Cải cách quy định kinh doanh vì người dân và doanh nghiệp
Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh nhằm tạo đòn bẩy để thúc đẩy mạnh mẽ cải cách quy định kinh doanh là công cụ hỗ trợ cải cách, bảo đảm thực hiện hiệu quả và bền vững Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định mới và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan – Văn phòng Chính phủ đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo "Khung đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh và giải pháp công nghệ phân tích dữ liệu phục vụ thống kê, rà soát, cải cách quy định kinh doanh" do Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức mới đây. Hội thảo do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ thông qua Dự án kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cắt giảm, đơn giản hóa hơn 640 quy định kinh doanh
Thông tin về kết quả cải cách trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan cho biết, thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, Văn phòng Chính phủ tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Tổng số quy định hiện hành đã được cập nhật là 12.451 quy định, trong đó, đã duyệt công khai 9.440 quy định.
Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định kinh doanh. Tổng số quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa trong 6 tháng đầu năm là 641 quy định, gồm: 174 TTHC; 26 yêu cầu, điều kiện; 15 chế độ báo cáo; 426 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại 56 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 4 luật, 17 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 29 thông tư, thông tư liên tịch và 4 văn bản khác).
Đến nay, có 9 bộ, cơ quan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định kinh doanh, gồm: 757 TTHC; 39 chế độ báo cáo; 123 yêu cầu điều kiện; 137 tiêu chuẩn, quy chuẩn và 51 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Dự kiến sửa đổi, bổ sung 190 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 12 luật, 6 pháp lệnh, 74 nghị định, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 95 thông tư, thông tư liên tịch. Đã ban hành 15 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi cắt giảm, đơn giản hóa 527 quy định kinh doanh.
Cùng với đó, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ (VPCP) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng và đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh để thúc đẩy, duy trì tính bền vững, thường xuyên của hoạt động cải cách các quy định kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và từng bước đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh (nay đổi tên thành Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh), dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh và bộ công cụ đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh. Các ý kiến đóng góp tại hội tảo sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả Cổng tham vấn quy định kinh doanh, tạo đòn bẩy để thúc đẩy mạnh mẽ cải cách quy định kinh doanh.
Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh - công cụ hỗ trợ cải cách
Hiện nay các bộ, ngành khi xây dựng chính sách, thực hiện đăng tải, gửi văn bản xin ý kiến theo đúng quy định pháp luật, nhưng nhận được rất ít ý kiến tham gia góp ý, thậm chí khi nhận được văn bản thì đã hết thời hạn cho ý kiến, đến lúc ban hành, có động chạm, các cơ quan, đối tượng chịu tác động mới phản hồi về quy định này không phù hợp, trái thẩm quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Nêu thực trạng này, ông Ngô Hải Phan cho rằng, Chính phủ mong muốn tiếp cận xây dựng thể chế theo hướng phải huy động được sự tham gia chủ động, tích cực từ phía các bên trong xây dựng chính sách. Để làm được điều này, cần có một cổng tham vấn chung đảm bảo sự tương tác hỗ trợ tối đa cho cán bộ, công chức và đối tượng sử dụng trong quá trình tham vấn chính sách, đi đến tận cùng vấn đề, tìm ra giải pháp hữu ích nhất. Các nội dung quy định cụ thể về chính sách, thủ tục đều được công khai để tham vấn.
Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm, khai thác dữ liệu quy định kinh doanh và huy động người dân, doanh nghiệp đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào cải cách các quy định kinh doanh.
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan
Mặc dù, lãnh đạo quyết tâm cải cách, nhưng một số nơi, cán bộ trong quá trình tham mưu chưa có nhận thức đầy đủ thấu đáo, cố níu kéo lợi ích ngành, lợi ích cục bộ để cài cắm vào trong các quy định. Chỉ ra thực tế này, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho rằng, yêu cầu đặt ra hiện nay là tiếp tục hoàn thiện thể chế đồng bộ, thống nhất, tiệm cận với thông lệ quốc tế, tường minh các quy trình giải quyết TTHC. Cần có mô hình chi phí chuẩn để lượng hóa được cải cách và huy động sự vào cuộc của các đối tượng tuân thủ.
Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh là công cụ hỗ trợ cải cách, bảo đảm thực hiện hiệu quả và bền vững Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, trọng tâm là cải cách quy định TTHC; yêu cầu, điều kiện; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; chế độ báo cáo trong các hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm, khai thác dữ liệu quy định kinh doanh và huy động người dân, doanh nghiệp đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào cải cách các quy định kinh doanh.
Trao đổi về vai trò và và ý nghĩa của Bộ chỉ số đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh, ông Nhâm Như Liêm, chuyên gia dự án LinkSme cho biết, Bộ chỉ số có vai trò quan trọng, là công cụ đo lường, đánh giá một cách thực chất và khách quan, công bằng việc thực hiện cải cách quy định kinh doanh. Các kết quả cải cách sẽ đo đếm, lượng hóa được, dựa trên dữ liệu, theo thời gian thực và trực quan.
Thông qua đánh giá, xếp hạng, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện cải cách quy định kinh doanh, qua đó giúp các bộ, ngành có những điều chỉnh cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực phân tích các chỉ số, ra quyết định dựa trên dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Qua đó, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp khi cùng tham gia góp ý, đánh giá cùng cộng tác để mang lại hiệu quả cao hơn.
Các bộ, cơ quan không chỉ thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của pháp luật, mà còn phải thực hiện một cách chủ động, hiệu quả và thân thiện với người dân, doanh nghiệp. Chính phủ công bố công khai các chỉ số đánh giá thời gian thực nên các bộ, cơ quan phải thường xuyên theo dõi bộ chỉ số của đơn vị mình, trên cơ sở phân tích, xác định các vấn đề, tìm nguyên nhân, và thực hiện các giải pháp xử lý, ông Nhâm Như Liêm khuyến nghị.