Cách nhận diện và xác định nhân viên tài năng
Tài năng là một chủ đề hấp dẫn với giới làm nhân sự. Chỉ cần tìm trên Amazon.com về chủ đề tài năng, đã thấy có trên 2.000 tựa sách liên quan. Tuy vậy, trong trao đổi, có vẻ khái niệm tài năng cũng có nhiều khác biệt, tùy vào mỗi người tự xây dựng trong đầu mình một khái niệm “tài năng” như thế nào.
Trong một bài nói chuyện tại Brisbane, Úc, tại một hội thảo về nhân sự năm 2016, vị giáo sư Trường London Business School, Tomas Chamorro-Premuzic, đã đưa ra khái niệm của ông về tài năng, qua đó chia sẻ 4 nguyên tắc để xác định tài năng và 3 đặc điểm cần có để nhận diện.
Đầu tiên là dùng nguyên tắc Pareto, hay vẫn gọi là quy tắc 80:20, ở trường hợp này là trong bất kỳ một nhóm nhân viên nào cũng có 20% trong số họ chịu trách nhiệm về 80% năng suất, dù ai cũng mong muốn mọi người đóng góp công sức như nhau cho tổ chức. Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho đối tượng gây ra những vấn đề cho một tổ chức, đôi khi đó cùng là một người!
Nguyên tắc tiếp theo khá quen thuộc về kết quả công việc, theo đó kết quả công việc của con người có thể lên xuống theo thời gian. Các tổ chức có thể theo dõi và ghi nhận về kết quả làm việc của nhân viên trong một thời gian dài để thấy được kết quả này.
Nguyên tắc thứ ba khá thú vị, nó giữ lại kết quả công việc nhưng loại ra yếu tố nỗ lực của nhân viên. Chamorro-Premuzic tóm tắt ngắn gọn là kết quả công việc luôn tùy thuộc vào khả năng và động lực, hoặc khả năng và nỗ lực. Do đó, tài năng hay khả năng sẽ là kết quả công việc sau khi loại bỏ đi phần nỗ lực.
Lấy ví dụ, có hai nhân viên cùng hoàn thành một nhiệm vụ, trong đó có một nhân viên tài năng hơn người còn lại. Người tài năng hơn không cần nhiều nỗ lực để cho ra cùng kết quả như người không tài năng bằng. Tương tự vậy, nếu hai nhân viên ấy cùng được động viên như nhau thì người tài năng hơn sẽ có kết quả vượt trội.
Nói như vậy nhưng Chamorro-Premuzic vẫn nhắc lại rằng nhận định trên không có nghĩa là các tổ chức sẽ không cần đào tạo và phát triển những nhân viên kém tài năng; người làm nhân sự chỉ cần ưu tiên nhận diện và tuyển chọn người có tài hơn.
Cuối cùng là nguyên tắc nhân cách của tài năng được dùng đúng chỗ. Theo Chamorro-Premuzic, nếu đặt một nhân viên vào vị trí mà cung cách, xu hướng và thói quen của họ thích hợp thì nhân cách của người ấy sẽ làm nên tài năng.
Chamorro-Premuzic gút lại về 4 nguyên tắc này: “Điều có thể nói là các tổ chức cần tìm ra những con người có năng suất làm việc cao nhất, có kết quả công việc cao nhất so với số còn lại. Họ thể hiện kết quả công việc cao với không nhiều nỗ lực, nếu còn có thêm sự động viên thì kết quả còn cao hơn nữa. Cần phải có một vai trò hay môi trường tốt cho khả năng của họ được phát huy”.
Để đánh giá, nghĩa là để làm rõ giá trị tài năng, Chamorro-Premuzic cho rằng cần chú ý đến 3 đặc điểm: khả năng, tính dễ mến và động lực của tài năng.
Khả năng của một tài năng, theo Chamorro-Premuzic, là năng lực chuyên môn, những gì họ biết và những gì họ cần phải học hỏi tiếp, ngoài ra còn là khả năng loại trừ các yếu tố không liên quan trong một tình huống hay một vấn đề.
Tính dễ mến của một tài năng làm cho mọi người xung quanh cảm thấy dễ chịu và thích làm việc cùng với người đó, dù công việc nặng nề đến đâu. Đó cũng là yếu tố quan trọng nhất giúp tài năng thành công trong sự nghiệp.
Động lực của tài năng nói lên tham vọng của họ, hoặc nói khác đi là khả năng giữ cho được sự không dễ hài lòng với những gì đã đạt được. Để thúc đẩy họ càng tiến xa hơn về phía trước.