Cần đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế kinh doanh qua mạng
Hoạt động kinh doanh online thực tế đem lại rất nhiều lợi nhuận cho người kinh doanh dưới hình thức này. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, các cá nhân, tổ chức kinh doanh online đã biết pháp luật quy định ra sao về hoạt động này.
Hiện nay, đang có rất nhiều cá nhân chuyên làm nghề kinh doanh thương mại qua mạng xã hội, có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và các phương tiện kinh doanh, đồng thời có nguồn thu ổn định, thường xuyên. Thậm chí, có những cá nhân kinh doanh thương mại điện tử có thu nhập lên đến hàng trăm, hàng tỷ đồng mỗi tháng. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nếu như các phương thức kinh doanh truyền thống khác đang gặp khó, bị ảnh hưởng rất lớn, thậm chí phải đóng cửa, phá sản thì hoạt động kinh doanh quan mạng lại đang nở rộ, trở thành cơ hội vàng cho các tổ chức, cá nhân biết tận dụng lợi thế công nghệ.
Chẳng hạn, qua rà soát, thu thập thông tin, dữ liệu quản lý, Cục Thuế Hà Nội xác định có hơn 1.100 cá nhân hoạt động kinh doanh phần mềm, dịch vụ điện tử, trò chơi trên mạng có tổng thu nhập trong 3 năm gần đây (2016-2019) là 4.800 tỷ đồng, trong đó cá nhân có thu nhập cao nhất lên đến 140 tỷ đồng. Sau 1 tháng hỗ trợ, tính đến ngày 24/7/2020 đã có hơn 100 cá nhân đăng ký, kê khai và nộp hơn 10 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng trên tổng doanh thu hơn 151 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cục Thuế Hà Nội đánh giá tỉ lệ cá nhân có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế còn thấp.
Theo các chuyên gia thuế, dù pháp luật về giao dịch điện tử nói chung, các quy định pháp luật liên quan đến việc quản lý, thu thuế phát sinh từ các giao dịch điện tử nói riêng đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, tuy nhiên đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh online vẫn là một vấn đề còn khá mới mẻ, quy định pháp luật về nghĩa vụ nộp thuế đối với loại hình này lại chưa được nhiều người quan tâm. Thực trạng này khiến cho tình trạng thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh qua mạng thời gian qua vẫn còn phổ biến.
Trên thực tế các cơ quan thuế mới chỉ quản lý được các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử có đăng ký, còn các doanh nghiệp không có đăng ký và đặc biệt là các cá nhân tham gia kinh doanh qua mạng xã hội đang trở thành rào cản lớn, thách thức cơ quan thuế trong việc làm sao có thể biết được doanh thu thực sự của những người bán hàng trên mạng để có giải pháp đánh thuế theo quy định của pháp luật.
Qua rà soát, thu thập thông tin, dữ liệu quản lý, Cục Thuế Hà Nội xác định có hơn 1.100 cá nhân hoạt động kinh doanh phần mềm, dịch vụ điện tử, trò chơi trên mạng có tổng thu nhập trong 3 năm gần đây (2016-2019) là 4.800 tỷ đồng, trong đó cá nhân có thu nhập cao nhất lên đến 140 tỷ đồng.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, hiện nay, có nhiều cá nhân kinh doanh sẵn sàng nộp thuế, nhưng họ thường ngại trong việc tìm hiểu các quy định, thủ tục đóng thuế. Anh Thanh Huy - chủ một cửa hàng trên mạng tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, nếu yêu cầu nộp thuế, anh sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ nhưng vấn đề làm sao cho công bằng đối với các đối tượng nộp thuế. "Tôi có thể khai doanh thu của tôi nhưng lỡ như những tài khoản khác khai không thật thì có cách nào biết được không? Khi đó, đối thủ của tôi lại chịu thuế ít, trong khi tôi thành thật khai báo lại bị thuế nhiều?", anh Huy thắc mắc.
Để khắc phục được điều này, theo các chuyên gia, cơ quan có thẩm quyền cần tuyên truyền về trách nhiệm và nghĩa vụ của người nộp thuế, đặc biệt cần đẩy mạnh tuyên truyền về các quy định, đồng thời hướng dẫn kê khai và nộp thuế một cách dễ hiểu thuận lợi nhất. Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới, ngành Thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin để xác định nguồn tiền, đảm bảo ngăn chặn được trốn, tránh thuế, qua đó đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2020 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ rất lớn trong quản lý thuế đối với cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube... góp phần ngăn chặn trốn thuế.