Cần ưu tiên quỹ đất phát triển công nghiệp hỗ trợ
Quỹ đất dành cho công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng đang ngày một khan hiếm. Thậm chí, tại những địa phương còn nhiều tiềm năng phát triển thì việc bố trí quỹ đất cho các nhà máy cũng gặp nhiều vướng mắc. Theo các chuyên gia, để phát triển tốt ngành công nghiệp hỗ trợ thì việc bố trí quỹ đất “an cư” cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đang là bài toán khó với nhiều địa phương.
Thiếu đất để sản xuất tại nhiều địa phương
TP. Hồ Chí Minh hiện đang là địa phương có nhiều công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nằm trong top đầu cả nước, tuy nhiên, để những công ty trên địa bàn này mở rộng sản xuất sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hoàng Thọ Vượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, quỹ đất dành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khá hạn chế là một trong những yếu tố khiến ngành này chưa phát triển mạnh dù có chính sách kích cầu riêng.
Hiện, Thành phố chỉ có 3 khu công nghiệp và khu công nghệ cao có phân khu dành riêng cho nhóm doanh nghiệp này gồm: Phân khu trong Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 có lấp đầy 93/200ha; phân khu trong Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 có 104ha và khu công nghiệp cơ khí ô tô có 65ha lại chưa triển khai. Còn lại, phân khu trong Khu công nghệ cao có 50,3ha đạt chỉ tiêu được giao.
Hiện tại, các dự án mới trong Khu công nghiệp Hiệp Phước không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên doanh nghiệp không thể thế chấp vay vốn ngân hàng, không thể xin giấy phép xây dựng để triển khai dự án theo tiến độ đầu tư hoặc theo quyết định phê duyệt tham gia chương trình kích cầu của UBND TP. Hồ Chí Minh.
Thêm vào đó, theo số liệu của Công ty bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield khi đánh giá về thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, giá thuê đất công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh vẫn xếp hạng cao nhất trên toàn quốc, cao hơn 31% so với Hà Nội, 35% so với Long An, 72% so với Bình Dương, 79% so với Đồng Nai và gần gấp đôi mức giá tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Còn tại Đồng Nai, lần đầu tiên sau 3 thập niên ngự trị trên đỉnh, năm 2022, tỉnh Đồng Nai đã ra khỏi nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu Việt Nam về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 7 tháng qua, dòng vốn FDI đổ vào địa phương này chỉ đạt 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự hụt hơi của Đồng Nai trong cuộc đua thu hút FDI có một nguyên nhân rất quan trọng là tình trạng khan hiếm đất công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã trên 85% diện tích. Theo quy hoạch, tỉnh Đồng Nai được Chính phủ phê duyệt phát triển 35 khu công nghiệp, tuy nhiên, hiện tại mới thành lập được 32 khu công nghiệp trong đó 20 khu đã lấp đầy. Chính vì vậy, cơn khát đất công nghiệp tại địa phương này đang ngày một gia tăng.
Giải bài toán thiếu đất sản xuất
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khan hiếm đất đối với khối công ty công nghiệp hỗ trợ là bởi, dù quỹ đất sản xuất công nghiệp trên địa bàn nhiều địa phương vẫn còn nhưng chủ đầu tư các khu công nghiệp thường quy hoạch phân lô diện tích lớn ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn để tránh phải điều chỉnh quy hoạch và giảm chi phí đầu tư hạ tầng điện, nước, nước thải, đường giao thông nội bộ… Điều này khiến các công ty công nghiệp hỗ trợ thường có quy mô vừa và nhỏ không thể thuê đất để phát triển sản xuất hoặc phải thuê lại của các công ty lớn với giá cao hơn thực tế.
Tuy nhiên, việc khan hiếm đất công nghiệp ở các tỉnh như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh cũng tạo ra cơ hội cho các địa phương lân cận có cơ hội phát triển; nhất là những tỉnh có lợi thế về quỹ đất sạch, thuận tiện giao thông, hệ thống cảng cũng như nguồn lao động dồi dào và chính sách thu hút đầu tư cởi mở.
Điển hình như Long An, một “điểm sáng” mới trong thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp. Cụ thể, tỉnh đã ban hành danh mục gồm 13 dự án để xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp Long An ưu tiên cho các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và công nghiệp hỗ trợ, giá trị gia tăng cao; đồng thời, tăng cường phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh như lắp ráp linh kiện, dệt may, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm… Toàn tỉnh có đến 15.000ha được quy hoạch để phát triển công nghiệp. Môi trường đầu tư cũng được đánh giá là thông thoáng, minh bạch, thân thiện và hiệu quả. Chính quyền tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình từ tìm hiểu, triển khai dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tham mưu về xây dựng quỹ đất cho ngành công nghiệp hỗ trợ, TS. Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, giai đoạn 2022 - 2023 sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Cho nên việc phát triển quỹ đất sản xuất công nghiệp là rất cần thiết, nhất là ở những địa phương có các khu công nghiệp đang đạt tỷ lệ lấp đầy cao.
Ngoài ra việc tạo ra quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng, thu hút nhà đầu tư đến thuê đất như hiện nay, các khu công nghiệp trong nước cũng cần chuyển đổi theo hướng chuyên sâu, đa chức năng, nhằm nâng sức cạnh tranh. Việc quy hoạch khu, cụm công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cần tính đến khả năng tạo chuỗi liên kết ngành cho doanh nghiệp nội tham gia. Đặc biệt, phát triển theo nguyên tắc bảo đảm tính kết nối cung - cầu hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu - cuối, lan tỏa công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; bảo đảm tính liên kết mở giữa các doanh nghiệp trong khu/cụm công nghiệp với các doanh nghiệp bên ngoài và liên kết với các doanh nghiệp khác của các vùng kinh tế trọng điểm.