Bảo hiểm dịch bệnh - tại sao không?
Nhu cầu về một gói bảo hiểm trọn gói chuẩn bị cho những rủi ro bất khả kháng như dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp mới bộc lộ rõ ràng.
Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra một báo cáo nhanh, tổng hợp số liệu báo cáo từ 22/63 tỉnh thành trên cả nước cho biết: hơn 800 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giảm quy mô hoặc buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, và hơn 8.700 lao động bị ảnh hưởng, trong đó ngành nông, lâm và thủy sản chiếm hơn 30%. Hơn 300 doanh nghiệp đã phải đóng cửa vì Covid-19.
Tại Việt Nam: chưa có
Tuy nhiên tất cả các hãng bảo hiểm lớn nhỏ và BHXH tại Việt Nam đều trả lời “không có” bảo hiểm dành cho doanh nghiệp hoặc chỉ đưa ra gói bảo hiểm dành cho con người (nhân công). Bà Lê Bích Liên, Hãng bảo hiểm Manulife cho biết, hiện tại Việt Nam chưa có một gói bảo hiểm nào trọn gói về “dịch bệnh” hay “phòng dịch” cho doanh nghiệp ứng phó với một đại dịch toàn cầu như Covid-19. Các yếu tố cấu thành nên doanh nghiệp bao gồm: nhân công, tài sản hữu hình (nhà xưởng, máy móc thiết bị...), tài sản hữu hình (thương hiệu, uy tín...).
Tuy nhiên, theo quy định, những rủi ro thiệt hại về vật chất, nhà xưởng ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu... ở các công ty Việt hiện nay thuộc về lĩnh vực phi nhân thọ. Nhưng lĩnh vực này cũng hiếm hãng có gói dành cho rủi ro thiên tai. Nếu có cũng thường dành cho các công ty nông nghiệp ứng phó với dịch bệnh mùa màng.
Vì vậy, các doanh nghiệp muốn tránh rủi ro khi đại dịch xảy ra thì tùy điều kiện mỗi doanh nghiệp sẽ đề phòng rủi ro bằng một hay nhiều gói BH ứng với các yếu tố cấu thành. Có doanh nghiệp chú trọng con người thì mua gói nhân thọ hoặc gói “corona” khẩn cấp cho nhân viên. Doanh nghiệp chú trọng đến nguồn vốn tài chính thì mua gói bảo hiểm gián đoạn kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc một công ty bao bì tại Hải Phòng cho biết, do dịch bệnh công ty phải cho nhân công nghỉ việc nhưng vẫn hỗ trợ lương cơ bản. Công ty đã làm đơn xin giãn nợ, giảm lãi vay nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, nếu tiếp tục kéo dài vài tháng nữa sẽ có nguy cơ phá sản.
Ông Tiến cũng cho hay, không phải không tính đến phương án mua bảo hiểm. Nhưng “nếu mua thêm các gói bảo hiểm tín dụng thương mại, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, BH rủi ro thiên tai, bảo hiểm cháy nổ nhà xưởng... thì doanh nghiệp mất hết lãi”, nên đành chấp nhận chịu rủi ro.
Doanh nghiệp thế giới cũng thiếu... chủ động
Các chuyên gia kinh tế cho biết, chỉ một số hãng lớn toàn cầu mua gói bảo hiểm bao gồm cả dịch bệnh. Vì vậy, sau khi dịch bệnh xảy ra, không ít doanh nghiệp chịu thiệt hại hối tiếc vì đã không mua bảo hiểm.
Khẳng định điều này, một luật sư hoạt động trong ngành bảo hiểm tại Hong Kong nói với Hãng tin Reuters rằng chỉ một số hãng lớn toàn cầu mua gói bảo hiểm bao gồm cả dịch bệnh. Đa số "các chính sách bảo hiểm tiêu chuẩn" thường loại trừ rủi ro bùng nổ dịch bệnh để giảm chi phí, vị luật sư này cho biết.Theo Reuters, các hãng bảo hiểm thường cung cấp gói dịch vụ bảo đảm các nguy cơ về động đất hay máy bay rơi, thế nhưng lại bỏ qua rất nhiều rủi ro lớn để tránh lỗ.
Các đợt bùng nổ virus SARS, Ebola và Zika trước đây đã khiến nhiều công ty bảo hiểm cảnh giác về thiệt hại. Từ đó, các điều khoản loại trừ việc bồi thường đối với một số loại virus cụ thể đã được thêm vào các gói bảo hiểm cơ bản.
Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 200 đã lan ra tổng cộng 37 quốc gia, gây thiệt hại kinh tế lên đến 4 tỉ USD tại Hong Kong, 3 - 6 tỉ USD tại Canada và 5 tỉ USD tại Singapore, theo Hãng môi giới bảo hiểm Marsh.
Các chuyên gia bảo hiểm cũng cho biết đa số chính sách bảo hiểm dành cho việc hủy sự kiện sẽ không đền bù cho loại virus mới.