Bộ Tài chính ban hành kế hoạch rà soát hiệu quả các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần

Việt Dũng

Ngày 6/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành Quyết định số 662/QĐ-BTC về việc rà soát, đánh giá hiệu quả các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tác động đối với không gian chính sách thuế của Việt Nam và định hướng điều chỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quyết định số 662/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính trong thực hiện Quyết định số 2072/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Rà soát đánh giá hiệu quả của các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tác động đối với không gian chính sách thuế của Việt Nam và định hướng điều chỉnh” sẽ tập trung xây dựng chiến lược đàm phán, ký kết Hiệp định trong giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ là đơn vị chủ trì xây dựng Báo cáo phân tích tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài để đề xuất lựa chọn các đối tác ưu tiên dựa trên các tiêu chí quan hệ chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư... cần ký kết hiệp định thuế trong thời gian tới. Thời gian hoàn thành từ tháng 4-12/2022.

Đối với việc xây dựng kế hoạch đàm phán hiệp định tránh đánh thuế hai lần tổng thể giai đoạn 2021-2030, Tổng cục Thuế sẽ phải phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động triển khai xúc tiến đàm phán với các nước đối tác đã được lựa chọn. Thời gian hoàn thành từ tháng 4-12/2022.

Đồng thời, từ tháng 1/2023 - 12/2030, Tổng cục Thuế sẽ chủ động chủ trì triển khai phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan xúc tiến lựa chọn đàm phán với các nước đối tác đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo Kế hoạch, Bộ Tài chính cũng chủ trương đổi mới chính sách đàm phán hiệp định với các đối tác mới. Trong đó, Tổng cục Thuế sẽ chủ trì nghiên cứu xu hướng quốc tế về các điều khoản mới của hiệp định thuế, đặc biệt liên quan đến các vấn đề chống lợi dụng hiệp định thuế, chống hình thành cơ sở thường trú, thu nhập từ hoạt động kinh tế kỹ thuật số, thủ tục thỏa thuận song phương. Đồng thời đề xuất chính sách hiệp định thuế của Việt Nam đối với từng đối tác ký kết, đảm bảo hiệu quả tối ưu khi tham gia đàm phán hiệp định thuế.

Một nội dung quan trong khác là triển khai đàm phán lại đối với các hiệp định thuế đã ký; xây dựng điều khoản hiệp định về thu nhập từ hoạt động kinh tế kỹ thuật số.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện điều chỉnh các quy định nội luật do tác động của hiệp định thuế và thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến hiệp định thuế.

Về công tác tổ chức, thưc hiện các hiệp định thuế hiện hành, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện hiệp định thuế để đảm bảo xác định đúng đối tượng được miễn giảm thuế. Kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý thực hiện áp dụng hiệp định tại các cấp của ngành Thuế, trong đó có các bộ phận quản lý chuyên sâu về các lĩnh vực như đàm phán, xử lý việc áp dụng việc miễn giảm thuế theo hiệp định, thuế trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài, thực hiện thủ tục thỏa thuận song phương (MAP), bao gồm cả xác định giá chuyển nhượng (TP), thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA)…

Đồng thời, hoàn thiện và nâng cấp hệ thống công nghệ hiện hành, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin nhằm đáp ứng được các yêu cầu của các hiệp định thuế, tăng cường kết nối dữ liệu thông suốt với các bộ, ngành có liên quan và các nước theo quy định của từng hiệp định...