Lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện

Việt Hoàng

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vừa diễn ra ngày 26/9/2022.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: chinhphu.vn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: chinhphu.vn

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng tình với ý kiến của các bộ, ngành, địa phương khi nhận diện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 cũng như nhiều năm qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, các Bộ, ngành đã "gọi tên" 25 loại tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên,  nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa được như kỳ vọng là do nhiều Bộ, ngành, địa phương vẫn còn thiếu quan tâm, sâu sát; người đứng đầu nhiều nơi chưa làm tròn trách nhiệm đối với công tác giải ngân đầu tư công; kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai kế hoạch đầu tư công còn chưa nghiêm; công tác phối hợp còn chưa chặt chẽ, chưa thực chất, không hiệu quả; năng lực chuẩn bị dự án và tổ chức thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, nhiều bộ, ngành, địa phương năng lực chuyên môn về quản lý, triển khai dự án còn yếu; năng lực nhà thầu chưa đáp ứng nhu cầu; đặc biệt xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm ở một số nơi...

Nêu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn nêu rõ, trong hơn 542 nghìn tỷ đồng tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (NSNN) Thủ tướng giao đầu năm 2022 cho các Bộ, ngành, tính đến cuối tháng 9/2022 vẫn còn 11 bộ, ngành và 2 địa phương chưa giao hết kế hoạch. 

Theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng là do hạn chế trong công tác tổ chức triển khai thực hiện, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án đủ thủ tục. Cụ thể, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, ngoài nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, khó khăn chủ yếu liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện. Chẳng hạn, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao, còn tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục". Kế hoạch thường dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định, kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc phê duyệt, công bố giá xây dựng tại các địa phương chưa kịp thời, sâu sát với thị trường, gây bị động cho chủ đầu tư và nhà thầu, dẫn đến chậm triển khai dự án, trì trệ trong giải ngân.

Đồng thời, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì bị vướng về quy hoạch, địa điểm, phải điều chỉnh đơn giá dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án. Cũng theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, năng lực của ban quản lý dự án có nơi, có chỗ còn chưa chuyên nghiệp. Một số những nội dung hợp đồng của chủ đầu tư và nhà thầu chưa rõ ràng và việc nghiệm thu thanh toán của chủ với nhà thầu còn chậm chễ...

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, giải pháp trước mắt là các bộ, ngành, địa phương cần chủ động điều chỉnh trong phạm vi quyền hạn của mình; Quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư; Nêu cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND Thành phố trong việc chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện dự án.

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc quan trọng trước mắt là các địa phương phải thông báo giá xây dựng kịp thời với tình hình thực tiễn để xử lý vấn đề về giá đối với các dự án và giải quyết thấu đáo mối quan hệ của chủ đầu tư - nhà thầu trong các hợp đồng; song song với đó, các Bộ, ngành địa phương cũng cần chuẩn bị xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023 sát với khả năng thực hiện.