Chính sách thuế đối với thị trường chứng khoán phái sinh
Sau 17 năm hình thành và phát triển (tháng 7/2000 - 7/2017), thị trường chứng khoán đã có những đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, phát triển theo chiều sâu. Thị trường chứng khoán phái sinh được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư với hiệu quả sinh lời cao. Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư tham gia, cần có cơ chế khuyến khích thị trường này phát triển, trong đó các chính sách về thuế, phí là một công cụ quan trọng.
Chính sách thuế trên thị trường chứng khoán cơ sở
Thuế được coi là một loại công cụ quan trọng của cơ quan quản lý trong hoạt động quản lý, giám sát và điều tiết thị trường chứng khoán (TTCK). Để tạo điều kiện khuyến khích các chủ thể tham gia TTCK, trong những năm đầu khi thị trường mới đi vào hoạt động, các văn bản, chính sách thuế được ban hành có những ưu đãi nhất định đối với doanh nghiệp (DN) nói chung và các tổ chức kinh doanh chứng khoán nói riêng.
Các ưu đãi về thuế được quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập DN; Thông tư 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn khác.
Có thể kể đến một trong những ưu đãi thuế là các công ty chứng khoán (CTCK) và các quỹ đầu tư được miễn 2 năm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 3 năm. Các công ty thành lập trước ngày 01/01/2004 đã thực hiện miễn giảm thuế TNDN thì tiếp tục được hưởng những ưu đãi trên.
Bên cạnh đó, những đối tượng này còn được hưởng thuế suất TNDN là 20% trong 10 năm kể từ khi khai trương hoạt động kinh doanh (Sau thời gian 10 năm, các CTCK phải chuyển sang nộp thuế TNDN theo mức thuế suất 28%).
Giai đoạn từ 2009 - 2012 là thời điểm khó khăn của nền kinh tế, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và suy thoái kinh tế kéo dài, TTCK gặp nhiều khó khăn, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế.
Trong đó, có thể kể đến, chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cả năm đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán; miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ cổ tức mà cá nhân thực nhận từ ngày 1/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012, do đầu tư vào TTCK, góp vốn mua cổ phần của DN; giảm 50% số thuế TNCN đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân từ ngày 1/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012…
Như vậy, các chính sách thuế trong giai đoạn này đã có sự điều chỉnh theo hướng đứng về phía quyền lợi của nhà đầu tư (NĐT) cũng như các DN.
Từ năm 2013 đến nay, các chính sách thuế trên TTCK cũng đã có nhiều điểm mới và những điều chỉnh hợp lý so với các giai đoạn trước. Hiện nay, các loại thuế được áp dụng trên TTCK Việt Nam chủ yếu là thuế trực thu, tức là trực tiếp điều tiết vào thu nhập của các chủ thể trên thị trường.
Về cơ bản, có thể chia các chính sách thuế trên TTCK Việt Nam thành 3 nhóm sau: (i) Chính sách thuế liên quan đến giao dịch, chuyển nhượng chứng khoán; (ii) Chính sách thuế liên quan đến thu nhập từ lợi tức; (iii) Chính sách thuế liên quan đến hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Theo quy định hiện hành, chứng khoán thuộc dịch vụ tài chính, không thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Hiện nay, các chính sách thuế đối với các đối tượng tham gia trên TTCK được quy định chung trong các văn bản về thuế và mới chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn chính sách thuế đối với các đối tượng tham gia trên TTCK cơ sở. Vì thế, các chính sách thuế đối với TTCK phái sinh (TTCKPS) khi được xây dựng, ban hành và đưa vào áp dụng cần phải có sự tương đồng với các sắc thuế hiện hành trên TTCK cơ sở.
Chính sách thuế áp dụng trên thị trường chứng khoán phái sinh
Nhằm triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển TTCKPS tại Việt Nam” (Quyết định 366/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ), ngày 5/5/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh (CKPS) và TTCKPS, mở ra căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai TTCKPS tại Việt Nam.
Trên quan điểm xây dựng và phát triển TTCKPS theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, ngày 19/1/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 11/2016/TT-BTC quy định chi tiết về hoạt động giao dịch, bù trừ, thanh toán CKPS, tập trung vào 2 sản phẩm đầu tiên là Hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số chứng khoán và HĐTL trái phiếu chính phủ.
Tiếp đó, ngày 16/3/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 23/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP của Chính phủ về CKPS và TTCKPS. Thông tư 23/2017/TT-BTC bổ sung quy định lên quan đến điều kiện hoạt động giao dịch của nhà đầu tư; tài khoản giao dịch và tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư; hoạt động thanh toán của nhà đầu tư; hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch CKPS của thành viên bù trừ và trung tâm lưu ký chứng khoán…
Theo Nghị định 42/2015/NĐ-CP, hợp đồng tương lai (HĐTL) là CKPS niêm yết. Do vậy, CKPS nói chung và HĐTL nói riêng khác với các chứng khoán cơ sở ở chỗ người nắm giữ HĐTL không đại diện cho cổ phần của người sở hữu như cổ phiếu, hay cam kết trả nợ như trái phiếu.
Tham gia giao dịch CKPS thường là những tổ chức, cá nhân muốn tìm kiếm một sản phẩm nhằm phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo lợi nhuận từ việc kinh doanh chênh lệch giá. Do vậy, CKPS có sự khác biệt về đặc điểm, tính chất so với chứng khoán (cổ phiếu) trên thị trường cơ sở, do đó chính sách thuế cần xây dựng phù hợp đối với từng loại chứng khoán.
Cụ thể, CKPS không thuộc diện chịu thuế GTGT: Hiện nay, CKPS được loại trừ ra khỏi diện chịu thuế GTGT, vì thuộc nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán. Theo đó, các giao dịch chuyển nhượng CKPS, CTCK cung cấp dịch vụ môi giới, tự doanh, dịch vụ tư vấn đầu tư CKPS, quản lý danh mục CKPS thuộc diện không chịu thuế GTGT. Vì vậy, thuế đối với CKPS chủ yếu là thuế thu nhập trong hoạt động đầu tư CKPS.
Thuế thu nhập trong hoạt động đầu tư CKPS: Thuế thu nhập liên quan đến hoạt động chuyển nhượng CKPS, mà cụ thể là HĐTL sẽ phát sinh khi NĐT nắm giữ HĐTL thực hiện đóng vị thế hoặc nắm giữ tới ngày đáo hạn và thực hiện quyền tại ngày giao dịch cuối cùng. Trên cơ sở tính toán của Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK)/Trung tâm lưu ký chứng khoán, NĐT có thể phát sinh lãi hoặc lỗ từ việc mở và đóng vị thế hoặc mở và thực hiện vị thế.
Để xác định thu nhập chịu thuế của HĐTL, cần xác định giao dịch HĐTL được xếp vào mục đích kinh doanh hay phòng ngừa rủi ro, hay giao dịch chênh lệch giá. Cụ thể, nếu giao dịch HĐTL cho mục đích kinh doanh thì lợi nhuận từ HĐTL (giá đóng vị thế - giá mở vị thế - chi phí liên quan) là thu nhập chịu thuế.
Về nguyên tắc, thuế đánh vào thu nhập thực có của NĐT khi giao dịch HĐTL. Thu nhập từ HĐTL phát sinh khi NĐT chuyển nhượng HĐTL hoặc phát sinh khi NĐT nắm giữ HĐTL tới ngày đáo hạn. Khác với cổ phiếu có thêm thu nhập từ cổ tức, HĐTL chỉ có thu nhập từ chênh lệch giá trị HĐTL tại vị thế đóng và vị thế mở, gọi là thuế lãi vốn.
Ngoài ra, HĐTL còn được đánh trên cơ sở tỷ lệ phần trăm (%)/giá trị giao dịch. Theo đó, ở các nước phát triển trên thế giới hiện nay có 2 cách tính thuế thu nhập phổ biến trong hoạt động đầu tư CKPS gồm: (i) Thu thuế trên giá trị giao dịch CKPS; (ii) Thu thuế trên lãi vốn của CKPS.
- Thu thuế trên giá trị giao dịch CKPS: Là thuế đánh vào giá trị giao dịch CKPS mà cụ thể ở đây là HĐTL, không phụ thuộc NĐT phải bỏ ra bao nhiêu chi phí giao dịch. Thuế chuyển nhượng được tính như sau:
Thuế chuyển nhượng = giá trị thị trường của HĐTL/1 HĐTL x số lượng hợp đồng x thuế suất.
Trong đó: Giá trị thị trường của HĐTL/1 HĐTL = Giá thị trường HĐTL tại thời điểm chuyển nhượng hoặc giá thanh toán cuối cùng tại ngày đáo hạn x Hệ số nhân.
Phương pháp tính thuế này có nhiều ưu điểm như: (i) Khắc phục được khó khăn trong việc tính toán lợi nhuận thực sự của giao dịch HĐTL làm cơ sở tính thuế chính xác vì khó phân biệt rạch ròi giữa rào chắn rủi ro và đầu tư kinh doanh; (ii) Mức thuế suất thấp nhưng có thể làm tăng nguồn thu ngân sách đáng kể, vì cơ sở tính thuế (giá trị giao dịch) là rất lớn; (iii) Chi phí hành chính, giám sát và tuân thủ thấp, thuận lợi trong việc thu, nộp, quản lý thuế vì NĐT bị khấu trừ thuế ngay trên giá trị giao dịch, không phân biệt lãi lỗ; (iv) Hạn chế hành vi tránh thuế và trốn thuế vì có cơ sở tính thuế rõ ràng.
Tuy nhiên, cách tính thuế này cũng có những nhược điểm như NĐT thua lỗ vẫn phải nộp thuế, tăng chi phí giao dịch... và những điều này có thể tác động tiêu cực tới tâm lý NĐT cũng như làm giảm tính thanh khoản của thị trường.
- Thu thuế trên lãi vốn của HĐTL: Thuế lãi vốn đánh vào lợi nhuận là giá trị chênh lệch giữa giá mua trừ giá bán và các chi phí liên quan, chênh lệch mang giá trị dương.
Thu nhập từ việc chuyển nhượng HĐTL = doanh thu từ việc đóng vị thế trừ (–) chi phí từ việc mở vị thế trừ (–) các chi phí liên quan
Cách thu thuế này có ưu điểm là tính toán được chính xác số tiền thuế NĐT phải nộp khi có lãi từ giao dịch HĐTL. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là gây khó khăn trong công tác quản lý thuế vì đòi hỏi cơ quan quản lý phải tính toán chính xác, theo dõi và quản lý thu nhập thực của người nộp thuế.
Việc lựa chọn áp dụng cách tính thuế nào đối với HĐTL là tùy thuộc vào quan điểm chính sách, trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Mặc dù, cách tính tối ưu nhất, phản ánh đúng bản chất của thuế là thuế trên lãi vốn, lợi nhuận thực thu được của người nộp thuế khi giao dịch HĐTL, nhưng cách thức này gặp nhiều khó khăn trong việc xác định giá mua, giá bán và các chi phí liên quan để xác định đúng lợi nhuận thực có của NĐT.
Hơn nữa, việc áp dụng cách tính thuế này cũng đòi hỏi thị trường có tính minh bạch cao, vì thế, nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển thường lựa chọn tính thuế trên giá trị giao dịch, để đơn giản hóa trong thu, nộp, quản lý thuế. Việc áp dụng thuế chuyển nhượng chứng khoán sẽ bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và sự phát triển ổn định cho TTCK.
Để khuyến khích TTCKPS phát triển, thu hút NĐT tham gia, các nước trên thế giới mặc dù vẫn đánh thuế giao dịch chuyển nhượng chứng khoán nhưng với mức thuế suất rất thấp, thấp hơn thuế suất đối với chứng khoán cơ sở.
Chẳng hạn như Đài Loan đánh thuế chuyển nhượng HĐTL với thuế suất thấp hơn 150 lần so với thuế suất trên tài sản cơ sở. Bên cạnh đó, nhiều nước miễn thuế chuyển nhượng HĐTL (Malaysia, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc) để khuyến khích phát triển sản phẩm này, đồng thời tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm HĐTL khác trên TTCK thế giới.
Nhìn chung, việc xây dựng chính sách thuế đối với TTCKPS tại Việt Nam cần được cân nhắc theo hướng tạo ra cơ chế ưu đãi về thuế hợp lý, nhằm khuyến khích TTCKPS hoạt động hiệu quả và phát triển lành mạnh. Xuất phát từ tính chất phức tạp và rủi ro của TTCKPS, nếu không có chính sách thu hút NĐT đủ hấp dẫn, trong đó có cơ chế thuế áp dụng trên TTCKPS, thì sẽ khó hấp dẫn được NĐT trong và ngoài nước tham gia mạnh mẽ vào thị trường khi thị trường này sắp đi vào vận hành. Theo đó, các quy định về thuế đối với CKPS cần có sự điều chỉnh linh hoạt theo từng giai đoạn phát triển của thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn đầu mới đi vào hoạt động, TTCKPS rất cần các chính sách hỗ trợ về thuế để khuyến khích phát triển.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo chuyên đề “Chính sách thuế, phí, lệ phí và giá dịch vụ đối với HĐTL trên TTCKPS Việt Nam”, Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
2. Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
3. Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về CKPS và TTCKPS;
4. Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển TTCKPS tại Việt Nam;
5. Tạp chí Chứng khoán, tháng 11/2015 và tháng 7/2017.