Chính sách ưu đãi cho người lao động tại doanh nghiệp cổ phần hóa
Tại dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Bộ Tài chính đã đề xuất quy định về chính sách ưu đãi cho người lao động tại doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP thì người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của DN tại thời điểm công bố giá trị DN cổ phần hóa được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất (trường hợp đấu giá công khai trước) hoặc bằng 60% giá bán thành công thấp nhất cho các nhà đầu tư chiến lược (đối với trường hợp bán cho nhà đầu tư chiến lược trước).
Mặt khác, tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 116/2015/NĐ-CP đã quy định việc bán trước cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn với giá bán cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa được duyệt, phần chênh lệch giữa giá bán với mệnh giá được trừ vào giá trị vốn nhà nước.
Như vậy, về bản chất Nhà nước đã thực hiện ưu đãi cho người lao động tại doanh nghiệp 40% giá trị của 1 cổ phần theo kết quả đấu giá hoặc giá khởi điểm. Quá trình bán ưu đãi này phải đợi kết quả đấu giá, trường hợp giá trị đấu giá thành công cao thì người lao động cũng phải bỏ số tiền lớn ra để mua cổ phần.
Theo quy định hiện hành, chỉ người lao động tại công ty mẹ được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa công ty mẹ. Thời gian qua đã tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước bao gồm cả các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do Công ty mẹ sở hữu 100% vốn, người lao động tại các công ty con chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các doanh nghiệp khác sẽ không được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại công ty mẹ.
Việc cổ phần hóa công ty mẹ không làm thay đổi loại hình DN tại các công ty TNHH MTV nhưng về bản chất có sự thay đổi về chủ sở hữu nên tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh theo hướng bổ sung thêm đối tượng người lao động tại các công ty con chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các DN khác cũng được mua cổ phần ưu đãi như người lao động tại công ty mẹ khi cổ phần hóa toàn bộ Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước.
Để đơn giản hóa thủ tục mà vẫn tạo thuận lợi cho người lao động nắm giữ cổ phần tại DN sau cổ phần, dự thảo Nghị định đề xuất điều chỉnh theo hướng người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của DN tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (bao gồm cả người lao động tại các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ - DN cấp II - chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các DN khác) được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần), phần giá trị ưu đãi này được trừ vào vốn nhà nước khi quyết toán và người lao động phải bỏ tiền để thanh toán 60% giá trị một cổ phần theo mệnh giá.
Mức ưu đãi này cũng tương đương với quy định hiện hành, ví dụ một người lao động làm việc tại khu vực nhà nước 20 năm, theo quy định hiện nay thì người lao động sẽ được mua 2.000 cổ phần với giá mua là 60% giá đấu thành công bình quân (thấp nhất bằng mệnh giá), có nghĩa là Nhà nước sẽ ưu đãi giảm cho người lao động 40% của giá đấu bình quân.
Giả định giá đấu bình quân bằng mệnh giá cổ phần (10.000 đồng) thì mức ưu đãi cho người lao động sẽ là 8 triệu đồng và Nhà nước sẽ trừ vào vốn Nhà nước khoản ưu đãi này.
Khi điều chỉnh theo phương án mới thì người lao động sẽ vẫn được mua ưu đãi 2.000 cổ phần với giá trị ưu đãi của Nhà nước mà không phải trả tiền 800 cổ phần (20 năm x 40 cổ phần), tương đương giá trị ưu đãi 8 triệu đồng; người lao động phải nộp 12 triệu đồng (tương đương 60% giá trị cổ phần được mua theo mệnh giá).