Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021–2030

Trần Huyền

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Quyết định số 1993/QĐ-BTC về kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 của Bộ Tài chính nhằm triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/03/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Bộ phận một cửa Bộ Tài chính.
Bộ phận một cửa Bộ Tài chính.

Kế hoạch được ban hành nhằm hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì thực hiện, góp phần thiết thực vào việc thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường lồng ghép vấn đề giới trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính 

Kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thực tế công tác bình đẳng giới của Bộ Tài chính giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong triển khai các nhiệm vụ. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chủ động, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Mục tiêu tổng quát hướng đến tăng cường lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã được Chính phủ ban hành; thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ được thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch là bảo đảm kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án về bình đẳng giới sau khi được duyệt; Hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình, dự án về bình đẳng giới đã được phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.

Về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, Bộ Tài chính phấn đấu có ít nhất 01 lãnh đạo Bộ là nữ; 50% các đơn vị có tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đạt 30% trở lên thì có lãnh đạo đơn vị là nữ; cơ cấu, tỷ lệ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng cán bộ nữ từ 25% trở lên.

Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo sự bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Bộ Tài chính phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 50% công chức, viên chức nữ có trình độ thạc sỹ /tổng số công chức, viên chức có trình độ thạc sỹ; đạt tỷ lệ 30% và đến 2030 đạt tỉ lệ 35% công chức, viên chức nữ có trình độ tiến sỹ /tổng số công chức, viên chức có trình độ tiến sỹ; 

Trong mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính cũng phấn đấu, từ năm 2025 trở đi, 100% tổ chức Đảng, đoàn thể, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, trực thuộc Bộ được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới; 100% văn bản có liên quan đến bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Tài chính thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính được lồng ghép, ban hành theo quy định. 

Đồng thời, nội dung về bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ; phấn đấu đạt tỷ lệ 100% sinh viên, học viên được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới; Có thông tin, chuyên mục về công tác phụ nữ, bình đẳng giới đăng tải trên Trang thông tin nội bộ của Bộ và thực hiện cập nhật thường xuyên các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình triển khai công tác phụ nữ, bình đẳng giới của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Hàng năm tổ chức triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch đã đề ra các giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ; tăng cường thúc đẩy thực hiện chính sách đối với cán bộ nữ, như: quy định cụ thể về tỷ lệ quy hoạch cán bộ nữ đối với từng chức danh lãnh đạo; bố trí sắp xếp công việc để cán bộ nữ tham gia đầy đủ các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo theo quy định; bố trí sắp xếp công việc phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện sức khỏe. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Tăng cường giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng hợp tác quốc tế, sử dụng hợp lý nguồn kinh phí, nguồn tài trợ và có chính sách, chế độ thích hợp, tạo điều kiện để khuyến khích cán bộ nữ tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.

Ngoài ra, các đơn vị tăng cường lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, kế hoạch hoạt động của Bộ Tài chính và của các cơ quan, đơn vị; Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; Chủ động, tăng cường hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ về bình đẳng giới nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả Kế hoạch này. 

Tại Kế hoạch, Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng của Bộ trong triển khai thực hiện các nội dung công tác kiên quan đến bình đẳng giới.