Bàn về tiêu chí giám sát, bảo toàn vốn Nhà nước tại các tập đoàn kinh tế hiện nay
Giám sát tài chính là nhiệm vụ quan trọng của quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Bài viết đánh giá thực trạng giám sát tài chính, bảo toàn vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế và đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam được hình thành trên cơ sở các tổng công ty nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Việc chuyển sang mô hình tập đoàn kinh tế chính là phát triển một phương thức kinh doanh mới tận dụng những cải thiện về môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Sau hơn 20 năm thí điểm thành lập, Việt Nam đã thành lập 12 tập đoàn, tuy nhiên sau khi thực hiện, tái cơ cấu, đến nay còn lại 7 tập đoàn kinh tế nhà nước: Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Bưu chính Viễn thông, Công nghiệp Cao su Việt Nam, Than Khoáng sản Việt Nam; Điện lực Việt Nam; Hoá chất Việt Nam; Viễn thông Quân đội.
Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách giám sát tài chính nhằm bảo toàn, phát triển vốn tại các đơn vị này.
Điển hình như, Nghị định 61/2013/NĐ-CP ngày 25/06/2013 của Chính phủ, về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động, công khai thông tin tài chính đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước; Thông tư 158/2013/TT- BTC ngày 13/11/2013 của Bộ Tài chính, hướng dẫn một số nội dung về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước; Nghị định 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ, về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và DN có vốn nhà nước.
Có thể khẳng định, các chính sách trên đã bước đầu tạo hành lang pháp lý cho việc giám sát tài chính tại các DN có vốn nhà nước nói chung và các tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng. Tuy nhiên, việc bảo toàn và phát triển vốn tại các DNNN và DN có vốn nhà nước cần phải có chỉ tiêu cụ thể về vốn chủ sở hữu và hệ số bảo toàn vốn.
Trước yêu cầu này, ngày 15/12/2015 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 200/2015/TT - BTC hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và DN có vốn nhà nước.
Theo đó, để đánh giá mức độ bảo toàn và phát triển vốn của DN cần sử dụng các chỉ tiêu về: Tổng tài sản; lợi nhuận sau thuế và các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng vốn như: Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA).
Theo kết quả khảo sát tại 7 tập đoàn kinh tế nhà nước cho thấy, 100% tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam đã tiến hành lập Báo cáo giám sát cho chủ sở hữu nhà nước. Đối với từng nội dung giám sát tài chính, các tập đoàn kinh tế nhà nước đều có những tiêu chí để đánh giá, xem xét; 100% các tập đoàn kinh tế được khảo sát đã tiến hành giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn tại tập đoàn, nội dung phân tích tài chính trong giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn được thể hiện thông qua các tiêu chí nhưng phần lớn các tập đoàn kinh tế đều sử dụng chỉ tiêu như: Hệ số bảo toàn vốn; Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Trong đó, hệ số bảo toàn vốn = vốn chủ sở hữu cuối kỳ/vốn chủ sở hữu đầu kỳ. Bên cạnh đó, để phản ánh việc bảo toàn và phát triển vốn, một số tập đoàn kinh tế đã sử dụng thêm các chỉ tiêu tài chính để giám sát, ví dụ: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam sử dụng thêm chỉ tiêu Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu - ROE, Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản - ROA.
Mặc dù vậy, việc xác định các chỉ tiêu ROA và ROE tại các tập đoàn kinh tế hiện nay còn chưa chuẩn xác, tức là thực hiện theo công thức:
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản = (Lợi nhuận sau thuế *100)/Tổng tài sản cuối kỳ
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu = (Lợi nhuận sau thuế *100)/Vốn chủ sở hữu cuối kỳ
Tập đoàn Điện Lực Việt Nam sử dụng thêm chỉ tiêu Mức độ bảo toàn vốn và chỉ tiêu này được xác định như sau:
Mức độ bảo toàn vốn = Vốn chủ sở hữu/Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Với chỉ tiêu (Tổng tài sản – Nợ phải trả)/(Vốn đầu tư của chủ sở hữu + Quỹ đầu tư phát triển + Nguồn vốn đầu tư xây dựng).
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sử dụng thêm chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn chủ sở hữu, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán…
Kết quả khảo sát trên cho thấy, các tập đoàn kinh tế đã thực hiện giám sát tình hình bảo toàn và phát triển vốn, tuy nhiên việc phân tích chỉ dừng lại ở mức độ xem xét, đánh giá thông qua chỉ tiêu vốn chủ sở hữu và hệ số bảo toàn vốn. Một số tập đoàn sử dụng thêm chỉ tiêu để đánh giá việc bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhưng việc xác định chỉ tiêu chưa chuẩn xác. Chính vì vậy, sẽ khó đánh giá một cách rõ nét việc bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu tại DNNN.
Để phản ánh rõ nét tình hình bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, ngoài các chỉ tiêu mà các tập đoàn kinh tế đang áp dụng và Thông tư 200/2015/TT- BTC ngày 15/12/2015, cần thiết bổ sung thêm các chỉ tiêu sau: Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu trong nội dung phân tích tài chính để giám sát tình hình bảo toàn và phát triển vốn tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, cụ thể là giám sát trên góc độ toàn tập đoàn và giám sát tại các công ty mẹ, công ty con.
Như vậy, việc giám sát cần được thực hiện thông qua xem xét các chỉ tiêu tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế, hệ số bảo toàn vốn, hệ số nợ trên tài sản, hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh, tỷ suất ROA, ROE. Trong đó, hệ số nợ trên tài sản; hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh, ROA, ROE như sau:
Hệ số nợ trên tài sản = Nợ phải trả/Tổng tài sản
Chỉ tiêu này cho biết, trong tổng tài sản của tập đoàn có bao nhiêu phần được tài trợ từ vốn vay và vốn đi chiếm dụng. Chỉ tiêu này cũng thể hiện mức độ độc lập hay phụ thuộc về mặt tài chính của tập đoàn đối với bên ngoài. Hệ số nợ trên tài sản tăng thể hiện tập đoàn kinh tế không bảo toàn và phát triển được vốn chủ sở hữu
Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh = Tổng doanh thu và thu nhập/Vốn kinh doanh bình quân
Trong đó, tổng doanh thu và thu nhập của tập đoàn = Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ + Doanh thu hoạt động tài chính + Thu nhập khác.
Chỉ tiêu này cho biết, bình quân một đồng vốn tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh trong kỳ, thì tập đoàn kinh tế thu được bao nhiêu đồng doanh thu, thu nhập;
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tài sản (ROA) = (Lợi nhuận sau thuế * 100)/Tài sản bình quân
Chỉ tiêu này cho biết, bình quân 100 đồng vốn tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh trong kỳ thì DN thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế;
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) = (Lợi nhuận sau thuế *100)/ Vốn chủ sở hữu bình quân
Chỉ tiêu này cho biết, bình quân 100 đồng vốn chủ sở hữu tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh trong kỳ thì tập đoàn thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.
Trên đây là một số đề xuất về hệ thống các chỉ tiêu giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn tại các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay. Hy vọng với các chỉ tiêu này thì lãnh đạo tập đoàn kinh tế, chủ sở hữu vốn nhà nước tại tập đoàn và các cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn rõ nét nhất về việc bảo toàn và phát triển vốn tại các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay, để từ đó các giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo giám sát của 7 tập đoàn kinh tế nhà nước: Dầu khí Việt Nam; Bưu chính Viễn thông; Công nghiệp Cao su Việt Nam; Than Khoáng sản Việt Nam; Điệnlực Việt Nam; Hoá chất Việt Nam; Viễn thông Quân đội;
2. Chính phủ: Nghị định 61/2013/NĐ-CP ngày 25/06/2013; Nghị định 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015;
3. Thông tư 158/2013/TT- BTC ngày 13/11/2013; Thông tư 200/2015/TT- BTC ngày 15/12/2015.