Chính sách chi ngân sách nhà nước thúc đẩy đổi mới, sáng tạo xanh trong doanh nghiệp
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp đòi hỏi sự kết hợp của nhiều công cụ chính sách khác nhau. Một trong những chính sách công được nhiều quốc gia phát triển trong đó có Việt Nam sử dụng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là các chương trình hỗ trợ tài chính trực tiếp.
Động lực thực hiện đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV đến từ nhiều phía. Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy DNNVV thực hiện đổi mới sáng tạo xanh.
Hiện nay, một trong những chính sách công được nhiều quốc gia phát triển, trong đó có Việt Nam sử dụng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh của DNNVV là các chương trình hỗ trợ tài chính trực tiếp.
Chi ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ và vốn bổ sung cho các quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói chung, đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nói riêng.
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Hoa Cương, Nguyễn Thị Luyến (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trưng ương), nội dung chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
Việc chi ngân sách nhà nước đã được quy định khi thành lập một số quỹ như: Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) được thành lập theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 05/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 20/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Chính sách chi ngân sách nhà nước để bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, chiến lược về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói chung và đổi mới sáng tạo xanh nói riêng, như: Đối với Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2030” (theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016, sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ), kinh phí thực hiện được xác định là ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ cấp cho Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương; kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho các bộ, ngành, địa phương, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo; kinh phí nhà nước cấp cho các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp (bên cạnh các nguồn tài chính hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân và các quỹ đầu tư trong nước, nước ngoài).
Đối với “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” (theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 08/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ), kinh phí thực hiện được xác định một phần từ ngân sách nhà nước trung ương và địa phương (vốn chi thường xuyên). Kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước trung ương và địa phương được xác định hỗ trợ một phần cho một số các hoạt động của Chương trình, đặc biệt phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững; hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững23.
Đối với “Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030” (theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ), nguồn kinh phí thực hiện Chương trình được xác định là nguồn vốn ngân sách nhà nước (chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước) và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đối với “Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030” (theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ), nguồn kinh phí thực hiện Chương trình được xác định là nguồn ngân sách nhà nước (dự kiến 4.400 tỷ đồng), nguồn tín dụng trong nước và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Đối với “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030” (theo Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ), kinh phí thực hiện được xác định: Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện nội dung của Chương trình theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình tại địa phương theo quy định.
Đối với “Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020” (theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ) và hiện nay là “Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025” (theo Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020), kinh phí thực hiện một phần đến từ nguồn ngân sách nhà nước (bên cạnh các nguồn vốn huy động hợp pháp khác).
Đối với “Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định số 2612/QĐ-TTg ngày 30/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ), kinh phí để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chiến lược được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ, tài trợ và các nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và những nguồn vốn hợp pháp khác.
Chính sách chi ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, bao gồm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được chuyển vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được chuyển vào quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa hoặc không thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì kinh phí này được chuyển trực tiếp vào đơn vị dự toán cấp I của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nguồn kinh phí này một phần dành hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ; theo đó, hình thành và phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Việc chi ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở để tìm kiếm các giải pháp công nghệ, đặc biệt công nghệ theo hướng xanh hóa.