Tiếp tục quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển bền vững

Tuấn Phùng

Trong năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm Việt Nam an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến năm 2021, toàn thị trường bảo hiểm có 76 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 24 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Bên cạnh đó, trên thị trường còn có 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Về sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm, tính trong năm 2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 710.002 tỷ đồng (tăng 23,86% so với năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 104.653 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 605.349 tỷ đồng; Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 152.484 tỷ đồng (tăng 19,34% so với năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 35.963 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 116.521 tỷ đồng.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm Việt Nam ước đạt 214.958 tỷ đồng (tăng 15,59% so với năm 2020), trong đó doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 57.609 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 157.349 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 49.561 tỷ đồng (tăng 1,68% so với năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 18.891 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 30.670 tỷ đồng.

 Các DN cũng đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 577.069 tỷ đồng (tăng 22,24% so với năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.223 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 524.846 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể:

Thứ nhất, công tác phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm: Khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm mới. Có cơ chế chính sách khuyến khích các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí. Đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với cách mạng công nghệ 4.0.

Thứ hai, đảm bảo an toàn tài chính doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục giám sát, theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp bảo hiểm chưa đảm bảo biên khả năng thanh toán, nguồn vốn chủ sở hữu thực hiện các giải pháp để đảm bảo đáp ứng quy định pháp luật.

Thứ ba, tăng cường công tác giám sát từ xa, thanh tra và kiểm tra tại chỗ. Trong đó, tiếp tục tăng cường thực hiện đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm theo định kỳ, kịp thời phát hiện sai phạm để có phương án xử lý; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch đã đề ra.