Áp dụng quản lý rủi ro ISO 31000 trong doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, mọi hoạt động trong tổ chức, doanh nghiệp đều tiềm ẩn xảy ra rủi ro khiến việc đạt được mục tiêu trở lên không chắc chắn. Do vậy, quản lý rủi ro theo ISO 31000 là một trong những giải pháp quan trọng giúp tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Từ lý thuyết
Quản lý rủi ro là quá trình nhận diện, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát. Nhiệm vụ của quản lý rủi ro là giúp tổ chức, doanh nghiệp nhận diện, thực hiện những chương trình ngăn chặn và kiểm soát tổn thất thông qua việc xem lại các hợp đồng và tài khoản liên quan nhằm quản lý rủi ro; cung cấp việc huấn luyện an toàn lao động.
Bên cạnh đó, việc này cũng nhằm đảm bảo tuân theo những yêu cầu của các Chính phủ liên quan đến sắp xếp những kế hoạch tài trợ phi bảo hiểm; quản lý các khiếu nại và làm việc với đại diện pháp lý khi có kiện tụng; thiết kế và phối hợp hình thành những chương trình phúc lợi công nhân…
Chính vì vậy, tháng 11/2009, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành ISO 31000:20091 - tiêu chuẩn về quản lý rủi ro - với mục đích giúp tất cả các doanh nghiệp, tổ chức quản lý rủi ro một cách hiệu quả nhất.
Theo đó, yêu cầu chung của bộ Tiêu chuẩn ISO 31000:2009 bao gồm đánh giá nguyên tắc và hướng dẫn cung cấp các nguyên tắc, khuôn khổ và hình thức quản lý rủi ro một cách minh bạch, hệ thống và đáng tin cậy trong bất kỳ phạm vi hoặc môi trường hoạt động của tổ chức.
Tiêu chuẩn ISO 31000 nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan, bao gồm những người chịu trách nhiệm xây dựng chính sách quản lý rủi ro trong tổ chức; những người có trách nhiệm đảm bảo rằng rủi ro được quản lý hiệu quả trong phạm vi toàn bộ tổ chức hoặc trong một lĩnh vực, dự án hay hoạt động cụ thể...
Theo các chuyên gia, quản lý rủi ro đang là vấn đề lớn đối với các nhà điều hành hay quản lý doanh nghiệp. Vì vậy, việc áp dụng ISO 31000 sẽ là một trong những “công cụ” hữu hiệu hỗ trợ cho những chủ doanh nghiệp, giám đốc tài chính, giám đốc điều hành, những người đánh giá điều hành một tổ chức trong việc quản lý rủi ro.
Đến thực tế triển khai
Tại Việt Nam, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức áp dụng tiêu chuẩn quản lý rủi ro ISO 31000 vào hoạt động và đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Chẳng hạn, Dự án áp dụng ISO 31000 tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang (TP. Hồ Chí Minh) là một ví dụ điển hình. Công ty này đã được hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo ISO 31000 cho toàn bộ hoạt động. Phương pháp thực hiện chủ yếu là dựa vào thực hành, các bước thực hiện dưới đây phần lớn liên quan đến việc đánh giá ban đầu, đào tạo doanh nghiệp, thực hành hệ thống quản lý rủi ro; đánh giá hiệu quả và cải tiến.
Trong phương pháp này, nhóm dự án trực tiếp cùng đại diện doanh nghiệp thực hành các công cụ cải tiến tại chỗ, đo lường kết quả thực hành trước và sau khi cải tiến để xác định mức độ cải tiến bằng định lượng.
Hệ thống quản lý rủi ro của Điện Quang được thiết lập theo chuẩn mực quốc tế ISO 31000:2009, bao gồm: chính sách, mục tiêu quản lý rủi ro; khuôn khổ rủi ro; quy trình quản lý rủi ro; danh mục rủi ro và danh mục rủi ro đáng kể (tổng cộng hơn 230 rủi ro đã được nhận dạng). Bên cạnh đó là các phân tích, đánh giá và xác định mức độ ảnh hưởng của các rủi ro; các giải pháp hạn chế rủi ro và kế hoạch xử lý giảm thiểu rủi ro đáng kể.
Theo đó, hệ thống quản lý rủi ro theo ISO 31000 được áp dụng cho toàn thể các phòng ban của Công ty Điện Quang. Trong quá trình triển khai, Công ty đã nhận dạng và xác định được 17 rủi ro đáng kể để tập trung theo dõi và xử lý. Kết quả đã xử lý được 12/17 rủi ro (chiếm 70,5%), giảm thiểu so với trước khi áp dụng ISO 31000 theo số liệu thống kê.
Lãnh đạo Công ty cho biết, Điện Quang đã xây dựng được hệ thống quản lý rủi ro theo ISO 31000 phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm kiểm soát thường xuyên các rủi ro, giảm thiểu các rủi ro, tổn thất có thể xảy ra.
Việc áp dụng hệ thống quản lý rủi ro giúp Công ty chủ động trong nhận dạng và quản lý các rủi ro, ngăn ngừa tổn thất và quản lý sự cố có thể xảy ra thông qua việc chủ động thống kê và theo dõi đo lường kết quả xử lý rủi ro hàng tháng.
Trong khi đó, các đơn vị, phòng ban am hiểu các quy trình, công cụ, kỹ thuật để quản lý rủi ro, nâng cao tinh thần học hỏi và làm việc nhóm của toàn thể nhân viên trong quá trình xây dựng và áp dụng; nâng cao khả năng ứng biến của các phòng ban/cá nhân khi gặp rủi ro trong công việc hàng ngày.
Trên cơ sở quy định về đánh giá tính hiệu quả của việc áp dụng hệ thống quản lý rủi ro, Công ty cổ phần Bóng Đèn Điện Quang đã giảm thiểu được 70,5% trên tổng số các rủi ro đáng kể xác định từ đầu.
Kết quả này cho thấy, việc quản lỷ rủi ro đã được ban lãnh đạo và các phòng ban tích cực trong việc thực hiện các giải pháp kiểm soát tốt các rủi ro.