Cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước với hành trình “Về nguồn” nhân kỷ niệm ngày tái thành lập hệ thống

Minh Tú

Nhân dịp kỷ niệm 32 năm ngày tái thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước (1/4/1990 - 01/4/2022), cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh và hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây” tại Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà máy in tiền tại Đồn điền Chi Nê (thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình).

Cán bộ, công chức KBNN dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cán bộ, công chức KBNN dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kể từ khi tái thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước (ngày 1/4/1990) đến nay, trong 32 năm qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã không ngừng được gây dựng, củng cố và hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; từng bước nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ công chức; đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính và tăng cường thanh tra, kiểm tra, duy trì kỷ cương, kỷ luật của hệ thống. Các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước qua các thời kỳ luôn giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Nhằm ôn lại lịch sử, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và khơi dậy lòng tự hào, yêu ngành, yêu nghề của đội ngũ công chức hệ thống KBNN, ngày 29/3/2022, KBNN đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây” tại Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà máy in tiền tại Đồn điền Chi Nê.

Đoàn cán bộ, công chức KBNN thăm quan máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Đoàn cán bộ, công chức KBNN thăm quan máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Đây là nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam (1946 – 1947) được Chính phủ, Bộ Tài chính và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt tại Đồn điền Chi Nê nay thuộc địa bàn xã Phú Nghĩa, Huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Nhà máy in tiền đầu tiên gắn với công lao to lớn của nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện, năm 1946 ông đã mua lại nhà in Tô-panh của Pháp và hiến một phần đồn điền Chi Nê để xây dựng nhà máy in tiền, đây là một trong những cơ sở đầu tiên của nền tài chính quốc gia.

Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền tại Đồn điền Chi Nê là chứng tích về một thời kỳ cách mạng hào hùng của cả dân tộc. Chính tại nơi đây, tờ bạc 100 đồng Việt Nam ra đời, mang theo sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng, góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ đối với thực dân Pháp. Khu di tích này được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2007.

Tháng 5/2019, công trình Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân nhân Nhà máy in tiên tại Đồn điền Chi Nê, huyện Lạc Thủy chính thức được khánh thành thực sự là niềm vinh dự, tự hào cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh và của ngành Tài chính cả nước.

Ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình nhà tư sản Đỗ Đình Thiện và những người có công với cách mạng trong thời kỳ đầu đặt nền móng xây dựng ngành Tài chính quốc gia, Đoàn cán bộ, công chức KBNN do Tổng Giám đốc Trần Quân làm trưởng đoàn đã kính cẩn dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tưởng nhớ tới công lao đóng góp của các bậc tiền bối và anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập tự do cho đất nước. Trong thời khắc trang trọng của buổi lễ, các cán bộ, công chức KBNN nguyện đoàn kết, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bậc tiền bối đã có công với đất nước.

Cán bộ, công chức KBNN đã thực hiện trồng cây lưu niệm tại khuôn viên khu tưởng niệm
Cán bộ, công chức KBNN đã thực hiện trồng cây lưu niệm tại khuôn viên khu tưởng niệm

Cũng tại khu di tích, đoàn cán bộ, công chức KBNN đã thực hiện trồng cây lưu niệm tại khuôn viên khu tưởng niệm. Việc làm này có ý nghĩa tích cực và sức lan tỏa rộng lớn, góp phần giữ gìn, tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng, để trở thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Hành trình “Về nguồn” để lại ý nghĩa sâu đậm trong mỗi cán bộ, công chức KBNN. Qua chương trình về nguồn, các cán bộ, công chức KBNN hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử và sự cống hiến của các thế hệ đi trước, từ đó phát huy nét son truyền thống đoàn kết và quyết tâm giữ vững kỷ cương, kỷ luật; xây dựng hệ thống KBNN phát triển toàn diện và vững chắc; phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.