Khai, nộp lệ phí trước bạ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia: Dấu ấn cải cách, hiện đại hóa ngành Tài chính


Sáng ngày 19/8/2020, Văn phòng Chính phủ chính thức công bố dịch vụ công thứ 1.000 về kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong công tác cải cách, hiện đại hóa, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Người dân, doanh nghiệp có thể thuận tiện khai, nộp lệ phí trước bạ mà không phụ thuộc thời gian, địa giới hành chính...
Người dân, doanh nghiệp có thể thuận tiện khai, nộp lệ phí trước bạ mà không phụ thuộc thời gian, địa giới hành chính...

Khai, nộp lệ phí trước bạ không phụ thuộc thời gian, địa giới hành chính

Để triển khai dịch vụ công thứ 1.000 về kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải) hoàn thiện việc tích hợp dịch vụ khai, nộp lệ phí trước bạ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia từ ngày 15/8/2020 nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Cùng với đó, ngành Thuế đã nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tích hợp hệ thống quản lý thuế với hệ thống Cổng thông tin dịch vụ quốc gia. 

Ngay sau khi dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, người dân có tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có thể vào kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô, xe máy trực tuyến mà không phụ thuộc thời gian, địa giới hành chính. 

Đồng thời, sau khi hoàn thành các bước kê khai, người khai sẽ nhận được tin nhắn thông báo mã hồ sơ, số tiền để thực hiện nộp lệ phí điện tử ngay trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Với dịch vụ công trực tuyến này, thay vì phải thực hiện các thủ tục qua hồ sơ bằng giấy mất nửa ngày, thì nay người khai chỉ mất khoảng 10 phút là hoàn thành xong các thủ tục.

Thể hiện nỗ lực cải cách, hiện đại hóa phục vụ người dân, doanh nghiệp

Dịch vụ công đăng ký ô tô, xe máy trực tuyến là dịch vụ liên quan đến nhiều cơ quan từ cơ quan công an, đăng kiểm, thuế, hải quan... để liên thông đăng ký ô tô, xe máy và cấp biển. Để đưa dịch vụ công này tích hợp trên Cổng Dịch vụ quốc gia là sự nỗ lực lớn của các cơ quan liên quan thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan), Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn VNPT… nhằm cung cấp sự thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19, thông qua đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, không phụ thuộc thời gian, vị trí địa lý. Hiện người dân, doanh nghiệp chỉ cần ngồi một chỗ đăng nhập một lần trên Cổng Dịch vụ quốc gia để thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, dịch vụ công thứ 1.000 là dịch vụ rất quan trọng và rất khó bởi lần đầu tiên triển khai và phải cấu trúc lại quy trình thủ tục. Dịch vụ công này được vận hành chính là sản phẩm thay đổi tư duy, cách quản lý, là hành động cụ thể về cải cách, hiện đại hóa, xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp.

Như vậy, sau hơn 8 tháng vận hành, từ chỗ mới cung cấp 8 dịch vụ công vào thời điểm khai trương (9/12/2019), ngày 19/8/2020 là thời điểm đánh dấu mốc 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Riêng Bộ Tài chính đã triển khai 959 dịch vụ công trực tuyến, trong dó, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã công khai tích hợp 269 dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính, điển hình là dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác.

Tính đến ngày 18/8/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 227.000 tài khoản đăng ký; hơn 58 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ; hơn 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 246.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, tính trung bình hiện nay mỗi ngày làm việc Cổng tiếp nhận, xử lý khoảng 4.000 hồ sơ trực tuyến; tiếp nhận, xử lý hơn 23.000 cuộc gọi tới tổng đài và hơn 7.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng mới đưa vào vận hành từ tháng 3/2020 nhưng cũng đã xử lý gần 7.000 giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó số lượng giao dịch từ tháng 7/2020 trở lại đây là hơn 4.000 giao dịch.