Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Tỉnh Long An về phát triển kinh tế - xã hội
(Taichinh) - Tiếp theo chương trình công tác về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền, ngày 30/5, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đoàn công tác tiếp tục làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Long An; Thị ủy Kiến Tường và khảo sát thực tế tại Khu Kinh tế cửa khẩu Long An, Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp thuộc địa bàn tỉnh Long An.
Tham dự buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về phía Tỉnh ủy Long Ancó đồng chí Nguyễn Nam Việt, Bí thư Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện UBND và các sở ban ngành của tỉnh… Đại diênBan Chỉ đạo Tây Nam Bộ; đồng chíDương Quốc Xuân, Phó Ban Chỉ đạo cũng đã tham dự buổi làm việc.
Tuyến biên giới Long An có 20 xã thuộc 5 huyện, thị xã với tổng chiều dài đường biên giới hơn 132km tiếp giáp với 17 xã của 4 huyện thuộc hai tỉnh S’vây Riêng và P’Rây Veng của Campuchia. Trên địa bàn tỉnh có Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, Cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây và Cửa khẩu phụ Hưng Điều A. Đời sống kinh tế, xã hội người dân những năm qua được nâng lên trên tất cả các mặt. Mối quan hệ nhân dân hai bên biên giới luôn được tăng cường, củng cố.
Đánh giá về chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền, đồng chí Nguyễn Nam Việt, Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết: Nhìn chung, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và Campuchia đã góp phần củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia, đặc biệt là quan hệ với Campuchia trên lĩnh vực thương mại, an ninh quốc phòng được đảm bảo. Hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh diễn ra khá sôi động và có sự tăng trưởng cao hơn so với các năm trước. Hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội được duy trì ổn định và phát huy.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội trên tuyến biên giới còn hạn chế, nhiều quy định còn chồng chéo nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; nhiều chính sách khó triển khai thực hiện trong thực tế nên tình hình kinh tế - xã hội khu vực biên giới của tỉnh còn nhiều hạn chế, cụ thể như: Điều kiện kinh tế - xã hội vùng biên giới còn nhiều khó khăn trong khi cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 482/QĐ-TTg, ngày 14/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh; Việc triển khai thực hiện Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg, ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền còn nhiều vướng mắc;…
Trao đổi với đoàn công tác về những thách thức trong việc thực hiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế trên tuyến biên giới đất liền, Lãnh đạo Tỉnh ủy Long An cho biết: Suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2009 đến nay đã tác động đến việc phát huy hiệu quả của các cơ chế, chính sách ban hành. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư bị ảnh hưởng nên quy mô đầu tư thu gọn, nguồn vốn đầu tư tập trung vào các dự án khác nhiều tiềm năng hơn so với đầu tư, kinh doanh ở khu vực biên giới còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng; Khu vực biên giới tiếp giáp tỉnh Long An không phải là thị trường thương mại giàu tiềm năng, cơ sở hạ tầng của nước bạn còn nhiều khó khăn; Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp chưa có trong danh mục cửa khẩu được giao nhận hàng hóa theo Hiệp định vận tải đường bộ đã được ký giữa hai chính phủ nên hạn chế phương tiện vận tải hàng hóa và hành khách qua lại cửa khẩu; Kết cấu hạ tầng giao thông khu vực biên giới giữa hai nước chưa đồng bộ;…
Tại buổi làm việc, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Long An đã đề xuất 5 kiến nghị nhằm phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền. Cụ thể, kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới; Xem xét đưa cặp cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Long An) - Prây Vo (S’vây Riêng) và cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (Long An) - Xòm Rông (S’vây Riêng) bổ sung vào Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Campuchia để tạo thuận lợi cho việc phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Long An; Nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông trên tuyến Quốc lộ 62 để tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp; Nâng cấp cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (Long An) lên cửa khẩu quốc tế; Có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu qua biên giới và ngăn chặn người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận những thành quả mà tỉnh Long An đã đạt được. Trao đổi về tình hình phát triển tuyến biên giới đất liền, đồng chí đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cần định hướng và có giải pháp cụ thể, xát hợp với tình hình thực tiễn để phát triển Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp và Khu Kinh tế cửa khẩu Long An. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đã trao đổi, gợi mở một số vấn đề về phát triển tuyến biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh như: Phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu theo hướng phát triển khu chế xuất, tăng cường công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ,…; Xây dựng một chiến lược tổng thể về tuyến biên giới đất liền; Đánh giá đặc thù của tuyến biên giới của tỉnh Long An; Đánh giá tiềm năng, lợi thế của kinh tế biên mậu trên địa bàn tỉnh; Bố trí dân cư biên giới; Củng cố an ninh - quốc phòng và tuyến tuần tra biên giới;…
Sáng cùng ngày, đồng chí Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã làm việc với Thị ủy Kiến Tường và khảo sát thực tế tại Khu Kinh tế cửa khẩu Long An, Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp.
Từ khi Cửa khẩu Quốc gia Bình Hiệp được Thủ tướng Chính phủ nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc tế theo Quyết định số 1853/QĐ-TTg ngày 11/11/2009 đã tổ chức lễ công bố cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp - Prâyvo vào ngày 11/01/2011 thì hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới có tăng trưởng. Kim ngạch xuất nhập khẩu theo hợp đồng thương mại năm 2014 là 8,2 triệu USD. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại 2 chiều tại cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.
Theo đồng chí Bí thư Thị ủy Kiến Tường, nguyên nhân của sự chưa hiệu quả trên là do nút thắt về cơ chế và kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Đồng thời đồng chí cho biết, các chợ trên địa bàn thị xã Kiến Tường thu hút khoảng 4.121 lượt/tháng người dân Campuchia qua lại buôn bán, trao đổi hàng hóa, mặt hàng chủ yếu là hàng nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Chợ phía Campuchia thu hút khoảng 3.183 lượt/tháng người Việt Nam; hàng hóa chủ yếu là hàng nông sản, gia súc, gia cầm, hàng tiêu dùng, đường thốt nốt, bia, rượu, quần áo, vải...