Cách nào hạn chế buôn lậu xăng, dầu trên biển?
Việc người dân ham rẻ nên mua xăng, dầu trôi nổi vô hình trung đã tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng, dầu trên biển. Để hạn chế tình trạng này, Nhà nước cần có cơ chế bán xăng, dầu với giá ưu đãi cho ngư dân.
Buôn lậu xăng dầu vẫn phức tạp
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389, trong 6 tháng đầu năm 2017, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu vẫn diễn biến phức tạp, trọng điểm tại các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Kiên Giang… Các đầu nậu trong nước cấu kết với các đối tượng người nước ngoài sử dụng tàu, thuyền không treo cờ, quốc tịch hoặc tàu cá đã hoán cải các khoang, hầm, téc bí mật để chứa xăng dầu lậu mua của tàu nước ngoài tại các vùng biển giáp ranh, sau đó bán trực tiếp cho các tàu cá của ngư dân hoặc vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Thủ đoạn buôn lậu rất tinh vi, gây khó khăn trong việc theo dõi, xử lý của các cơ quan chức năng.
Được đánh giá là một trong những những địa phương trọng điểm về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu trên biển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thành Long cho biết, tình hình buôn lậu xăng, dầu diễn biến phức tạp.
Gần đây các lực lượng chức năng bắt giữ nhiều vụ với hàng trăm nghìn lít. Các đối tượng buôn lậu dùng tàu chuyên dụng, trang bị máy có công suất lớn, lợi dụng thời tiết xấu và buổi tối để tiến hành giao nhận xăng dầu, tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng.
Tàu bán dầu là tàu nước ngoài nhận từ cảng Malaysia, Singapore đến vùng biển Việt Nam và bán cho tàu cá của Việt Nam. Hầu hết, các phương tiện này đều trang bị rada định vị hiện đại phát hiện từ xa tàu của lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên biển.
Còn Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Tư lệnh Cảnh sát Biển thì cho biết, 6 tháng qua, tình trạng buôn bán, vận chuyển, sang mạn trái phép xăng, dầu trên biển vẫn tiếp tục phức tạp, nổi lên ở các vùng biển tiếp giáp Indonesia, Thái Lan. Có những vụ số lượng rất lớn bị phát hiện, riêng tiền bán phát mại hàng hóa tịch thu lên tới trên chục tỷ đồng.
Việc buôn lậu xăng, dầu đã gây tác động tiêu cực đối với kinh tế - xã hội đất nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng buôn lậu xăng, dầu không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn trên biển, gây thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh chấp hành đúng pháp luật.
Ngoài ra, việc buôn lậu xăng, dầu dẫn đến chất lượng xăng, dầu không được kiểm soát, gây nguy hại đến động cơ máy móc; gây mất an toàn cho ngư dân trên biển và ô nhiễm môi trường.
Dù biết rằng mua xăng, dầu trôi nổi trên biển có thể không bảo đảm chất lượng và tiềm ẩn nhiều rủi ro, song người dân vì tâm lý “ham rẻ” vẫn tiêu thụ xăng, dầu không rõ nguồn gốc. Ông Nguyễn Thành Long cho biết, giá xăng dầu của một số nước như Indonesia, Singapore thấp hơn nước ta nên một số đối tượng người gốc Việt ở nước ngoài móc nối với các đối tượng trong nước để mua bán xăng, dầu trên biển.
Một trong những yêu cầu đặt ra để hạn chế, tiến tới ngăn chặn tình trạng này là cần có giải pháp để xóa bỏ tâm lý ham rẻ của người dân. Để làm được điều này, có ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế bán xăng, dầu với giá ưu đãi cho ngư dân. Cùng với đó là tăng cường tuyên
truyền cho người dân biết được tác hại của việc tiêu thụ hàng buôn lậu. Các lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng cần phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, tiến hành đồng bộ các giải pháp quản lý hành trình của phương tiện khai thác trên biển; tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời hành vi vi phạm.
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để bảo đảm hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm cung cấp đủ xăng, dầu cho ngư dân trên biển với giá cạnh tranh. Bởi lẽ, giá cạnh tranh thì mới khuyến khích ngư dân mua bán chính ngạch. Nếu giá không cạnh tranh thì ngư dân vẫn cứ ham rẻ, tiêu thụ xăng dầu của các đầu lậu - ông Sơn đặc biệt nhấn mạnh.