Các chính sách hỗ trợ về thuế từng bước vực dậy doanh nghiệp sau dịch

Theo Thu Dịu/haiquanonline.com.vn

Trước hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, các chính sách giãn, giảm thuế đã phần nào giúp doanh nghiệp có nguồn vốn kịp thời phục hồi sản xuất kinh doanh.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh. Ảnh: T.D
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh. Ảnh: T.D

Thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Phó giám đốc Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng. Đặc biệt, trong cao điểm giãn cách, doanh thu giảm khoảng 70%.

Trong khi đó, hiện mỗi tháng Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh đang phải chi ra hơn 700 triệu đồng, gồm tiền lương, bảo hiểm xã hội, điện nước, lãi vay... trong đó khoản tương đối nặng là thuê mặt bằng 150 triệu đồng.

Vì vậy, khi DN được gia hạn, miễn giảm tiền thuế thu nhập DN, tiền thuê đất trong kỳ quyết toán thuế vừa qua rất quan trọng và có ý nghĩa với DN, giúp DN có nguồn lực tài chính chi trả các chi phí sản xuất, đặc biệt là chi trả đều đặn tiền lương cho lao động cũng như các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong đợt dịch vừa qua.

Trong số các DN được thụ hưởng chính sách gia hạn thuế từ Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ sản xuất Thúy Lan cho biết, việc được gia hạn nộp thuế đã giúp giảm áp lực thanh toán của DN trong điều kiện tiêu thụ sản phẩm có phần bị đình trệ và khó khăn như hiện nay. Đây là nguồn tài chính giúp DN quay vòng vốn, cũng như thanh toán một phần công nợ; giúp DN có thêm nguồn lực tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả tốt hơn.

Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 30/9/2021, các cơ quan thuế trên địa bàn đã ban hành 1.403 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với tổng số tiền thuế hoàn 10.431 tỷ đồng. Trong đó, hoàn thuế cho các trường hợp xuất khẩu chiếm đến 92%, đạt 1.298 hồ sơ với số tiền hoàn 9.261 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 89%; số hồ sơ thuộc diện hoàn trước kiểm tra sau đạt 795 hồ sơ, chiếm 56%, với số tiền hoàn 6.053 tỷ đồng, chiếm 58%. Trước đó, thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thuế theo Nghị định 52 của Chính phủ, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết miễn giảm cho 86.197 hộ kinh doanh với số thuế miễn giảm là 123 tỷ đồng.

Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết, thời quan qua đơn vị cũng đã kịp thời triển khai các nội dung hỗ trợ gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng thụ hưởng. Cụ thể, ngành thuế đã thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với 3.145 trường hợp người nộp thuế, trong đó có 3.139 DN, tổ chức, 6 hộ kinh doanh, tổng số tiền gia hạn 3.557 tỷ đồng.

Qua rà soát của các đơn vị, diện đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52 trên địa bàn tỉnh Bình Dương là 35.306 DN, tổ chức và 29.217 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh được thụ hưởng chính sách này. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Bình Dương cũng đã giải quyết hoàn thuế cho 2.267 hồ sơ, với số tiền hoàn là 13.087 tỷ đồng.

Doanh nghiệp "hồi sinh" sản xuất

Tại TP. Hồ Chí Minh, đến nay đã có hơn 1.300 công ty, nhà máy trong các khu chế xuất khu công nghiệp (KCX-KCN) đã mở cửa trở lại, đạt trên 92%. Đặc biệt, tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, 100% DN đã hoạt động trở lại.

Ban Quản lý các KCN Bình Dương thì cho biết, đến ngày 28/10, đã có 1.968 DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt trên 96%. Tương tự, tại Đồng Nai, trên 92% DN trong các KCN của tỉnh đã khôi phục sản xuất, trong đó có nhiều nhà máy hoạt động hết công suất.

Tuy hoạt động trở lại sau giãn cách nhưng nhiều DN cho biết vẫn đang gặp nhiều khó khăn như thiếu lao động, chi phí nguyên liệu sản xuất tăng cao… Theo đó, các DN kiến nghị tiếp tục được hưởng hỗ trợ từ các chính sách về thuế để từng bước phục hồi sản xuất.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông Công ty TST tourist chia sẻ: Sau gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong việc tiếp cận nguồn vắc xin để đảm bảo 'thẻ xanh' chuẩn bị khôi phục sản xuất, hàng loạt các giải phát tài chính vừa áp dụng trong việc hỗ trợ cho lao động mất việc, giảm tiền ký quỹ dành cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong nước, quốc tế.

Gần đây nhất là Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 đã góp phần giúp cho DN tái tạo năng lượng, nâng cao khả năng gượng dậy để khôi phục hoạt động. Điều này có ý nghĩa tích cực, không những cho DN lữ hành mà là động lực cho nền kinh tế sớm trỗi dậy mạnh mẽ.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Khánh Giang, Giám đốc Công ty Vận tải XNK Phúc An cho biết, hiện nay, hoạt động của DN đang từng bước được khôi phục. Tuy nhiên, chi phí phát sinh, giá xăng dầu tăng nhưng cước vận chuyển của DN không được tăng khiến hoạt động của DN còn gặp nhiều khó khăn. “Với việc giảm tiền thuế theo Nghị quyết 406, DN có thể giảm được một khoản tiền thuế tuy không lớn nhưng sẽ hỗ trợ một phần để DN khôi phục hoạt động. DN chỉ mong được hướng dẫn làm các thủ tục miễn, giảm một cách nhanh chóng”, bà Giang chia sẻ.

Đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Quốc hội đối với DN trong thời gia qua, tuy nhiên, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (sản xuất nước giải khát Bidrico) cho rằng, Nhà nước cần giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả DN, bởi hiện nay DN nào có doanh thu trên 200 tỷ đồng sẽ không được hỗ trợ theo Nghị quyết 406. Trong khi, để duy trì hoạt động, các DN lớn phải bỏ ra chi phí cao và DN lớn cũng sẽ "chết theo kiểu lớn".

Đồng thời, để kích thích cho sản xuất, ông Nguyễn Đặng Hiến kiến nghị Nhà nước xem xét thuế GTGT. Điều này sẽ tạo sự cân bằng, khuyến khích sản xuất tiêu dùng, kích hoạt nền kinh tế phát triển. Ông Hiến dẫn chứng, khi DN được áp dụng giảm thuế GTGT sẽ gián tiếp giảm giá sản phẩm, mang lại lợi tức cho người tiêu dùng.

Trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết khi nào kết thúc, giá cả được giảm cũng phần nào kích cầu tiêu dùng. Khi nhu cầu tiêu dùng tăng, đồng nghĩa với hoạt động sản xuất của DN tăng, nền kinh tế cũng được hồi phục.