Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tỉnh Hải Dương theo hướng bền vững

ThS. Đinh Quốc Tuyền - Trường Đại học Lao động - Xã hội

Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã tích cực triển khai chủ trương chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, tập trung phát triển công nghệ cao theo định hướng phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Hải Dương tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu phát triển theo hướng tăng trưởng bền vững, ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bài viết này trao đổi về kết quả trong chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tỉnh Hải Dương theo hướng bền vững và đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng bền vững.

Đặt vấn đề

Tỉnh Hải Dương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cách thủ đô Hà Nội 57 km về phía Đông, cách trung tâm TP. Hải Phòng 45 km về phía Tây. Tỉnh Hải Dương có diện tích 1.662 km², là tỉnh có diện tích trung bình trong số các tỉnh thành ở Việt Nam.

Những năm qua, kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Hải Dương đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu từ Cục Thống kê Hải Dương năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Hải Dương ước tăng 9%, cao thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,4% (đóng góp 0,35 điểm %); công nghiệp tăng 12% (đóng góp 5,78 điểm %), xây dựng 9,8% (đóng góp 0,51 điểm %); dịch vụ tăng 7,7% (đóng góp 2,08 điểm %); thuế và trợ cấp sản phẩm tăng 3,1% (đóng góp 0,28 điểm %).

Bên cạnh đó, cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm dần do sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi hạn chế và quỹ đất giảm. Tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng tăng khá do vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Tỷ trọng ngành Dịch vụ giảm trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương đạt 8,35%, đứng thứ 9 trong 63 tỉnh, thành phố và thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng...

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, tập trung phát triển công nghệ cao theo định hướng phát triển bền vững. Tỉnh Hải Dương đã tập trung thực hiện theo phương thức “kết nối, đầu tư, nhân lực, tốc độ” để có thể nâng cao lợi thế cạnh tranh, tạo thương hiệu cho địa phương, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, từng bước khẳng định vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và khu vực Đồng bằng Sông Hồng.

Kết quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự chuyển dịch sao cho phù hợp với năng lực, trình độ của lao động trong điều kiện KT-XH ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế của Đất nước. Nói cách khác, ngành nào có tốc độ phát triển mạnh hơn thì sẽ tăng tỉ trọng của ngành đó, ngành nào có tốc độ phát triển thấp hơn thì điều chỉnh giảm tỉ trọng của ngành đó cho phù hợp tổng thể chung của nền kinh tế. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngày càng rõ cho thấy sự phát triển của năng lực sản xuất và phân công lao động xã hội. Thông thường, khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì sự phân hóa ngành, chuyển dịch kinh tế ngày càng tăng, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Tỉnh Hải Dương xác định việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Vì vậy, trong những năm qua, Hải Dương đã chủ động triển khai từ sớm chủ trương chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, tập trung phát triển công nghệ cao với định hướng trở thành tỉnh thành đi đầu trong công nghiệp hiện đại và phát triển bền vững.

Trong đó, năm 2022, cơ cấu kinh tế tỉnh Hải Dương chuyển dịch nhanh sang ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Trong đó, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế như sau: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 8,9%; Công nghiệp, xây dựng chiếm 62%; Dịch vụ chiếm 29,1% (Năm 2021, tỷ trọng các ngành tương ứng là 9,5%, 60,2% và 30,3%). Trong năm 2023, tỉnh Hải Dương phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 10,3% trở lên so với thực hiện năm 2022, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,2%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 9% trở lên so với thực hiện năm 2022. Có thể thấy, tỉnh Hải Dương đã và đang đạt được kết quả khá tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, có thể kể tới một số giải pháp nổi bật sau:

Thứ nhất, tập trung xây dựng và triển khai các quy hoạch, đề án, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển toàn diện các lĩnh vực để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, cán bộ và hiệu quả quản lý nhà nước...

Thứ hai, đầu tư chiều sâu các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm khoa học và công nghệ đầu ngành; khuyến khích phát triển các cơ sở nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất và thiết kế, chế tạo, cải tiến và ứng dụng công nghệ mới; kiểm định và đánh giá chất lượng công nghệ thuộc mọi tổ chức và thành phần kinh tế. Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hoá bộ máy quản lý nhà nước đến cấp huyện, cấp xã...

Thứ ba, xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, trong đó chú trọng phát triển các ngành công nghệ mới (chế biến nông sản, chế tạo máy, điện tử, tự động hoá) hướng xuất khẩu; thực hiện hình thức khoán theo quy định, trong đó Nhà nước, DN đặt hàng và hợp đồng với các tổ chức khoa học công nghệ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ.

Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại. Theo đó, tăng cường công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, phát triển đô thị, quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đến kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước theo hướng đồng bộ, hiện đại có tính liên kết cao, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, thu hút đầu tư theo hình thức PPP; triển khai nhiều công trình, dự án có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của địa phương...

Thứ năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là yếu tố quan trọng để hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhiệm vụ, giải pháp chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu phát triển theo xu hướng tăng trưởng bền vững gắn với đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Với định hướng đó, tỉnh Hải Dương phấn đấu GRDP hàng năm tăng bình quân trên 9%, thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 85 triệu đồng và tăng trưởng tới 140 triệu đồng vào năm 2030. Tỉnh Hải Dương định hướng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế tới năm 2025 với tỷ trọng Nông - lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 8%, Công nghiệp - Xây dựng đạt 61,5%, Dịch vụ đạt 30,5% và phấn đấu mục tiêu cơ cấu tương ứng là 6%, 63,8% và 30,2% vào năm 2030.

Để đạt được những mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành. Quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số và coi chuyển đổi số hóa là nền tảng, đòn bẩy thúc đẩy phát triển trong các lĩnh vực KT-XH, trong đó chú trọng hoàn thiện môi trường thể chế thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ sao cho tốc độ đổi mới công nghệ đạt 15 - 30% trung bình hàng năm.

Đối với ngành công nghiệp và dịch vụ, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chất lượng cao, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng và các loại hình dịch vụ, quan tâm tới xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết các tỉnh trong vùng phát triển KT-XH, nâng cao đầu tư hạ tầng. Tạo điều kiện thuận lợi, cũng như giúp các DN tháo gỡ khó khăn trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển DN, thu hút các dòng đầu tư từ nước ngoài với đa dạng các quy mô, dự án, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Đối với ngành nông nghiệp, định hướng phát triển toàn diện trên cơ sở phát triển bền vững, tập trung chuyển từ mục tiêu về lượng sang mục tiêu về chất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển chăn nuôi, gắn liền với vệ sinh môi trường, giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh quá trình hoạt động quản lý, tổ chức trong việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường. Bên cạnh đó, cũng cần xử lý tốt chất thải ra môi trường từ các hoạt động công – nông nghiệp...

Thứ hai, đẩy mạnh đổi mới trong xúc tiến thương mại, tư vấn và xúc tiến đầu tư; chú trọng đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ. Chủ động phương án tạo mặt bằng sạch, nguồn cung lao động và hạ tầng kết nối để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN đầu tư vào tỉnh; thu hút các dự án lớn, dự án có công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm mới. Cùng với đó, cần chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm đầu tư hoàn thành dự án đưa vào hoạt động, sử dụng, nhất là đối với các dự án trọng điểm, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các công trình kết cấu hạ tầng đô thị và dự án giao thông kết nối vùng, liên vùng có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, khơi thông các nguồn lực phát triển KT-X. Thường xuyên rà soát, nắm bắt các hoạt động sản xuất kinh doanh, vướng mắc của DN để chủ động tháo gỡ kịp thời, không để DN phải dừng, giãn hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp đồng hành cùng DN. Trong hoạt động hỗ trợ DNNVV, tập trung vào hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thông tin, hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, nhằm giúp các DN từng bước phục hồi và tạo đà phát triển; tăng cường kết nối khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước...

Thứ tư, nâng cao năng lực và tỷ trọng của các ngành công nghiệp có lợi thế, có giá trị nội địa hóa cao. Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên đất đai; chuyển dần từ gia công lắp ráp sang chế tạo sản phẩm đồng bộ. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh; chú trọng phát triển công nghiệp xanh và phát triển một số DN viễn thông, công nghệ thông tin chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ, tạo nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số.

Kết luận

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra trong giai đoạn tới, tỉnh Hải Dương cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững. Theo đó, cần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành; có nhiều chương trình hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong sản xuất, kinh doanh; tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ cao, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch này cũng được thực hiện phù hợp với năng lực, trình độ của lao động trong điều kiện KT-XH ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế của địa phương.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương (2022). Tăng trưởng kinh tế Hải Dương đứng thứ 27 cả nước. https://web01.haiduong.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=14523;
  2. Cục Thống kê Hải Dương (2023), Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2023 tỉnh Hải Dương;
  3. Cục Thống kê Hải Dương (2023), Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2022 tỉnh Hải Dương.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023