Các yếu tố ảnh hưởng đến ổn định tài chính của ngân hàng thương mại Việt Nam

PGS., TS. Nguyễn Quốc Anh, Hồ Lương Linh, Phan Thị Anh, Trần Thục Đoan, Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH)

Các bất ổn tài chính quốc tế gần đây đã nêu bật mối liên hệ gắn bó giữa thị trường tài chính và nền kinh tế thật. Nghiên cứu này khám phá những yếu tố chính của sự ổn định tài chính tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng phương pháp tiếp cận dữ liệu bảng của 20 ngân hàng thương mại tại Việt Nam giai đoạn 2013 – 2022. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quy mô ngân hàng, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, sở hữu nước ngoài, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát và dịch bệnh COVID-19 là những yếu tố chính của sự ổn định ngân hàng. Qua đó, nhóm tác giả nêu ra các hàm ý cho các bên liên quan.

Giới thiệu

Ngân hàng được coi là một trung gian tài chính thực hiện nhiệm vụ là kênh chu chuyển vốn quan trọng, cung ứng dịch vụ tài chính và có tác động cực kỳ lớn cho sự tiến bộ của nền kinh tế thị trường. Sự ổn định tài chính của tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) chi phối đến nền kinh tế thật (Ben Bouheni và Hasnaoui, 2017).

Trong các bằng chứng nghiên cứu về sự ổn định tài chính của NHTM, những yếu tố vĩ mô cũng được nhấn mạnh là có mắt xích nối đáng kể đến các rủi ro mà ngân hàng gặp phải (Phan và cộng sự, 2019).

Tuy nhiên, các yếu tố nội tại thuộc ngân hàng có thể nhắc đến như quy mô ngân hàng, rủi ro tín dụng, tính thanh khoản lại được xem là nguyên nhân chính gây ra rủi ro cho ngân hàng (Võ Xuân Vinh và Đặng Bửu Kiếm, 2016; Ben Bouheni và Hasnaoui, 2017; Phan và cộng sự, 2019; Minh và cộng sự, 2020; Tram và Nguyen, 2020). Để tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ổn định tài chính các NHTM Việt Nam, nghiên cứu này sử dụng phương pháp tiếp cận dữ liệu bảng của 20 NHTM tại Việt Nam giai đoạn 2013-2022.

Cơ sở lý thuyết

Khái niệm về sự ổn định ngân hàng thương mại

Ổn định hệ thống tài chính là tiền đề của ổn định ngân hàng, vì vậy trước khi tìm hiểu về ổn định ngân hàng, cần hiểu rõ ổn định hệ thống tài chính. Ổn định tài chính đã được định nghĩa riêng theo từng quốc gia. Được đề cập đến đầu tiên bởi ngân hàng trung ương (NHTW) Anh, theo đó “ổn định tài chính hàm ý việc xác định rủi ro trong hệ thống tài chính và hành động để giảm thiểu chúng”.

NHTW Thụy Sỹ cho rằng: “ổn định hệ thống tài chính nghĩa là một hệ thống tài chính mà trong đó các chủ thể - trung gian tài chính, thị trường tài chính và hạ tầng tài chính thực hiện tốt các chức năng của mình và có khả năng chống đỡ được các cú sốc tiềm ẩn”. Hay theo NHTW châu Âu, “ổn định tài chính là trạng thái trong đó hệ thống tài chính gồm các trung gian tài chính, thị trường và hạ tầng tài chính có khả năng chống đỡ được các cú sốc và những rủi ro do sự mất cân đối tài chính gây ra từ đó làm giảm bớt khả năng sụp đổ của các trung gian tài chính vốn có tác động tiêu cực đối với việc phân bổ tiết kiệm và đầu tư”.

Xuất phát từ quan điểm về ổn định tài chính, các nghiên cứu chỉ ra rằng, sự ổn định của ngân hàng là điều kiện thiết yếu để phân bổ hiệu quả nguồn lực, quản lý rủi ro tài chính và đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững. Có thể khái quát về ổn định ngân hàng như sau: Ổn định ngân hàng là khả năng một ngân hàng hoạt động một cách bền vững và an toàn trong thời gian dài, đồng thời có khả năng đáp ứng các yêu cầu tài chính của khách hàng và của ngân hàng một cách hiệu quả.

Tổng quan các nghiên cứu trước

Các nghiên cứu rộng rãi ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đã được tiến hành để kiểm chứng các yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định NHTM. Xem xét ở Đông Á, Phan và cộng sự (2019) đã đo lường sự ổn định ngân hàng qua 2 đại lượng Z-scoreROA và Z-scoreROE. Kết quả cho thấy, có mối quan hệ cùng chiều của nhân tố rủi ro tín dụng, quy mô ngân hàng, sự ổn định năm trước và tỷ lệ lạm phát tới ổn định ngân hàng.

Tuy nhiên, rủi ro thanh khoản và tăng trưởng GDP lại có ảnh hưởng ngược chiều tới ổn định ngân hàng. Ở Tây Á, Shahriar và cộng sự (2022) dùng hồi quy dữ liệu bảng của các NHTM được niêm yết trong giai đoạn 2004 – 2018. Nhóm tác giả quyết định chọn hệ số Z – score và tỷ lệ nợ xấu (NPL) để thể hiện sự ổn định tài chính của NHTM. Phát hiện mới chính là rủi ro tín dụng (tỷ số dư nợ cho vay trên tổng tài sản) có tác động đồng biến đến sự ổn định của ngân hàng.

Trái ngược, quy mô ngân hàng, tỷ lệ đòn bẩy và nợ dài hạn nghịch biến đến sự lành mạnh của NHTM. Còn Ben Bouheni và Hasnaoui (2017) đã tìm hiểu hành vi mang tính chu kỳ về sự ổn định tài chính của ngân hàng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nghiên cứu xem xét rủi ro vỡ nợ tổng thể Z-score là chỉ số về sự ổn định tài chính ở cấp độ ngân hàng. Qua việc sử dụng ước tính GMM hai bước, tác giả chỉ ra các ngân hàng quan tâm nhiều hơn vào hoạt động tín dụng sẽ đối mặt với bất ổn tài chính.

Ở Việt Nam, nghiên cứu do Võ Xuân Vinh và Đặng Bửu Kiếm (2016) gợi ý rằng, tỷ lệ cho vay, tỷ lệ huy động vốn, việc niêm yết tác động cùng chiều đến sự ổn định ngân hàng. Nghiên cứu của Nguyen và cộng sự (2018) quyết định dùng hệ số Z-score và NPL để quan sát sự ổn định của NHTM đã gợi ý quy mô tài sản, rủi ro tín dụng ảnh hưởng ngược chiều đến sự ổn định tài chính của NHTM.

Nghiên cứu của Tram và Nguyen (2020) chọn Z – score làm đại diện cho tính ổn định tài chính của NHTM. Tác giả đã trưng ra quy mô ngân hàng, rủi ro thanh khoản và mức độ cho vay tác động ngược chiều đến sự ổn định ngân hàng. Kết quả cũng gợi ý rằng sự phát triển kinh tế và lạm phát đồng biến với sự ổn định ngân hàng. Còn nghiên cứu của Minh và cộng sự (2020) lại tìm thấy quy mô ngân hàng có chi phối cùng chiều đến ổn định tài chính. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng cho vay và tổng số khoản cho vay trên tổng tài sản lại gây ra bất ổn.

Mô hình và phương pháp nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

BẢNG 1: MÔ TẢ CÁC BIẾN (CHIỀU TÁC ĐỘNG LÀ SỰ ỔN ĐỊNH)

Ký hiệu

Diễn giải

Đo lường

Kỳ vọng

Biến phụ thuộc (STAB)

ZSCORE

Hệ số phá sản

Các yếu tố ảnh hưởng đến ổn định tài chính của ngân hàng thương mại Việt Nam - Ảnh 1

 

NPL

Tỷ lệ nợ xấu

Các yếu tố ảnh hưởng đến ổn định tài chính của ngân hàng thương mại Việt Nam - Ảnh 2

 

Biến độc lập

SIZE

Quy mô ngân hàng

SIZE=ln(Tổng tài sản)

+

CRISK

Rủi ro tín dụng

Dư nợ cho vay/Tổng tài sản

+

LRISK

Rủi ro thanh khoản

Tổng tiền gửi/Tổng tài sản

-

OWN

Biến giả: Vốn chủ sở hữu nước ngoài

Nhận giá trị 1 nếu có sở hữu nước ngoài, ngược lại nhận giá trị 0.

-

GDP

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm

Tăng trưởng tổng tài sản quốc nội, đo lường bằng tỷ lệ % tăng trưởng GDP

+

INF

Tỷ lệ lạm phát hàng năm

Thay đổi trong tỷ lệ lạm phát, đo lường bằng tỷ lệ % CPI

+

COVID

Biến giả: Dịch bệnh COVID-19

Nhận giá trị 1 cho giai đoạn có dịch bệnh, ngược lại nhận giá trị 0

-

ZSCORE : Hệ số Z – score được tính bằng cách tận dụng khoảng thời gian luân phiên ba năm (năm hiện tại và hai năm liền kề trước) để tìm giá trị độ lệch chuẩn của ROA tại một năm cụ thể t với mục đích để khiến cho hệ số Z – score trở nên nhạy cảm hơn (Phan và cộng sự, 2019; Ben Bouheni và Hasnaoui, 2017

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

 

Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính các NHTM ở Việt Nam, nhóm tác giả đã kế thừa nghiên cứu của Nguyen và cộng sự (2018), Phan và cộng sự (2019) để thiết kế mô hình nghiên cứu định lượng như sau:

STAB = f(STAB,SIZE,CRISK, LRISK,OWN,GDP,INF,COVID)

Trong đó, nhóm tác giả lựa chọn quan sát sự ổn định của NHTM (STAB) theo hai chỉ báo bao gồm: hệ số Z-score và NPL.

Phương pháp phân tích và dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu của nhóm đã sử dụng dữ liệu bảng của 20 NHTM ở Việt Nam từ năm 2013 đến năm 2022. Nhóm tác giả lần lượt sử dụng các phương pháp: thống kê mô tả, phân tích sự tương quan, kiểm tra khuyết tật, kiểm tra hiện tượng nội sinh, thực hiện các kiểm định cho mô hình OLS, REM, FEM, GLS. Nếu tồn tại hiện tượng nội sinh, nhóm tác giả hồi quy mô hình theo phương pháp ước tính GMM.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Nhóm tác giả đã thực hiện thống kê mô tả, phân tích sự tương quan, kiểm tra khuyết tật, kiểm tra hiện tượng nội sinh. Qua đó, nhóm tác giả phát hiện ở mô hình có biến quan sát sự ổn định qua hệ số Z – score tồn tại hiện tượng phương sai thay đổi và tự tương quan và xuất hiện thêm vấn đề nội sinh, do đó, nhóm tác giả hồi quy GMM nhằm khắc phục. Còn mô hình có biến quan sát sự ổn định qua tỷ lệ nợ xấu (NPL) cũng tồn tại hai khuyết tật kể trên nên quyết định hồi quy FGLS.

Biến phụ thuộc là hệ số Z – score

Hệ số Z – score của quá khứ có ảnh hưởng cùng chiều đến hệ số Z – score của năm hiện tại, đồng nghĩa là sự ổn định tài chính của năm trước là nền tảng hệ trọng cho sự ổn định tài chính ở năm tiếp đó, tương thích nghiên cứu của Phan và cộng sự (2019), Tram và Nguyen (2020).

Kết quả của ước lượng cho thấy tại Việt Nam, các ngân hàng có quy mô lớn hơn sẽ ổn định hơn. Các nghiên cứu có kết quả tương đồng gồm Phan và cộng sự (2019), Minh và cộng sự (2020).

Rủi ro tín dụng (CRISK) có tác động tích cực tới sự ổn định tài chính của NHTM và là biến giải thích tốt. Kết quả này phù hợp với các công trình trong quá khứ: Võ Xuân Vinh và Đặng Bửu Kiếm (2016), Phan và cộng sự (2019), Shahriar và cộng sự (2022).

Khác với kỳ vọng của nhóm tác giả, Bảng 2 cho thấy sở hữu nước ngoài tương quan dương đến sự ổn định. Dựa vào cơ sở của giả thuyết lợi thế toàn cầu, các NHTM có sở hữu nước ngoài hưởng lợi từ lợi thế cạnh tranh so với sở hữu trong nước, ví dụ như công nghệ thông tin tiên tiến và quản trị rủi ro tốt hơn.

BẢNG 2: KẾT QUẢ HỒI QUY

Biến phụ thuộc : lZSCORE

NPL

 
 

GMM

FGLS

L.lZSCORE

0,288**

 

NPL1

 

0,366***

SIZE

0,698**

-0,000452

CRISK

3,602***

-0,00178

LRISK

0,0367

0,00327**

OWN

1,014**

-0,0000388

GDP

-15,35***

-0,00969

INF

13,06*

0,108***

COVID

-0,648***

-0,00268***

cons

-13,38**

0,0172*

p-value AR(1)

0,010

 

p-value AR(2)

0,142

 

p-value Hansen test

0,953

 

p-value F test

0,000

 

Ghi chú: *, **, *** thể hiện các hệ số có ý nghĩa lần lượt là mức 10%, 5% và 1%.

Nguồn: Kết quả từ STATA 17 và tổng hợp

 

Tăng trưởng GDP có chi phối tiêu cực đáng kể đến mức độ ổn định ngân hàng và là biến giải thích tốt. Kết quả tương đồng với phát hiện của Phan và cộng sự (2019).

Tỷ lệ lạm phát INF có chi phối tích cực và đáng kể đến sự ổn định của ngân hàng. Sự gia tăng INF thường dẫn đến tăng lãi suất tiền gửi và cho vay. Hơn nữa, lạm phát vừa phải có xu hướng tăng cường sự ổn định của nền kinh tế và khuyến khích đầu tư kinh doanh, hệ quả là làm tăng nhu cầu vay vốn. Điều này có thể góp phần làm tăng lợi nhuận của ngân hàng.

Mức ý nghĩa 1%, dịch bệnh COVID-19 có sự thúc ép tiêu cực đến sự ổn định tài chính của ngân hàng. Đáp số thực nghiệm này thỏa mãn với kỳ vọng. Quả thực, sự ổn định của ngân hàng trên toàn cầu đã bị hạ thấp hơn trước khi có đại dịch.

Biến phụ thuộc là tỷ lệ NPL

BẢNG 3: KIỂM TRA SAU ƯỚC TÍNH GMM

STT

Kiểm định

Giá trị p-value

Kết luận

1

Kiểm định F về mức độ phù hợp

0,000 < 0,05

Chấp nhận

2

Kiểm định Hansen kiểm tra tính hiệu lực

0,953 > 0,1

Chấp nhận

3

Kiểm định AR(1), AR(2)

AR(1) = 0,010 < 0,1

AR(2) = 0,142 > 0,1

Chấp nhận

Nguồn: Kết quả từ STATA 17 và tổng hợp

 

Ý nghĩa thống kê là 1%, hệ số hồi quy của NPL1 là 0,366. Tỷ lệ nợ xấu năm trước của NHTM càng lớn thì tỷ lệ nợ xấu hiện tại càng lớn, tương tự khám phá của Nguyen và cộng sự (2018).

Tỷ lệ rủi ro thanh khoản có mối quan hệ quan hệ tích cực đáng kể với NPL. Điều này là giống với kỳ vọng ban đầu. Nguyên nhân là khi tiền gửi tăng cao thì ngân hàng “thừa tiền”, gánh nặng trả lãi cho người gửi tiền lớn, trong khi nguồn doanh lợi cốt lõi của ngân hàng là hoạt động cho vay thì lại tăng chậm và giảm sút. Từ đó, làm động lực cho ngân hàng nới lỏng chính sách tín dụng.

Khi tỷ lệ lạm phát tăng, kéo theo nợ xấu tăng theo. Tỷ lệ lạm phát cao làm xói mòn giá trị thực doanh thu của chủ thể đi vay dẫn đến khả năng hoàn trả nợ của họ bị hạn chế.

Cuối cùng, trong thời kỳ COVID-19, nợ xấu có xu hướng giảm. Nguyên nhân là Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ chủ thể đi vay. Do đó, tỷ lệ nợ xấu lúc này chưa phản ánh thực sự những gì đang diễn ra và khả năng cao là khi thời hạn của các thông tư này hết hiệu lực thì NPL sẽ tăng mạnh.

Kết luận và hàm ý

Kết luận

Dựa vào các mô hình phù hợp theo từng biến phụ thuộc, nghiên cứu đã nêu ra các yếu tố tác động đến sự ổn định tài chính tại các NHTM Việt Nam. Ở mô hình đo lường qua Z- score cho thấy sự ổn định tài chính trước đó, quy mô ngân hàng, rủi ro tín dụng, sở hữu ngân hàng, tỷ lệ lạm phát có tương quan dương đến sự ổn định; trong lúc đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế và dịch bệnh COVID-19 lại có tương quan âm. Với mô hình nghiên cứu thông qua NPL, kết quả được được phát hiện là sự ổn định tài chính trước đó và dịch bệnh COVID-19 tương quan dương. Các yếu tố rủi ro thanh khoản và tỷ lệ lạm phát tương quan âm.

Hàm ý

Đối với NHNN và cơ quan quản lý: Thứ nhất, phải không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và ngân hàng. Đồng thời, công tác thanh tra, giám sát các NHTM thường xuyên và tính toán một bộ chỉ số về sự ổn định TC của NHTM là công tác hệ trọng. Thứ hai, cần xem xét nâng lên tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở NHTM để tận dụng được giả thuyết lợi thế toàn cầu. Thứ ba, NHNN cần hướng đến nới lỏng và loại bỏ công cụ hạn mức tín dụng trong tương lai gần. Thứ tư, cần chủ động dự báo, nắm tình hình trước biến động từ vĩ mô.

Đối với nhà quản trị NHTM: Cần nâng cao tổng tài sản để mở rộng quy mô; Đẩy mạnh tăng cường hoạt động cho vay gắn chặt với tuân thủ các quy trình tín dụng; Thiết kế chương trình huy động vốn hợp lý và sản phẩm tín dụng phù hợp; “Mở cửa” để thu hút các đối tác nước ngoài chiến lược; Dự báo tình hình kinh tế vĩ mô tốt không chỉ trong nước mà cả quốc tế

Tài liệu tham khảo:

  1. Võ Xuân Vinh & Đặng Bửu Kiếm (2016). Năng lực cạnh tranh, lợi nhuận và sự ổn định của các ngân hàng Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế, 27(12), 25 – 45;
  2. Arellano, M., & Bond, S. (1991). Some tests of specification for panel data: Monte Carlo Evidence and an application to employment equations. The Review of Economic Studies, 58(2), 277. doi:10.2307/2297968;
  3. Ben Bouheni, F., & Hasnaoui, A. (2017). Cyclical behavior of the financial stability of eurozone commercial banks. Economic Modelling, 67, 392–408. doi:10.1016/j.econmod.2017.02.018;
  4. Minh, S. N., Hong, V. N., Hoang, L. L., & Thuy, T. N. (2020). Does banking market power matter on financial stability? Management Science Letters, 343–350. doi:10.5267/j.msl.2019.8.036;
  5. Nguyen, T. L., Le, A. H., & Tran, D. M. (2018). Bank competition and Financial Stability: Empirical Evidence in Vietnam. Econometrics for Financial Applications, 584–596. doi:10.1007/978-3-319-73150-6_46;
  6. Phan, H. T., Anwar, S., Alexander, W. R., & Phan, H. T. (2019). Competition, efficiency and stability: An empirical study of East Asian Commercial Banks. The North American Journal of Economics and Finance, 50, 100990. doi:10.1016/j.najef.2019.100990.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2024