Các công trình hạ tầng thúc đẩy Sóc Trăng phát triển bứt phá
Năm 2021, Sóc Trăng là địa phương thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư với các siêu dự án đa lĩnh vực, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và lĩnh vực điện khí.
Dự án nhà máy điện khí quy mô 15 tỉ USD
Hồi cuối tháng 4/2021, Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium, Mỹ) đã đề xuất với UBND tỉnh Sóc Trăng được nghiên cứu, đầu tư Dự án Điện khí 9.600MW có tổng mức vốn đầu tư khoảng 15 tỉ USD.
Nếu được phê duyệt, thì đây là dự án điện khí lớn nhất miền Tây với công suất lớn gấp 3 lần hai dự án LNG Bạc Liệu và LNG Long An.
Cùng với một dự án điện khí có thể xuất hiện trong tương lai thì sự cần thiết của một dự án cảng nước sâu cũng rất quan trọng, đó chính là dự án quy hoạch xây dựng Cảng biển quốc tế Trần Đề.
Cùng tháng 4/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh đến việc bổ sung quy hoạch Cảng Trần Đề với mức vốn khoảng 40.000 tỉ đồng (giai đoạn 2021 - 2025) có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp có tải trọng 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn.
Một khi được hoàn thành, Trần Đề sẽ là một cảng quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xuất khẩu hàng hóa của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chứ không chỉ riêng Sóc Trăng.
Dự án "siêu cảng" Trần Đề được cho là cần thiết để nâng tầm vóc khu vực ĐBSCL xứng với vị thế vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đặc biệt trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 12/2017, 8 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL (gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ) có 21 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 3.621ha, đạt tỷ lệ lấp đầy là 62%, sản lượng hàng hóa thông qua đạt khoảng 8,6 triệu tấn; mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lấp đầy 100% với khối lượng hàng luân chuyển là 23,2 triệu tấn.
Việc hình thành cảng biển nước sâu sẽ giải quyết bài toán vận chuyển hàng hóa từ các cảng thuộc sông Hậu và bán đảo Cà Mau khoảng 10 - 11,2 triệu tấn mỗi năm, hàng container từ Campuchia thông qua khoảng 529.000 TEU/năm; đáp ứng nhu cầu vận chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện của khu vực ĐBSCL.
Theo tính toán của chuyên gia Viện Kinh tế Việt Nam, việc vận chuyển một tấn hàng từ Tây Nam bộ bằng đường thủy về các cảng TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu có chi phí rẻ hơn từ 10 - 60% so với vận tải bằng đường bộ. Ngoài ra, việc quy hoạch các khu công nghiệp và dịch vụ liền kề với các cảng còn tạo cơ hội việc làm cho người lao động cũng như thu hút đầu tư.
Hạ tầng khơi thông dòng chảy đầu tư
Sở hữu vị trí gần với TP. Cần Thơ, có Quốc lộ 1A đi qua và lợi thế 72km đường bờ biển, Sóc Trăng đang đón nhận thêm nhiều gói quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông vĩ mô, tạo sức bật cho kinh tế đô thị cũng như bất động sản phát triển.
Đầu tiên phải kể đến Dự án Xây dựng cầu Đại Ngãi có điểm đầu giao với Quốc lộ 54 tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng với chiều dài 15,2km.
Dự án cầu Đại Ngãi có tổng mức đầu tư khoảng 8.140 tỉ đồng bao gồm 2 cầu chính (Đại Ngãi 1, Đại Ngãi 2), 5 cầu trung và nhỏ cùng hệ thống đường dẫn vào cầu. Cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2 đều có 4 làn xe, mặt cầu rộng 16m.
Tiếp theo là dự án Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có quy mô vốn hơn 68.980 tỉ đồng, chiều dài toàn tuyến 197,22km, điểm đầu từ cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) đi qua Cần Thơ, Hậu Giang và điểm cuối tuyến giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu kết nối với Cảng nước sâu Trần Đề, Sóc Trăng.
Việc đầu tư xây dựng Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thương, liên kết với các cảng dọc tuyến sông Hậu, Cảng Trần Đề và các trung tâm đô thị như Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng…
Bên cạnh đó phải kể đến tuyến Vành đai ven biển miền Tây kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, có tổng chiều dài hơn 740km, vốn đầu tư khoảng 5.300 tỉ đồng, cũng được triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025.
Việc xây dựng tuyến giao thông này giúp các địa phương khai thác được thế mạnh ven biển, hình thành các trung tâm kinh tế và đô thị vệ tinh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL.
Có thể nói, bên cạnh quy hoạch Cảng biển Trần Đề thì việc hình thành các tuyến cao tốc trục ngang, trục dọc kể trên sẽ giúp Sóc Trăng nói riêng và toàn vùng ĐBSCL nói chung sở hữu một mạng lưới giao thông đồng bộ, khơi thông dòng chảy thu hút đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực như: công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ - du lịch…