Bộ Tài chính “thúc” 5 địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Đến hết tháng 10/2022, 5 địa phương: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Bình Dương mới giải ngân đạt 9.046,137 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch địa phương triển khai. Để tạo chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm với tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch, lãnh đạo các tỉnh cần tăng cường kiểm tra hiện trường để kịp thời giải quyết khó khăn...
Bộ Tài chính vừa có Công văn 12441/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân của 5 địa phương: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Bình Dương.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn của 5 địa phương trên đến hết tháng 10 đạt 9.046,137 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch địa phương triển khai.
Ước 13 tháng (đến thời hạn giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 - hết ngày 31/1/2023), 5 địa phương sẽ giải ngân đạt trên 21.527 tỷ đồng, đạt 80,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đây là kết quả sau chuyến công tác của Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của 5 địa phương.
Báo cáo từ Tổ công tác số 6 cho thấy, sau khi kiểm tra chi tiết giải ngân vốn ngân sách trung ương, cả 5 địa phương đều có các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân đạt rất thấp so với yêu cầu, chưa kể nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2021 và vốn đầu tư cho gói kích cầu sẽ được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung trong năm 2022.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các địa phương thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Rhời gian còn lại của năm ngân sách 2022 chỉ còn gần 2 tháng hoàn thành khối lượng các dự án và thời gian hoàn thiện hồ sơ thanh toán qua Kho bạc Nhà nước là 3 tháng, do đó, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề.
Bộ Tài chính đề nghị các cấp chính quyền tại 5 địa phương này phải coi việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch đã được giao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, khắc phục khó khăn để thúc đẩy giải ngân, khơi thông nguồn vốn đầu tư công.
Các địa phương phải quyết liệt triển khai nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022; tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Bộ Tài chính cũng đề nghị, lãnh đạo các địa phương phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân; tăng cường công tác kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết khó khăn vướng mắc; ban quản lý dự án, nhà thầu phải có tiến độ tổng thể, chi tiết, cam kết về tiến độ thực hiện dự án.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng - gỡ “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công hiện nay.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương này thực hiện công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ đúng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, hạn chế tư duy nhiệm kỳ trong việc xây dựng, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công, bảo đảm mục tiêu, hiệu quả đầu tư.
“Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải quyết tâm thực hiện cho đạt mục tiêu đề ra, phấn đấu hoàn thành dự án, đẩy nhanh đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán nhằm thực hiện ngay việc giải ngân cho các dự án”, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị.