Chống hình sự hóa - Doanh nghiệp bớt rủi ro
Chống hình sự hóa chính là bảo đảm cho con người yên tâm khởi nghiệp, bởi tất cả những người kinh doanh và sản xuất đều sợ rủi ro, nhất là rủi ro liên quan tới vấn đề hình sự.
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về câu chuyện “chống hình sự hóa các quan hệ kinh tế”.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, góc độ chuyên gia, ông đánh giá thế nào về thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp vừa qua?
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Tôi dành rất nhiều cảm tình cho việc làm này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tôi muốn đánh giá chất lượng chính trị trong thông điệp mà Thủ tướng nêu ở cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp toàn quốc. Trước cuộc gặp gỡ, Thủ tướng đã gửi thông điệp rất sớm đến xã hội khi ông có ý kiến xử lý vụ việc quán cà phê “Xin chào”. Xã hội được nuôi sống bởi các doanh nghiệp, xã hội tồn tại và phát triển bằng các doanh nghiệp, cho nên việc bảo vệ các doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước.
Chống hình sự hóa các quan hệ kinh tế là một thông điệp cực kỳ quan trọng. Cách đây 30 năm khi mới mở cửa, chúng tôi đã thảo luận chuyện này một cách rất sôi nổi với sự tham gia của những nhà lập pháp có danh tiếng của đất nước chúng ta như Luật sư Lưu Văn Đạt.
Chúng ta nhìn vấn đề chống hình sự hóa một cách khá minh mẫn cách đây lâu rồi và cũng có những lúc cố gắng đạt được đến một ngưỡng nào đó, nhưng chưa đủ bản lĩnh để bảo đảm sự ổn định của quan điểm này. Lần này Thủ tướng đã đặt ra trúng vấn đề. Đấy là khuyết tật nặng nề nhất và là một trong những cốt lõi của việc giải phóng sức sản xuất, sức kinh doanh.
Chống hình sự hóa các quan hệ kinh tế về bản chất là bảo vệ tự do kinh doanh. Tôi là một người nghiên cứu về lĩnh vực này, tôi biết rất rõ tự do gắn liền với cảm hứng xã hội. Thủ tướng đưa ra vấn đề này là rất đáng hoan nghênh. Tôi rất thích vấn đề này và cũng thích cả sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong buổi gặp này. Sự có mặt của Bộ trưởng Tô Lâm như là một sự xác nhận rằng bộ sức mạnh chuyên trách vấn đề này cam kết thực hiện thông điệp mà Thủ tướng đưa ra.
Ông có thể phân tích mối quan hệ giữa chống hình sự hóa các quan hệ kinh tế với vấn đề khởi nghiệp ở Việt Nam?
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Hằng ngày sự sinh nở của các doanh nghiệp chính là biểu hiện của việc tăng dân số kinh doanh. Tăng dân số kinh doanh chính là thêm những người con trong lực lượng sản xuất. Chống hình sự hóa chính là bảo đảm để cho con người yên tâm khởi nghiệp, bởi tất cả những người kinh doanh và sản xuất đều sợ rủi ro, nhất là rủi ro liên quan tới vấn đề hình sự.
Bởi vì người mới kinh doanh, mới khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh, thiếu quan hệ cho nên dễ sai, dễ đụng chạm với các khía cạnh hình sự của đời sống kinh doanh. Vì thế sự chú ý của Chính phủ trong việc giảm bớt những rủi ro hình sự làm cho hoạt động khởi nghiệp tốt hơn, đấy chính là chăm sóc “trẻ em” của quá trình hình thành các lực lượng sản xuất.
Thưa ông, trong cuộc gặp gỡ này Thủ tướng đưa ra yêu cầu gạt bỏ các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, trái quy định. Hiện tại các bộ vẫn chưa đưa ra những bộ quy tắc kinh doanh, điều kiện để kinh doanh. Theo ông, quan điểm của Thủ tướng đưa ra có tốt đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam không?
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Người ta gán tội hình sự cho ông chủ quán cà phê “Xin Chào” vì ông ấy thiếu giấy phép kinh doanh. Giảm bớt các giấy phép con chính là giảm bớt các cơ hội hình thành các quan hệ hình sự trong kinh doanh.
Chính phủ đã đưa ra tới 3 Nghị quyết về cải cách môi trường kinh doanh, nhấn mạnh việc giảm thiểu điều kiện kinh doanh, điều kiện đầu tư. Các cuộc họp Quốc hội cũng được bàn theo tinh thần các bộ, các ngành phải rà soát lại và gạt bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Nhưng hiện tại vẫn còn nhiều bộ chưa ban hành các điều kiện kinh doanh để nhân dân cũng như các doanh nghiệp được biết. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các bộ, ngành trong thời gian sớm nhất bỏ hết các “giấy phép con”, theo ông có thực hiện được không?
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Đôi khi người ta nói đến việc đòi hỏi đổi mới, đòi hỏi phải cải cách, thậm chí cả cải cách thể chế chính trị, nhưng những người đòi hỏi quên mất rằng biểu hiện cụ thể của các hoạt động cải cách khác với mô tả của nhiều thông tin lề trái. Tôi nghĩ rằng giảm bớt các giấy phép con tức là các bộ rút dần “sự chiếm đóng” của mình đối với nền kinh tế Việt Nam. Đấy là một nội dung khổng lồ trong việc cải cách và chính là cải cách chính trị.
Rút các giấy phép con là một công cuộc giải phóng sức sản xuất, cái đấy vô cùng quan trọng. Phải lý thuyết hóa chuyện ấy để phản ánh với Đảng, để Đảng hiểu rằng Chính phủ đang giúp Đảng tiến hành từng bước cuộc cải cách có màu sắc thể chế.
“Sự chiếm đóng” kéo dài của các bộ đối với nền kinh tế Việt Nam không chỉ đơn thuần là ý thích mà gắn liền với lợi ích, càng nhiều ràng buộc, càng nhiều điều kiện thì càng dễ tham nhũng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang tiến hành hoạt động chống lại tham nhũng khi đòi hỏi các bộ không được “chiếm đóng” nền kinh tế của chúng ta nữa. Việc ấy dễ làm nảy sinh va chạm giữa các nhóm quyền lợi với nhau, từ đó để thấy đấy là cuộc chiến đấu thật sự và sự dũng cảm thật sự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam bây giờ hình thành hai xu hướng là cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và cải cách hệ thống hành chính. Theo ông, hai chân này chúng ta nên bắt đầu từ chân nào, doanh nghiệp nhà nước hay cơ quan hành chính?
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Xem doanh nghiệp nhà nước là của Nhà nước là một cách quan niệm sai. Doanh nghiệp nhà nước là một bộ phận của lực lượng kinh tế của đất nước, nó phải được giám sát bởi xã hội chứ không chỉ bởi Nhà nước.
Một khi quan niệm rằng tất cả các nhóm doanh nghiệp, các khu vực doanh nghiệp đều là các lực lượng kinh tế của đất nước thì chúng ta phải phân bố những năng lượng, những nguồn sữa để nuôi nó, phân bố cơ hội để nó bung ra làm ăn, bảo vệ nó để nó tồn tại. Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân bình đẳng với nhau trước pháp luật và trước chính sách.
Xin cảm ơn ông!