Chứng chỉ quỹ: Độ an toàn cao nhưng cũng không phải hoàn toàn không có rủi ro

Theo Hải Giang/vnbusiness.vn

Mặc dù còn khá xa lạ với nhà đầu tư Việt nhưng loại hình đầu tư chứng chỉ quỹ do các công ty quản lý quỹ quản lý đang thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư khi tiềm năng phát triển còn nhiều, cùng với đó là độ an toàn cao và cơ hội thu lời hấp dẫn. Thế nhưng, không phải hoàn toàn không có rủi ro.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thống kê cho thấy, từ tháng 1/2020 tới tháng 10/2021, số lượng nhà đầu tư tham gia chứng chỉ quỹ ước tính đã vượt hơn 200.000 người. Số lượng quỹ mở, bao gồm cả ETF cũng đã lên tới trên 51 quỹ.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2020, tổng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ chỉ chiếm 5,5% GDP của Việt Nam.

Dòng tiền đổ vào DCVFM VN30 ETF từ đầu năm. (Nguồn: BSC)
Dòng tiền đổ vào DCVFM VN30 ETF từ đầu năm. (Nguồn: BSC)

 

Một nguyên nhân chính là, nhà đầu tư trong nước có thói quen tự đầu tư, gửi tiết kiệm với lãi suất ổn định thay vì ủy thác qua các quỹ đầu tư được quản lý bởi các chuyên gia tài chính. Trong khi hệ thống đại lý phân phối chứng chỉ quỹ còn hạn chế. Cùng với đó là chất lượng hoạt động của các công ty quản lý quỹ không đồng đều.

Trước đây, hoạt động quản lý quỹ chỉ được thực hiện với các mô hình có phương thức hoạt động tương đối đơn giản như quỹ đóng, quỹ thành viên, để các công ty quản lý quỹ mới thành lập dễ tiếp cận và vận hành như VFM, VFMVF1, VFMVF2, VFMVF4, PruBF1, MAFPF1, ACBGF. Mặc dù vậy, quỹ đầu tư chứng khoán dạng đóng này vẫn được cộng đồng nhà đầu tư quan tâm và tham gia tích cực.

Từ năm 2011 đến nay, sự xuất hiện của các quỹ mở, quỹ ETF có thể coi là một bước ngoặt trong sự phát triển của quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Đây cũng là loại hình quỹ chiếm phần lớn số lượng các quỹ đầu tư trên thị trường hiện nay.

Quỹ mở chính là sản phẩm nền tảng để thiết kế các mô hình quỹ liên kết thị trường chứng khoán với các thị trường khác như thị trường bảo hiểm, thị trường trái phiếu chính phủ. Theo đó, hoạt động nghiệp vụ kinh doanh của các công ty quản lý quỹ được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu với hoạt động quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác được chú trọng và khối khách hàng doanh nghiệp bảo hiểm luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ, như: Prudential, Manulife, Dai-ichiLife, ChubbLife.

Theo thống kê, số lượng quỹ tăng gần gấp 3 lần từ 23 quỹ (năm 2011) lên 62 quỹ (tháng 9/2021).

Đáng chú ý, cùng với tốc độ gia tăng quy mô nhanh chóng của thị trường chứng khoán Việt Nam, các quỹ đầu tư chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư hiệu quả thay thế cho kênh huy động tiết kiệm của ngân hàng, từ đó khẳng định vị trí quan trọng trong việc giữ vững sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, quy mô quản lý tài sản của các công ty quản lý quỹ đạt khoảng 6-10% GDP, đồng thời phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư. Trong đó, cần thúc đẩy quỹ hưu trí, các loại hình quỹ mới và nâng cao năng lực của các công ty quản lý quỹ như: năng lực tài chính, năng lực cung cấp dịch vụ, năng lực cạnh tranh, quản trị rủi ro.

Do đó, sẽ còn rất nhiều dư địa để ngành quản lý quỹ tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt khi quỹ hưu trí tự nguyện được triển khai nhiều hơn.

“Chúng ta còn một khoảng cách rất lớn trong sự phát triển của ngành này so với các nước trong khu vực như Thái Lan: chiếm 29% GDP, Malaysia: 31,5% GDP...”, ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam nhận xét.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều quỹ mở được thành lập với mục tiêu và chiến lược đầu tư khác nhau, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận khác nhau nhưng tổng thể vẫn được chia ra làm 3 loại quỹ cơ bản: quỹ trái phiếu, quỹ cổ phiếu và quỹ cân bằng với danh mục được xây dựng trên các tiêu chí đầu tư với triết lý, quy trình rõ ràng, không cảm tính nhằm mục tiêu đầu tư đạt kết quả tích cực hơn so với diễn biến một chỉ số nào đó, chẳng hạn VN-Index.

Chứng chỉ quỹ có mức độ an toàn cao, nhà đầu tư có thể mua/bán bất cứ thời điểm nào theo kỳ giao dịch (1 tuần/lần), tuy nhiên không phải quỹ đầu tư nào cũng đang hoạt động hiệu quả, nhất là thời điểm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều quỹ có hiệu suất đầu tư âm.

Thực tế cho thấy, với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có lợi thế thông tin, có kinh nghiệm giao dịch thì các giai đoạn biến động là cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường cổ phiếu. Ngược lại, nếu không có kiến thức đủ sâu và thời gian phù hợp thì đầu tư vào chứng chỉ quỹ sẽ thích hợp hơn.

Tuy nhiên, đầu tư vào chứng chỉ quỹ vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro mà các nhà đầu tư ít khi được đề cập tới.

Theo đó, việc quan trọng nhất là nhà đầu tư phải nghiên cứu và lựa chọn một công ty quản lý quỹ tốt, có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, có nhiều thông tin đầu tư và danh mục đầu tư đa dạng với nhiều ngành nghề vì đầu tư chứng chỉ quỹ là ủy thác vốn cho các chuyên gia của công ty quản lý quỹ.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý của chứng chỉ quỹ như quỹ do công ty nào quản lý, vì rất có thể việc chịu sức ép từ các cổ đông chính sẽ làm cho quỹ có thể bị thoái vốn bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, cần cân nhắc yếu tố chi phí của quỹ đầu tư và tỷ lệ chi phí/thu nhập của quỹ vì giá của mỗi chứng chỉ quỹ có những cách thức biến động khác nhau (rủi ro cao - lợi nhuận cao).

Đặc biệt, nên quan sát lợi nhuận của quỹ trong dài hạn để đánh giá chiến lược và mục tiêu của quỹ, nhất là hoạt động quản trị rủi ro.

“Quản trị rủi ro của quỹ quan trọng hơn việc tìm kiếm lợi nhuận”, ông Tuấn Trần, một trong những chuyên gia về đầu tư giá trị, Giám đốc nghiên cứu GoValue nhận định.