5 tháng, cơ quan BHXH đã thanh tra, kiểm tra tại 6.359 đơn vị
5 tháng đầu năm 2019, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6.359 đơn vị, trong đó: thanh tra chuyên ngành đóng tại 2.562 đơn vị; kiểm tra tại 2.921 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 876 đơn vị.
Qua thanh tra, kiểm tra, BHXH các tỉnh, thành phố đã phát hiện 7.024 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng gần 28,6 tỷ đồng; 6.713 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng trên 5 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện đóng nộp số tiền nợ BHXH, BHYT trong thời gian thanh tra là hơn 205,7 tỷ đồng.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 31/5/2019, Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) đã chủ trì thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN tại 5 tỉnh: Bình Dương, Phú Yên, Bắc Ninh, Quảng Nam, Cao Bằng; phối hợp với Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra tại tỉnh Nghệ An, Cà Mau và Lào Cai.
Qua thanh tra tại 4 tỉnh (Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Ninh, Cà Mau) đã phát hiện 428 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng hơn 1 tỷ đồng; 1.580 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng trên 2,3 tỷ đồng. Kết quả, tổng số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong thời gian thanh tra là hơn 15,2 tỷ đồng.
Để đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả, thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và thanh tra đột xuất; tổ chức trao đổi, tập huấn nghiệp vụ, đặc biệt là tập huấn kỹ năng cho cán bộ để nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra; tiếp tục phối hợp hoàn thiện phần mềm nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra để triển khai ứng dụng toàn quốc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường theo dõi, đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra của BHXH các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố hàng tháng báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động, kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý; tập trung đẩy mạnh thanh tra đột xuất đối với những đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, đặc biệt tại các đơn vị có số nợ lớn. Đồng thời, chuyển hồ sơ những đơn vị không thực hiện quyết định thanh tra đến cơ quan Công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Cùng với các biện pháp trên, ngành BHXH tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng công tác thanh tra chuyên ngành đẻ đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách, đồng thời ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.