Chính sách biên giới bao giờ hết vướng?

PV.

Thông tư 52/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương (Thông tư 52) quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân tại Quyết định 52/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới có hiệu lực và áp dụng vào thực tế 6 tháng nay, nhưng hiện một số vướng mắc liên quan đến việc giới hạn các mặt hàng được NK qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới vẫn chưa được tháo gỡ.

Hàng hóa XK qua cửa khẩu Cốc Nam chủ yếu là nông sản
Hàng hóa XK qua cửa khẩu Cốc Nam chủ yếu là nông sản

Điều này đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại biên giới của các DN, hộ kinh doanh tại các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Vướng mắc kéo dài

Nhằm đưa chính sách quản lý biên giới áp dụng vào thực tế đạt hiệu quả, Cục Hải quan Lạng Sơn đã chủ động tuyên truyền, thông báo và phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn cho cộng đồng DN tham gia hoạt động XNK thường xuyên qua cửa khẩu về việc triển khai thực hiện theo các quy định hiện hành.

Các DN cũng đã chủ động đăng ký tại Sở Công Thương theo hướng dẫn và đã được UBND tỉnh Lạng Sơn đưa vào danh sách thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở. Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành 3 quyết định công bố danh sách 487 thương nhân trong và ngoài tỉnh được phép hoạt động mua bán hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở.

Cục Hải quan Lạng Sơn cũng đã phối hợp với Sở Công Thương lập danh sách Danh mục hàng hóa NK ngoài danh mục quy định tại Phụ lục II Thông tư 52 và đã được UBND tỉnh Lạng Sơn trình xin ý kiến Bộ Công Thương xem xét để kịp thời ban hành chính thức danh mục hàng hóa XNK qua cửa khẩu phụ, lối mở.

Đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, từ khi triển khai thực hiện Thông tư 52 đến nay, UBND tỉnh chưa ban hành Danh mục hàng hóa ngoài danh mục thuộc Phụ lục II được phép NK qua các cửa khẩu phụ, lối mở. Do đó, trong khi chờ UBND tỉnh Lạng Sơn ban hàng danh mục hàng hóa NK ngoài danh mục và thời gian NK, để tránh ách tắc hàng hóa XNK tại cửa khẩu, đơn vị đã đề xuất UBND tỉnh cho phép cơ quan Hải quan căn cứ theo ngành nghề kinh doanh đã đăng ký của thương nhân và quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP để làm thủ tục NK hàng hóa.

Thực tế tại Cục Hải quan Lạng Sơn cho thấy, cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam là cửa khẩu phụ nằm trong KKT cửa khẩu, tại cửa khẩu đã bố trí đầy đủ các lực lượng chức năng và được UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo quản lý nhà nước về Hải quan.

Từ khi được thành lập đến nay các DN có thể XNK tất cả các loại hàng hóa (trừ hàng cấm XNK và nhóm hàng quản lý theo hạn ngạch cấp phép cửa khẩu được phép NK), cho nên với quy định chỉ một vài nhóm hàng, ngành hàng được XNK qua cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam là không hợp lý.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam cho biết, hàng hóa NK qua Chi cục đa dạng về chủng loại như đồ gia dụng, sản phẩm may mặc, máy móc thiết bị, hóa chất, phụ gia thực phẩm…

Theo Danh mục hàng hóa NK thuộc Phụ lục II Thông tư 52 quy định các mặt hàng không phải xin phép UBND tỉnh chỉ có 4 nhóm hàng thực tế hầu như không phát sinh việc NK qua Chi cục. Ông Trần Văn Nghĩa cho rằng, quy định như thế có thể sẽ gây ách tắc hàng hóa NK tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động XNK đang diễn ra bình thường từ trước đến nay và Chi cục sẽ gặp không ít khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu số thu thuế được giao, cũng như trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Cũng nêu vướng mắc này, theo ông Đoàn Tuấn Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, trước thời điểm Quyết định 52/2015/QĐ-TTg và Thông tư 52 được ban hành, hoạt động XNK ở cửa khẩu Tân Thanh diễn ra bình thường, hàng hóa đa dạng với các loại hình XNK. Tuy nhiên, tại Phụ lục II Thông tư 52 quy định 4 nhóm mặt hàng NK qua cửa khẩu phụ, lối mở không phù hợp với các DN thường xuyên có hoạt động XNK qua cửa khẩu Tân Thanh. Các mặt hàng XNK qua cửa khẩu Tân Thanh chủ yếu là hoa quả tươi, hàng tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất… Việc giới hạn các mặt hàng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại biên giới của các DN, hộ kinh doanh tại cửa khẩu.

Ông Đoàn Tuấn Anh nhấn mạnh, các mặt hàng nông sản NK qua cửa khẩu Tân Thanh chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch XNK. Việc thay đổi chính sách pháp luật NK hàng nông sản từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động XK hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc.

Phía Trung Quốc sẽ có những chính sách tương ứng áp dụng cho hàng hóa là các mặt hàng nông sản của Việt Nam XK sang. Điều này sẽ tác động đến tình hình sản xuất trong nước bởi vì cửa khẩu phụ Tân Thanh là nơi XK chủ yếu đối với các mặt hàng nông sản như: Dưa hấu, thanh long, nhãn, vải…

Cần sớm tháo gỡ

Để chính sách biên giới thực sự đạt hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK của thương nhân, DN, trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng, ngoài hàng hóa là tài nguyên, khoáng sản, mặt hàng bình ổn giá, hàng hóa không có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Việt Nam NK qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và hàng hóa ngoài danh mục đã được quy định tại Phụ lục II Thông tư 52, Bộ Công Thương cần có quy định cụ thể tạo quyền chủ động hơn nữa cho UBND tỉnh biên giới có trách nhiệm xin ý kiến Bộ Công Thương về mặt hàng và thời gian cụ thể đối với hàng hóa XNK quy định tại Khoản 2 và Điểm b, Khoản 3 Điều 5 Thông tư 52 theo hướng: “Định kỳ 6 tháng, hàng năm UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương về tình hình XNK đối với hàng hóa XNK quy định tại Khoản 2 và Điểm b, Khoản 3 Điều 5 Thông tư 52”.

Đồng thời, để tạo điều kiện XNK hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở, theo đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn, không nên quy định cụ thể nhóm, ngành hàng XNK qua cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam (trừ hàng cấm XNK và nhóm hàng quản lý theo hạn ngạch cấp phép cửa khẩu được phép NK). Bên cạnh đó, các cửa khẩu phụ còn lại sẽ hạn chế Danh mục các nhóm, ngành hải sản NK, cụ thể, chỉ thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa theo danh mục của UBND tỉnh biên giới công bố.