Chủ động điều hành thị trường chứng khoán trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ động các giải pháp nhằm giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển cân bằng, minh bạch và ổn định.
Diễn biến thị trường chứng khoán từ đầu năm 2021 đến nay
Từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) có diễn biến tích cực. Tính đến ngày 30/6/2021, chỉ số VN-Index đạt 1408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 323,32 điểm, tăng 51,19% so với cuối năm 2020.
Về quy mô giao dịch, trong tháng 6/2021, giá trị giao dịch bình quân đạt 30.044 tỷ đồng/phiên, tăng 14% so với tháng 5/2021. Tính chung từ đầu năm 2021 đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 23.064 tỷ đồng/phiên, tăng 202,1% so với bình quân năm 2020. Tính đến cuối tháng 6/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.837 nghìn tỷ đồng, tăng 29,1% so với cuối năm 2020, tương đương 108,6% GDP.
Cùng với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường phái sinh cũng ghi nhận diễn biến rất tích cực. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá trị giao dịch bình quân trái phiếu chính phủ đạt 11.615 tỷ đồng/phiên, tăng 11,4% so với năm 2020. Còn trên TTCK phái sinh, tính chung từ đầu năm 2021 đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 188.872 hợp đồng/phiên, tăng 17% so với bình quân năm 2020.
TTCK hấp dẫn đã thu hút sự tham gia mạnh mẽ của nhiều nhà đầu tư mới. Trong tháng 6/2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 140.193 tài khoản chứng khoán – đây là con số mở mới kỷ lục từ trước tới nay.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 620.683 tài khoản chứng khoán, vượt 25% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Đến cuối tháng 6/2021, số tài khoản chứng khoán trên TTCK Việt Nam ở mức hơn 3,39 triệu tài khoản, tương đương 3,3% tổng dân số. Dòng tiền margin (giao dịch ký quỹ) vào TTCK cũng có xu hướng tăng cao.
Như vậy, tính từ đầu năm 2021 đến nay, xu hướng tăng điểm tiếp tục được duy trì trên TTCK. Xu hướng này bắt nguồn từ những yếu tố sau:
Thứ nhất, năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt mục tiêu kép, tăng trưởng kinh tế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Năm 2021, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh về chính sách, ứng phó kịp thời khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, qua đó tạo niềm tin, tâm lý ổn định cho nhà đầu tư.
Thứ hai, chính sách điều hành lãi suất tiết kiệm thấp dẫn đến dòng tiền nhàn rỗi được đầu tư vào TTCK nhiều hơn, góp phần tăng sức mua trên TTCK.
Thứ ba, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trong quý I/2021 khả quan. Báo cáo tài chính quý I/2021 của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch (công bố đến ngày 30/4/2021) cho thấy, tổng doanh thu và tổng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt là 10,9% và 66,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Thứ tư, kể từ những tháng cuối năm 2020 đến nay, hầu hết TTCK trên thế giới tăng điểm và hồi phục tích cực. Trong quý I/2021, các nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung quốc) có dấu hiệu khởi sắc và tăng trưởng trở lại.
Quản lý, điều hành thị trường chứng khoán chủ động, linh hoạt
Hiện nay, trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường. Số ca mắc bệnh Covid-19 tại Việt Nam liên tục tăng trong thời gian gần đây, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế. Trên TTCK, nhiều công ty đại chúng trong các ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, thách thức; hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Trước tình hình đó, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời như: Ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Trong lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính đã hỗ trợ kịp thời nhà đầu tư trên thị trường bằng các chính sách giảm giá dịch vụ, phí, lệ phí. Những chính sách này có tác dụng tích cực đối với TTCK trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Về giá dịch vụ chứng khoán, miễn, giảm giá đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán, đến hết ngày 31/12/2021 theo quy định tại Thông tư số 30/2021/TT-BTC ngày 14/5/2021 của Bộ Tài chính kéo dài hiệu lực thi hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 sửa đổi Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán. Trên cơ sở tiếp tục miễn giảm giá của 15 dịch vụ, Bộ Tài chính đề nghị các công ty chứng khoán tiếp tục giảm giá dịch vụ tương ứng để hỗ trợ khách hàng.
Về phí, lệ phí, Thông tư số 37/2020/TT-BTC ngày 07/5/2020 của Bộ Tài chính quy định mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí được giảm 50% so với mức thu phí, lệ phí quy định tại Thông tư số 272/2016/TT-BTC từ ngày 07/5/2020 đến hết 31/12/2020. Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 của Bộ Tài chính kéo dài hiệu lực thi hành Thông tư số 37/2020/TT-BTC đến hết ngày 30/6/2021. Bộ Tài chính cũng chủ động thực hiện công tác đánh giá để tiếp tục điều chỉnh và kịp thời có chính sách về phí, lệ phí trong thời gian tới nhằm hỗ trợ tối đa cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Đối với công tác điều hành TTCK, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có công văn đề nghị các sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), trung tâm lưu ký chứng khoán, các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ rà soát và giám sát việc thực hiện các quy chế, quy trình nội bộ do đơn vị ban hành, đảm bảo phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh; Tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật; đồng thời, bố trí công làm việc trực tuyến, quán triệt người lao động trong đơn vị tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện khai báo y tế theo quy định. Ngoài ra, UBCKNN đề nghị các SGDCK, trung tâm lưu ký chứng khoán, các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ chủ động xây dựng phương án dự phòng, phương án làm việc, xử lý sự cố, đảm bảo các hoạt động giao dịch, bù trừ, thanh toán chứng khoán được an toàn, thông suốt.
Định hướng quản lý, điều hành thị trường chứng khoán trong thời gian tới
Trong thời gian tới, TTCK Việt Nam tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, xuất phát từ đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và tại Việt Nam. Từ đầu tháng 3/2021, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ 3 khi số ca mắc mới tăng cao kỷ lục ở nhiều quốc gia tại châu Âu đã cho thấy tính chất phức tạp và khó lường của đại dịch Covid-19. Trong thời gian gần đây, các nước Đông Nam Á như: Campuchia, Lào và Thái Lan đã phải kích hoạt báo động đỏ trước làn sóng bùng phát dịch bệnh Covid sau nhiều ngày tạm lắng. Vì vậy, diễn biến của TTCK phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam, tốc độ triển khai tiêm chủng vắc xin, cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước và quốc tế.
Trước bối cảnh đó, với vai trò là cơ quan quản lý trên TTCK, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN thực hiện các giải pháp giúp TTCK phát triển cân bằng, minh bạch và ổn định, cụ thể:
Thứ nhất, tích cực triển khai và hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK.
Thứ hai, tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để bảo đảm hệ thống giao dịch được thông suốt; đồng thời, khẩn trương đưa hệ thống do FPT hỗ trợ xây dựng vào sử dụng trong cuối tháng 6/2021 hoặc đầu tháng 7/2021 để giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh tại SGDCK TP. Hồ Chí Minh.
Thứ ba, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết cổ phiếu trong bối cảnh TTCK hồi phục tích cực, nhằm tăng nguồn cung có chất lượng cho TTCK.
Thứ tư, tích cực triển khai công tác tái cấu trúc TTCK theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến hết năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Thứ năm, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động thị trường; yêu cầu các thành viên thị trường phải tuân thủ quy định pháp luật và UBCKNN xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để TTCK phát triển minh bạch và bền vững.
* Bài viết thể hiện quan điểm, chính kiến riêng của tác giả.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2021), Thông tư số 30/2021/TT-BTC ngày 14/5/2021 kéo dài hiệu lực thi hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán;
2. Bộ Tài chính (2020), Thông tư số 37/2020/TT-BTC ngày 07/5/2020;
3. Bộ Tài chính (2020), Thông tư số 272/2016/TT-BTC;
4. Bộ Tài chính (2020), Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 kéo dài hiệu lực thi hành Thông tư số 37/2020/TT-BTC đến hết ngày 30/6/2021;
5. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 272/2016/TT ngày 14/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.
(*) ThS. Nguyễn Thị Ngọc Thủy - Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.