Doanh nghiệp nhà nước:
Bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu xuyên suốt trong quản lý, điều hành nền kinh tế ở nước ta. Đây là điều kiện tiên quyết cho nền kinh tế phát triển bền vững. Với vị trí, vai trò của mình, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu này, đặc biệt là trong giai đoạn bất ổn kinh tế toàn cầu vừa qua.
Bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô - mục tiêu
Ổn định kinh tế vĩ mô có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế, bởi duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là nền tảng cơ bản tạo nên môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế.
Trong lịch sử kinh tế thế giới, các nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững đều gắn liền với việc thực hiện hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực tiễn hơn 35 năm tiến hành đổi mới cho thấy, Đảng ta luôn xác định ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nền kinh tế. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư, thị trường, giá cả, thương mại và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”(1).
Năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị - an ninh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều diễn biến chưa từng có trong tiền lệ, vượt qua khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, đồng thời giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều này cho thấy hiệu quả của việc kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhờ vậy, sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài của nền kinh tế khá tốt. Đây là cơ sở tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cả giai đoạn kế hoạch 2021 - 2025.
Vai trò của DNNN trong bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động vừa qua, khu vực DNNN đã đóng góp quan trọng trong bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, đi đầu trong việc bình ổn giá bán sản phẩm, dịch vụ, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, góp phần ổn định xã hội. Nhận định này đã được thể hiện rõ qua vai trò, vị trí và đóng góp của khối 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Ủy ban) trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.
Với quy mô tài sản bình quân của doanh nghiệp có vốn nhà nước là 4.500 tỷ đồng/doanh nghiệp; tổng vốn chủ sở hữu chiếm gần 63% và tổng tài sản chiếm gần 65,3% so với toàn bộ DNNN; hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các doanh nghiệp thuộc Ủy ban đã cung cấp nhiều sản phẩm cho kinh tế vĩ mô và có nhiều đóng góp trong việc bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và dân sinh về năng lượng, lương thực, hạ tầng viễn thông... 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu đã có những đóng góp tiêu biểu, cụ thể:
Thứ nhất, bảo đảm an ninh năng lượng: Các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng đã sản xuất, khai thác và cung cấp sản phẩm cho kinh tế vĩ mô, như điện, than, khí, xăng dầu...; trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khởi công và hoàn thiện nhiều dự án truyền tải điện; nhiều dự án nguồn điện quy mô lớn (Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Yaly mở rộng, Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhiệt điện Vĩnh Tân,...), khắc phục tình trạng thiếu điện, quá tải điện, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định phục vụ nhu cầu an sinh xã hội của nhân dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia(2); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã tích cực, chủ động, thể hiện vai trò chủ đạo bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, không để đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu trước những biến động thị trường xăng dầu thời gian qua(3); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát huy vai trò trọng yếu trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí(4); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đẩy mạnh việc khai thác than, khoáng sản để đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế(5),...
Thứ hai, bảo đảm an ninh lương thực: Tổng Công ty lương thực miền Bắc và miền Nam (VINAFOOD) thực hiện tốt nhiệm vụ được giao về bình ổn giá, luôn chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua hệ thống các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị, góp phần bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm các mặt hàng cung ứng cho thị trường có chất lượng tốt và giá cả ổn định. Các tổng công ty nông lâm nghiệp đã có nhiều tiến bộ trong hoạt động kinh doanh lương thực, trồng, chế biến và sản xuất cao-su, cà-phê, sản xuất lúa chất lượng cao, góp phần phát triển ngành nông nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Thứ ba, phát triển hạ tầng giao thông quốc gia: Các tập đoàn, tổng công ty đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là các dự án trọng điểm trong lĩnh vực hàng không: Triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, Dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; tái khởi động Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành,... bảo đảm tiến độ được cấp thẩm quyền phê duyệt(6).
Thứ tư, phát triển hạ tầng viễn thông: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; phát triển và ứng dụng thành công các sản phẩm chuyển đổi số về dịch vụ khách hàng, hóa đơn điện tử; ứng dụng nền tảng điện toán đám mây và triển khai dữ liệu lớn (Big Data); cung cấp dịch vụ Ví điện tử viễn thông (Mobile Money); đẩy mạnh việc triển khai các kết cấu hạ tầng mới để mở rộng vùng phủ sóng 4G, truyền dẫn cáp quang, nâng cao chất lượng mạng lưới, chuẩn bị cho mạng 5G...
Thứ năm, bảo đảm cung ứng dịch vụ vận tải: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp vận tải (hàng không, đường sắt, đường biển) đã tổ chức các chuyến bay, chuyến tàu vận chuyển hàng hóa phục vụ nền kinh tế và đời sống xã hội, phục vụ chiến dịch phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gồm khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, trang thiết bị, vật tư y tế... Bên cạnh đó, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) còn khai thác các chuyến chở khách hồi hương, cách ly tự nguyện... góp phần bảo đảm thông thương, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Thứ sáu, bảo đảm việc cung cấp nguyên vật liệu sản xuất đầu vào quan trọng cho nền kinh tế: Các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất hóa chất, thép, phân bón tăng cao giá trị sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa cho nền kinh tế về hóa chất cơ bản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ắc-quy, thép,...
Nhìn chung, bên cạnh việc đóng vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế, khu vực DNNN nói chung và 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu còn đóng vai trò quan trọng trong việc cùng Nhà nước bảo đảm an ninh, quốc phòng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia. Trong một số thời điểm, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp thể hiện được vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ chính sách điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá, như hỗ trợ giảm giá điện, nước, cước viễn thông; cung cấp các túi lương thực, thực phẩm miễn phí nhằm bảo đảm chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đối với người dân bị ảnh hưởng; hỗ trợ đưa người dân từ vùng tâm dịch trở về,... Hoạt động đầu tư của các DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt đầu tư từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước; góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của DNNN
Trong thời gian tới, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến khó lường. Tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn so với giai đoạn trước. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có khả năng kéo dài; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới.
Cùng với đó, còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho hoạt động của khu vực DNNN. Trước hết, đó là tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN, đặc biệt là về vị trí của DNNN trong thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vấn đề trao quyền tự chủ của DNNN, vấn đề sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế...
Cơ chế, chính sách quản lý đối với DNNN còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN; một số thể chế quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn lực ở DNNN không còn phù hợp; hệ thống tiêu chí đánh giá DNNN chưa đầy đủ, DNNN chưa thực sự có quyền tự chủ theo cơ chế thị trường; quy định về DNNN bị phân tán tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, được ban hành ở các thời điểm khác nhau, do các cơ quan chuẩn bị khác nhau nên có những vướng mắc, chồng chéo nhất định.
Vướng mắc về thể chế chậm được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ và thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhiều chính sách, pháp luật về DNNN và các giải pháp thực thi trong giai đoạn vừa qua chủ yếu tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn; xử lý những bất cập, tiêu cực, sai phạm trong thực hiện cơ cấu lại, đầu tư của DNNN giai đoạn trước...
Vì vậy, các DNNN còn nhiều hạn chế trong huy động vốn, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đầu tư, kinh doanh, phát triển và mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội. Điều này dẫn đến hệ quả là mặc dù DNNN đang nắm giữ, quản lý và sử dụng nguồn lực lớn của đất nước, nhưng chưa huy động và tập trung được nguồn lực đó cho những dự án đầu tư chiến lược, những mục tiêu ưu tiên phát triển của DNNN nói riêng và của đất nước nói chung.
Các quy định về tiền lương và chế độ đãi ngộ khác cho người quản lý DNNN chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, chưa tạo động lực vật chất cho người quản lý, lao động tại DNNN đóng góp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp; đồng thời, chưa thu hút hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trước khó khăn, thách thức đó, để DNNN tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong thực hiện mục tiêu bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần tập trung vào những định hướng, giải pháp trọng tâm sau:
Về phía quản lý nhà nước
Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của DNNN, đặc biệt là trong bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát huy lợi thế, huy động và khai thác có hiệu quả nguồn lực mà DNNN đang quản lý và sử dụng để khu vực này thực sự thể hiện vai trò dẫn dắt trong các ngành kinh tế chủ lực, có tính chất lan tỏa đối với nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác. Việc phát triển DNNN phải gắn với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng DNNN được bảo đảm quyền tự chủ theo nguyên tắc thị trường, hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả. Hoàn thiện cơ chế đánh giá hiệu quả DNNN.
Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12-5-2022, của Chính phủ, “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội” chỉ rõ: “Phát huy tối đa vị trí, vai trò, sứ mệnh và đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong sản xuất kinh doanh, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Hạn chế tối đa việc can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp; thực hiện phân cấp mạnh mẽ trong việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước gắn với chế độ giám sát, kiểm tra và đánh giá toàn diện. Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước; tách bạch quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có sự gắn kết hòa quyện trong mối quan hệ giữa Nhà nước và DNNN. Theo đó, Nhà nước tạo hệ sinh thái, môi trường kinh doanh phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; DNNN chủ động trong hoạt động, cạnh tranh bình đẳng, có trách nhiệm, nỗ lực quyết tâm thực hiện vị trí, vai trò, sứ mệnh, tương xứng với nguồn lực được nắm giữ, sử dụng có hiệu quả hệ sinh thái do Nhà nước tạo ra”.
Như vậy, trong quản lý nhà nước, phải coi DNNN có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế; hoạt động theo nguyên tắc thị trường. DNNN phải được trao quyền tự chủ kinh doanh như các doanh nghiệp khác trên cơ sở định hướng phát triển, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể được giao bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có quyền tài sản rõ ràng; được theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra theo định hướng phát triển, theo nhiệm vụ, mục tiêu chung đã định; hạn chế dần việc thanh tra, kiểm tra và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất của DNNN và người quản lý DNNN theo từng dự án, hoạt động cụ thể nhằm phát huy tự chủ, sáng tạo và xây dựng cơ chế quản trị rủi ro trong đầu tư, nghiên cứu phát triển các lĩnh vực, sản phẩm kinh doanh mới phù hợp với thị trường.
Ba là, đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN. Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các DNNN.
Trên cơ sở sắp xếp lại khối DNNN theo “Tiêu chí phân loại DNNN”, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung giữ những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Đa dạng hóa các phương thức sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật (duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hóa, thoái vốn, giải thể, phá sản, chia, tách,...), trong đó phương thức cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là một giải pháp quan trọng để bảo đảm nguồn lực cho đầu tư công.
Chuyển từ việc áp đặt mệnh lệnh hành chính đối với cổ phần hóa, thoái vốn sang thực hiện theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả để cơ cấu lại khu vực DNNN. Cần gắn phát triển DNNN với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của DNNN phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước.
Bốn là, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đầu tư mở rộng và nâng cao quy mô, hiệu quả, nhưng cần có lựa chọn trọng điểm để tạo sự lan tỏa, bảo đảm DNNN giữ vững được vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Đặc biệt, tạo điều kiện phát triển một số DNNN quy mô lớn, có vai trò “mở đường”, phát triển một số ngành kinh tế chủ lực, dẫn dắt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để DNNN thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các DNNN và giữa DNNN với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Phát triển liên doanh, liên kết giữa các DNNN thông qua Ủy ban để từ đó tạo ra sức mạnh nền tảng sẵn có, đồng thời huy động hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp.
Thúc đẩy đổi mới quản trị doanh nghiệp trong các DNNN theo nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; hoàn thiện quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý DNNN phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đổi mới cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động, người quản lý, điều hành DNNN hợp lý, có tính cạnh tranh cao gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Năm là, tạo hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững (trọng tâm là hệ sinh thái DNNN) để liên kết sản xuất công nghiệp nền tảng.
Chú trọng xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, các ngành công nghiệp nền tảng cần thiết phải hình thành các chuỗi giá trị trên cơ sở liên kết hệ sinh thái DNNN bền vững giúp giảm chi phí, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực triển khai và hỗ trợ giữa các doanh nghiệp; góp phần tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hình thành và phát triển các trung tâm logistics vùng(7) gắn với các cụm liên kết ngành công nghiệp do Nhà nước/DNNN đầu tư để bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa qua đó hỗ trợ, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng.
Sáu là, cần phải thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp. Song song với đó, có cơ chế hiệu quả thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu, xây dựng định hướng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
Trong đó, cần làm rõ vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước của Ủy ban đối với các DNNN. Ủy ban không phải là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, không ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách. Do vậy, khi giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật cần xin ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước; nhiều khi trả lời chậm nên thời gian kéo dài. Một số quy định pháp luật trong việc thực hiện thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và trong hoạt động của DNNN còn bất cập hoặc chưa rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban.
Về phía quản trị doanh nghiệp
Một là, các DNNN chủ động đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Có phương án lựa chọn, bổ nhiệm đội ngũ quản lý có trình độ, kinh nghiệm quản lý đẳng cấp khu vực và toàn cầu; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để họ làm việc, phát huy hết kiến thức, kinh nghiệm và tài năng cho phát triển DNNN; xây dựng cơ chế về tiền lương, tiền thưởng hợp lý cho người lao động, tạo động lực vật chất và tinh thần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo lộ trình phù hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động trong mọi tình huống. Chuyển dịch đầu tư theo hướng xanh hóa, hướng tới phát triển bền vững. Nghiên cứu đầu tư, triển khai các dự án theo lĩnh vực, xu hướng phát triển công nghệ mới của thế giới.
Ba là, chủ động hơn nữa trong việc hội nhập, mở rộng thị trường quốc tế, lấy thị trường nội địa làm trọng tâm, làm “bàn đạp” để vươn mình hội nhập, kết nối với chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu. Tham gia phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mang tính mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn ra thị trường khu vực, thế giới./.
-------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 235 - 236.
(2) Các nhà máy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm khoảng 87% tổng sản lượng điện năng cung cấp cho xã hội. Riêng EVN bảo đảm truyền tải điện cho toàn bộ hệ thống điện quốc gia; thực hiện công tác điều độ điện năng; phân phối điện năng trong cả nước; quản lý vận hành lưới điện nông thôn, các nhà máy điện quy mô, công suất lớn, trong đó có các nhà máy sản xuất điện chiến lược lớn, đa mục tiêu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh.
(3) Petrolimex và PVOil chiếm 72,5% thị phần bán lẻ xăng dầu của cả nước (Petrolimex khoảng 50%, PVOil 22,5%).
(4) Trong 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, PVN đã khai thác ước đạt 121,14 triệu tấn quy dầu, duy trì cung cấp 100% thị phần khí khô và 70% thị phần khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) toàn quốc, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu, 70 - 75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp.
(5) Giai đoạn 2016 - 2020, TKV đã tăng sản lượng khai thác than đạt 180,3 triệu tấn; tiêu thụ đạt 198,5 triệu tấn than, 5,78 triệu tấn alumin, 60,6 nghìn tấn đồng tấm... chiếm thị phần chi phối trong lĩnh vực khai thác than, khoáng sản của cả nước.
(6) Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam hiện đang quản lý 22 cảng hàng không trong cả nước, đều là các cảng lớn, quan trọng, trong đó có 9 cảng quốc tế và 13 cảng nội địa; Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hiện đang là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực trong lĩnh vực hàng hải,…
(7) Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành phố, năm 2022 cả nước có tổng số 69 trung tâm logistics, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam vẫn rất thiếu các trung tâm logistics hiện đại, quy mô lớn và cần có sự chuyển đổi từ trung tâm logistics truyền thống sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0.