Cập nhật tình hình các kênh đầu tư tại Việt Nam quý I/2023
Nhiều giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành đã hỗ trợ rất nhiều cho thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng như giảm áp lực lãi suất và tỷ giá, giúp ổn định các kênh đầu tư tại Việt Nam trong quý I/2023.
Thị trường cổ phiếu
VN-Index tăng 3.9% trong tháng 3/2023, bất chấp những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu. Kết thúc quý I/2023, chỉ số VN-Index tăng 5,7% so với cuối năm 2022. Mức tăng tích cực này đến nhiều thông tin hỗ trợ của các chính sách, dòng tiền khối ngoại và tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn.
Trong tháng 3/2023, nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và thị trường tài chính được Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan liên quan đồng loạt đưa ra như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 33/NQ-CP… Thị trường đồng thời đón nhận 2 lần hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vào giữa và cuối tháng 3.
Về dòng tiền, khối ngoại mua ròng gần 2.800 tỷ đồng trong tháng 3, sau khi bán ròng trong tháng 2. Dòng tiền ngoại được kỳ vọng là lực đẩy cho thị trường thời gian tới khi định giá thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn so với khu vực và thế giới với chỉ số định giá P/E khoảng 12,5 lần
Trái phiếu doanh nghiệp
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý I/2023 ước đạt 29.000 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên tăng hơn 7 lần so với quý IV/2022.
Trong đó, có khoảng 3.500 tỷ đồng phát hành ra công chúng và gần 25.500 tỷ đồng phát hành riêng lẻ. Đáng chú ý, kể từ ngày 6/3/2023, sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực, khối lượng phát hành đạt tới 23.825 tỷ đồng, tương đương với 95% tổng khối lượng phát hành cả 3 tháng.
Bất động sản vẫn là lĩnh vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp có giá trị lớn nhất, chiếm hơn 80% tổng giá trị phát hành.
Kì hạn bình quân trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu trong khoảng từ 2 đến 5 năm, cao nhất tại nhóm ngân hàng với bình quân 7,3 năm.
Bất động sản
Thiếu hụt nguồn vốn cho cả doanh nghiệp phát triển và người mua bất động sản tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến cả nguồn cung cũng như số lượng giao dịch thành công trong năm 2022. Trong quý I/2023, tình hình này vẫn chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể.
Trong những tháng đầu năm, giá căn hộ giảm đáng kể do có nhiềm dự án mới với mức giá cạnh tranh hơn và các chủ đầu tư chiết khấu cho khách hàng. Giá căn hộ trung cấp và bình dân giảm lần lượt 2% và 10% so với quý IV/2022, tuy nhiên, giá căn hộ cao cấp vẫn giữ nguyên.
Tiền gửi tiết kiệm
Ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ tín dụng, giảm áp lực lãi vay lên doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động, chủ yếu về quanh mức 7%-8% vào cuối quý I.
Mặt bằng lãi suất được kỳ vọng có thể tiếp tục giảm trong năm 2023. Đáng chú ý, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng hiện không quá cách biệt so với kỳ hạn 12 tháng và từ 24 tháng trở lên.
Thậm chí, trong tháng 3/2023, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng cao nhất lên tới 8,7% một năm. Tại một số ngân hàng, mức lãi suất này còn cao hơn cả các kỳ hạn trên 12 tháng.
Vàng
Giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng 7,8% trong quý đầu năm 2023 trước những lo ngại về cuộc khủng hoảng lĩnh vực ngân hàng toàn cầu và sự giảm giá của đồng USD.
Vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank, thương vụ UBS thâu tóm Credit Suisse đã dấy lên những lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ và thế giới. Yếu tố này dự báo khiến Fed phải điều chỉnh triển vọng chính sách tiền tệ từ việc giữ mặt bằng lãi suất ở mức cao sang giảm lãi suất sớm hơn kế hoạch trước đó. Điều này khiến mức tăng giá vàng trong tháng 3/2023 là mức tăng giá 1 tháng cao nhất kể từ tháng 7/2020.
Dù vậy, với những hành động quyết liệt của Fed và các cơ quan quản lý trong việc ổn định tâm lý thị trường, tới cuối tháng 3, đà tăng giá của vàng đã chững lại.
Ngoại tệ USD
Sau khi tăng mạnh nửa cuối năm 2022, tỷ giá đồng USD đã ổn định trở lại và cho thấy xu hướng giảm nhẹ trong quý I/2023.
Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 4 tỷ USD trong quý I/2023, đồng nghĩa với việc cơ quan điều hành đã bơm ra gần 100.000 tỷ đồng, giúp thanh khoản hệ thống tương đối dồi dào.
Thặng dư cán cân thương mại, dòng vốn FDI và dòng vốn gián tiếp từ các thương vụ bán vốn hỗ trợ đáng kể nguồn cung USD. Vì vậy, áp lực tỷ giá lên đồng VND được kỳ vọng tiếp tục giảm trong quý II.