Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường giúp hạn chế tác hại của việc lạm dụng đường

Hoàng Minh

Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, TS. BS. Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường có thể gây hại cho sức khỏe. Theo đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là một trong những giải pháp hạn chế sự lạm dụng đường, nhằm bảo vệ sức khỏe.

Phóng viên: Việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường tác động như thế nào tới sức khỏe, thưa bác sĩ?

TS. BS. Trương Hồng Sơn: Ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có đường với sức khỏe đã được nghiên cứu và công bố rất nhiều, là một trong những nguyên nhân chính gây tăng cân, béo phì, bệnh tiểu đường, sâu răng, tăng nguy cơ mắc bệnh gout, bệnh tim mạch, khả năng sinh sản, tử vong sớm...

Đồ uống có đường thường chứa đường Fructose - chất không làm giảm hormone đói ghrelin hoặc kích thích cảm giác no giống như glucose, do đó, khiến người uống dễ tăng cân. Nghiên cứu những người uống nước ngọt có đường cùng với chế độ ăn uống hiện tại của họ đã tiêu thụ tăng nhiều hơn 17% calo so với trước đây. Đối với trẻ em, việc uống nước ngọt hàng ngày có liên quan đến việc tăng 60% nguy cơ béo phì.

Những người tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên hơn một lon mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, cao hơn 26% so với những người hiếm khi tiêu thụ những đồ uống như vậy. Lượng đường trong nước ngọt khá lớn, buộc các tế bào tuyến tụy phải tăng tiết insulin để chuyển hóa đường. Tình trạng này kéo dài dễ dẫn tới hiện tượng kháng insulin - gây đái tháo đường. Tiêu thụ soda cũng khiến gia tăng gấp đôi nguy cơ sâu răng ở trẻ em và tăng khả năng bị sâu răng ở người lớn.

Nghiên cứu kéo dài 22 năm trên 80.000 phụ nữ cho thấy, những người uống một lon đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn 75% so với những phụ nữ hiếm khi uống đồ uống như vậy. Các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ tương tự cũng tăng ở nam giới.

Ngoài ra, lạm dụng đồ uống có đường tác động tiêu cực đến cholesterol trong cơ thể. Trẻ uống quá nhiều nước ngọt có ga sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, dẫn tới tình trạng trẻ bị thiếu canxi, không đủ canxi để tăng chiều cao…

TS. BS. Trường Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam.
TS. BS. Trường Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam.

Phóng viên: Rõ ràng đồ uống có đường không tốt cho sức khỏe, nhưng tại sao lại hấp dẫn nhiều người như vậy?

TS. BS. Trương Hồng Sơn: Thức uống có đường các loại phần lớn chứa đường, chất caffein, một vài loại vitamin (nước tăng lực), một vài loại chứa lượng ít nước trái cây nguyên chất và gas.

Việc dung nạp lượng đường lớn kích thích cơ thể giải phóng chất dopamine trong vùng nhân não có tên là nucleus accumbens (khu vực tạo ra những xung thần kinh khiến ta có cảm giác dễ chịu khi được thỏa mãn), từ đó tạo cảm giác sảng khoái cho người uống. Hiệu ứng từ dopamine dâng cao trong não bộ xảy ra và biến mất rất nhanh khiến não bộ bị kích thích và muốn thêm nữa. Nghiên cứu cho thấy, đường thậm chí còn hấp dẫn và kích thích não bộ hơn cả cocaine. Về lâu dài, sẽ bị lệ thuộc (nghiện) loại thức uống này.

Bên cạnh đó, các loại nước giải khát có ga còn có caffein – một chất kích thích phổ biến có tính gây nghiện. Đồng thời, sự bão hòa CO2 khiến mọi loại đồ uống có tính gây nghiện cao hơn. Những bong bóng CO2 này làm tăng một chút tính acid cho đồ uống, mà khi kết hợp với đường, sẽ làm tăng cảm giác sảng khoái cho người uống, đồng thời, làm giảm vị ngọt trong đường ở mức vừa đủ để khiến người ta muốn uống thêm.

Phóng viên: Hiện nay, nhiều quốc gia đang áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân. Ở nước ta, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với những sản phẩm đồ uống có đường. Ông có ý kiến gì về đề xuất này?

TS. BS. Trương Hồng Sơn: Nhiều nước đã có những chính sách áp dụng thuế với đồ uống có đường và đạt được những kết quả nhất định. Tại Mỹ, ví dụ mức tiêu thụ ở thành phố Berkeley đã giảm 21% một năm sau khi đánh thuế nước ngọt. Sau 3 năm, người dân Berkeley chỉ uống một nửa lượng soda so với trước thuế và tiêu thụ nhiều nước hơn 29%.

Hoặc tại Anh, tổng lượng đường bán ra trong nước ngọt của các nhà bán lẻ và nhà sản xuất đã giảm 35,4% trong giai đoạn 2015-2019, từ 135.500 tấn xuống 87.600 tấn. Trong cùng thời kỳ, hàm lượng đường trung bình theo doanh số của nước giải khát đã giảm 43,7%, từ 5,7g/100ml xuống 2,2g/100ml. Doanh số bán đồ uống không tính thuế (đường dưới 5g/100ml ) tăng 54,2%, trong khi doanh số bán đồ uống có đường cao trê 79,1% và 54,8%.

Còn tại Ả rập Xê út - quốc gia có tỷ lệ béo phì trong top thế giới, nghiên cứu cho thấy mức tiêu thụ nước ngọt giảm 19% sau khi áp thuế, đặc biệt là ở người béo phì so với người bình thường. Trước khi bị đánh thuế, việc không uống nước ngọt giảm 16% nguy cơ béo phì và sau khi đánh thuế, việc không uống nước ngọt giảm 32% nguy cơ béo phì.

Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhìn nhận, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm đồ uống có đường như một biện pháp hữu hiệu và khả thi để giảm mua đồ uống có đường và góp phần giảm gánh nặng thừa cân, béo phì và giảm các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống.

Về ý kiến các nhân của tôi, việc sử dụng chính sách thuế để bảo vệ sức khỏe cộng đồng là cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cân nhắc về lộ trình hợp lý để có biện pháp hiệu quả.

Phóng viên: Một số phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường được đưa ra như: theo lít, theo hàm lượng đường, áp thuế 40% giá xuất xưởng và áp thuế 10% giá xuất xưởng. Nếu lựa chọn phương án áp thuế đối với mặt hàng này, đâu là phương án tối ưu nhất, thưa bác sĩ?

Trong các phương án trên, tôi ủng hộ áp thuế theo hàm lượng (tỷ lệ %) đường trong sản phẩm, giống như đang áp dụng đánh thuế cho bia rượu hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý, cần phân loại rõ đồ uống có đường để áp thuế, chứ không phải tất cả đồ uống có vị ngọt như sữa.

Như đã nói, việc tăng thuế đối nên có lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có thể điều chỉnh, sắp xếp bố trí hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa hạn chế tiêu thụ sử dụng đồ uống có đường nhập lậu, nguồn gốc không rõ ràng kém chất lượng, tránh thất thu thuế, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lộ trình này cần cân nhắc cả về thời gian và mức thuế điều tiết.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!