Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022):
Chấp hành dự toán ngân sách nhà nước gắn với cân đối thu - chi giai đoạn 1981 - 1985
Công tác lập và chấp hành ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 1981-1985 đã đi vào nề nếp góp phần thúc đẩy quản lý kinh tế - tài chính và đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ thu - chi NSNN.
Lập và chấp hành NSNN dần đi vào nề nếp
Trong giai đoạn 1981-1985, viêc lập kế hoạch NSNN đã có sự phối hợp bước đầu giữa Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước về những chỉ tiêu kinh tế tổng hợp liên quan đến kế hoạch ngân sách, đặc biệt là khả năng vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ bản và cân đối vật tư cho những sản phẩm chủ yếu có tích luỹ tiền tệ cao.
Cùng với đó, việc chấp hành NSNN từng bước được chấn chỉnh, chủ trương phân cấp quản lý tài chính - ngân sách cho địa phương đảm nhận những khoản thu - chi của mỗi cấp ngân sách phù hợp với nhiệm vụ kinh tế - xã hội được giao. Điều này đã thúc đẩy các địa phương tăng cường quản lý sử dụng vốn, kinh phí có hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, ngành Tài chính đã tiến hành thanh tra ngân sách ở một số địa phương, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý một số vụ việc vi phạm kỷ luật tài chính, xuất toán những khoản chi sai chế độ, thu hồi các quỹ trái phép, phát hiện và kiến nghị nộp vào NSNN các khoản thu tồn đọng tại các xí nghiệp quốc doanh.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc cân đối tổng hợp trong khâu lập ngân sách chưa thể hiện được mối quan hệ giữa kế hoạch thu - chi tài chính với sự biến động giá cả. Do vậy, quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, trong khi việc quản lý nguồn thu chưa chặt chẽ, số thu tăng không đủ bù đắp với nhu cầu chi tăng lên, làm cho công tác điều hành ngân sách bị động.
Hai đợt tổng điều chỉnh giá - lương - tiền năm 1981-1985 và năm 1985 khiến dung sai giữa kế hoạch ngân sách với quyết toán ngân sách trình Quốc hội phê chuẩn rất lớn (quyết toán thu bằng 1,6 đến 1,8 lần kế hoạch, quyết toán chi bằng 2,1 đến 2,2 lần kế hoạch). Điều này dẫn tới tình trạng thâm hụt ngân sách ở mức cao.
Một hạn chế khác, việc chấp hành NSNN tại nhiều ngành, đơn vị kinh tế quốc doanh chưa được quan tâm đúng mức; các đơn vị, ngành nghề chưa thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính... dẫn tới thâm hụt ngân sách.
Ngoài ra, việc lập quyết toán và tổng hợp quyết toán NSNN tại nhiều ngành, đơn vị trong giai đoạn này còn bị xem nhẹ. Đối với các ngành các cấp, việc theo dõi và kiểm tra công tác kế toán, quyết toán của các đơn vị dự toán không được thường xuyên, chế độ báo cáo và biểu báo kế toán chưa đựơc sửa đổi và hoàn thiện sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đối với cơ quan tài chính các cấp, việc kiểm tra hạch toán kế toán ngân sách giữa các khâu lập và chấp hành chưa có sự ràng buộc lẫn nhau, khiến công tác quyết toán NSNN thiếu chính xác...
Cân đối thu - chi ngân sách đáp ứng yêu cầu bức thiết của kinh tế
Bên cạnh công tác lập và chấp hành NSNN, trong giai đoạn 1981-1985, ngành Tài chính đã chú trọng triển khai cân đối NSNN. Nhờ đó, tình hình cân đối NSNN giai đoạn này đã phần nào đáp ứng các yêu cầu bức thiết của kinh tế, quốc phòng và tiêu dùng xã hội.
Tuy nhiên, nguồn thu từ nền kinh tế tăng chậm, không đảm bảo yêu cầu chi thực hiện các mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Mức chi cho tích luỹ thấp hơn nhiều so với nhu cầu, phải hạn chế vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong khi đó, mức chi cho tiêu dùng giảm do tình hình giá cả tăng nhanh hơn mức tăng chi, tiền lương danh nghĩa tăng, nhưng tiền lương thực tế không đảm bảo do sức mua của đồng tiền giảm sút. Trên thực tế, mặc dù đã hạn chế chi tiêu cho xây dựng và đời sống nhưng bội chi NSNN vẫn rất lớn. Thu trong nước mới đáp ứng được 48% tổng chi NSNN.
Đặc biệt, bội chi ngân sách kéo dài đã làm trầm trọng thêm mức độ lạm phát và tác hại không nhỏ đối với nền kinh tế - xã hội, kìm hãm sản xuất và gây thiệt hại lớn người tiêu dùng, nhất là người lao động và người có thu nhập thấp.
Đáng chú ý, trong giai đoạn này, cân đối thu - chi NSNN được thực hiện trong điều kiện nền kinh tế và tài chính có nhiều khó khăn, cộng thêm hai lần tổng điều chỉnh giá - lương - tiền năm 1981 và 1985 đã tác động lớn đến tình hình NSNN, làm cho ngân sách đã bội chi lại càng thêm thâm thủng nhiều hơn... Những tồn tại, hạn chế trên đòi hỏi phải có chính sách, biện pháp khắc phục theo hướng phù hợp trong giai đoạn mới.
Tài liệu tham khảo:
1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;
2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).