cho Cục Thuế tỉnh, thành phố; Ban hành Quyết định số 1968/QĐ-TCT ngày 24/12/2021 phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022. Triển khai Khóa đào tạo kiến thức, kỹ năng công tác thanh tra, kiểm tra thuế cho công chức thuộc cơ quan Tổng cục Thuế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế...
Đồng thời, toàn ngành Thuế đã rà soát toàn bộ số nợ thuế đến ngày 31/12/2021, triển khai Công văn số 329/TCT-QLN ngày 28/01/2022 giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2022 cho các Cục Thuế địa phương. Trong đó, triển khai giao nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, Chi cục Thuế, mục tiêu thu tối thiểu 80% số tiền nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2021 chuyển sang và giảm số tiền nợ thuế trên tổng số thu NSNN năm 2022, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản thi hành, động viên kịp thời nguồn lực cho NSNN...