Bán vốn, thoái vốn: “Nhà nước chi phối, ít được nhà đầu tư quan tâm”
Thực tế trên thị trường chứng khoán cho thấy, nhà nước bán tỷ lệ lớn cổ phần hoặc bán hết tại doanh nghiệp thường được nhà đầu tư quan tâm và được giá.
Buổi tọa đàm “Vai trò của cải cách doanh nghiệp nhà nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”, do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức ngày 17/4, đề cập đến nhiều vấn đề, dù không mới nhưng vẫn đang diễn tiến hàng ngày.
Trong đó, bán vốn và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một dòng chảy gắn với diễn biến trên thị trường chứng khoán. Giới đầu tư từng kỳ vọng dòng chảy này sẽ tạo sức hút, thúc đẩy sôi động trên sàn. Còn thực tế chưa hẳn vậy.
Nhà đầu tư quan tâm đến tỷ lệ sở hữu
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, sau 12 năm hoạt động, đến nay “siêu tổng công ty” đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 1.055 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 14.800 tỷ đồng.
Đa số các doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận bàn giao có kết quả sản xuất kinh doanh tốt; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân các năm 2013 - 2018 đạt từ 19-20%, tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước lũy kế trên 34.000 tỷ đồng.
Một trong những kết quả ấn tượng tại SCIC là bán vốn, thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp. Đầu mối này đã bán vốn tại 995 doanh nghiệp, với doanh thu đạt hơn 47.000 tỷ đồng trên giá vốn hơn 11.000 tỷ đồng, gấp tới 4,2 lần.
Thế nhưng, không hẳn hoạt động bán vốn, thoái vốn nhà nước nói chung đều có kết quả tốt. Thực tế trong năm 2018 và bước đầu 2019, kế hoạch và tiến độ ở hoạt động này đã không đạt kế hoạch, không tạo được sức hút trên thị trường và nhiều cuộc chào bán thất bại.
Nhìn về nguyên nhân, tại tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban - Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, nêu một điểm kinh nghiệm đáng chú ý.
Theo ông Long, một trong những điểm quan trọng khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là phải xác định rõ tỷ lệ cổ phần nhà nước cần nắm giữ.
“Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nếu phương án cổ phần hóa xác định nhà nước giữ tỷ lệ chi phối thì ít được các nhà đầu tư quan tâm; những doanh nghiệp bán với tỷ lệ lớn hoặc bán hết phần vốn nhà nước được các nhà đầu tư quan tâm và trả giá cao hơn”, đại diện của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đúc kết.
Hiệu quả đổi mới, hút vốn bị hạn chế
Trong đúc kết trên, khi ít được nhà đầu tư quan tâm, khó bán được giá thì khó thu hút và gia tăng được nguồn lực bên ngoài vào đổi mới, thúc đẩy doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Long cũng cho rằng, những doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ còn cao thì hiệu quả do cổ phần hóa mang lại từ việc đổi mới quản trị doanh nghiệp và thu hút vốn bên ngoài vào doanh nghiệp rất hạn chế.
Không xa, ngay đầu năm 2019, thị trường chứng khoán vừa chứng kiến “game” thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Viglacera - Công ty Cổ phần (mã chứng khoán VGC), qua đầu mối Bộ Xây dựng, sau thất bại trong năm 2018.
Việc tách lô thoái và Bộ Xây dựng vẫn giữ lại 36% vốn điều lệ để nắm quyền phủ quyết tại VGC, đến nay vẫn là điểm được giới đầu tư nhìn nhận ở sự thiếu hấp dẫn, khó tạo cạnh tranh trong đấu giá để tăng tiềm năng thành công cho kế hoạch thoái vốn.
Trước nữa, thị trường cũng chứng kiến hơn hai năm chật vật của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) trong kế hoạch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Do đặc thù ngành, nhà nước vẫn giữ tỷ lệ sở hữu chi phối áp đảo, lượng chào bán của Vietcombank chỉ là một khoản đầu tư đơn thuần đối với tổ chức, cá nhân muốn rót vốn. Thực tế, sau hơn hai năm, ngân hàng này cuối cùng chỉ thu hút được duy nhất 1 nhà đầu tư tham gia (quỹ GIC của Singapore), bên cạnh cổ đông chiến lược nước ngoài hiện hữu; lượng bán cũng chỉ được 3% trong mục tiêu 10%.
Từ Vietcombank, nhìn rộng ra mô hình sau cổ phần hóa tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Công thương (VietinBank) cũng đang cho thấy tình cảnh mắc kẹt với tỷ lệ sở hữu nhà nước quá lớn, sức ỳ kìm hãm đà tăng trưởng.
Đã sang năm thứ tư, kể từ khi câu chuyện tăng vốn cho bộ ba Vietcombank, BIDV và VietinBank đặt ra, mô hình cổ phần hóa tại đây vẫn chưa thể linh động giải pháp trả cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc phát huy được vai trò cổ đông để tăng vốn, trong khi thị trường và áp lực cạnh tranh không dừng lại để chờ đợi.
Tại tọa đàm trên, định hướng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (năm 2017) được dẫn lại: “Những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm”.
Nhìn ở chiều khác, nếu những gì cổ đông nhà nước làm không tốt hoặc chưa tốt tại doanh nghiệp, có cần tăng thêm độ mở để thu hút tư nhân, đầu tư nước ngoài vào để tạo điều kiện làm tốt hơn, đổi mới hơn, qua cơ chế bán hoặc thoái lô lớn gắn với tỷ lệ sở hữu giá trị, thậm chí thoái hết (dĩ nhiên là ở những lĩnh vực đã định hướng)?